Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nữ hoàng YouTube người Úc gốc Việt
09 | 02 | 2009
Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, một người bạn thân lâu năm của tôi từ Australia gửi thư thông báo một cô gái Australia gốc Việt có tên Natalie Trần đã trở thành Nữ hoàng You Tube.
Thực ra đó là một lá thư chúc mừng gửi tới gia đình cô và đồng thời chia vui với bạn bè của cha mẹ cô. Ông gửi kèm theo bài báo in trên tờ The Sydney Morning Herald viết về cô, người đã mang đến cho những người Việt ở mọi nơi trên thế giới niềm tự hào không nhỏ.

Nêm "gia vị" cho đời sống bằng video

Người hiện giữ kỷ lục về số lượt xem nhiều nhất ở Australia và thứ 37 của thế giới trên trang chia sẻ video Youtube ở Australia và thứ 37 trên thế giới thuộc về Natalie Trần, cô gái gốc Việt 22 tuổi.

Tại ngôi nhà của cha mẹ cô ở phía tây Sydney, Natalie Trần, Nữ hoàng YouTube của Australia, đã chứng tỏ rằng sự "kích động" không phải là yếu tố tiên quyết để giành được sự nổi tiếng trên Internet.

Nathalie Trần trong một video clip tự biên tự diễn của chính mình (Ảnh chụp màn hình từ Youtube)

Với hơn 150.000 người đăng ký xem kênh YouTube của cô, Trần, 22 tuổi, dễ dàng trở thành người dùng YouTube có số lượng người xem lớn nhất Australia và thứ 37 thế giới.

118 video cô tạo ra trong 2 năm qua đã thu hút được 64 triệu lượt xem, khiến cô trở thành người sử dụng YouTube Australia có số lượng lượt xem lớn nhất mọi thời đại – còn nhiều hơn cả trang của AC/DC, trang có số lượng xem là 53 triệu lượt.

Trong khi một số trang web nổi tiếng của nữ giới như Obama Girl sử dụng những thứ mang tính tình dục để thu hút các cậu bé, Trần đã tránh việc kích động mà đi vào những vở kịch châm biếm về những vấn đề trong cuộc sống thường ngày của cô.

“Tôi nghĩ rằng để trụ lại lâu dài trong những trang web kiểu này, bạn cần đưa ra một thứ gì đó khác lạ… đã có rất nhiều thứ liên quan đến tình dục trên internet”, cô nói.

Ví dụ, đoạn hài kịch mới nhất của cô là về chất lượng nhận dạng âm thanh rất kém mà một số công ty sử dụng để trả lời điện thoại và đưa ra một số cách hài hước để lờ chúng đi.

Trong một vở kịch khác, Trần nói về những nỗi sợ hãi vô lý mà mọi người thường trải qua, như: “Khi tôi giết một con côn trùng, tôi thực sự lo lắng rằng liệu có ai khác trong phòng có thể nhìn thấy tội ác đó, có thể tìm ra tôi và gia đình tôi”.

Trần nói rằng những vở kịch này đều dựa trên những thứ xảy ra trong cuộc sống của cô, “chỉ thêm một chút phóng đại với mục đích hài hước”.

“Chúng không phải là những video có ý nghĩa sâu sắc, chúng chỉ là những mẩu thông tin có ý nghĩa hài hước một chút trong giờ nghỉ ăn trưa của ai đó…. Thế giới sẽ không phải là một nơi tồi tệ nếu thiếu những mẩu cười này”, cô nói.

Ít quan tâm đến tiền bạc và sự nổi tiếng

Cứ 2-3 ngày, Trần lại xuất bản một video mới, mỗi cái mất khoảng 4 giờ để hoàn thành bao gồm viết ra, quay phim lại, biên tập và đưa lên mạng. Ngoài ra, cô còn sử dụng một giờ mỗi tối để trả lời hàng trăm thông điệp mà cô nhận được mỗi ngày từ những người hâm mộ.

Natalie Trần 22 tuổi, là sinh viên đang học về nghành điện ảnh kỹ thuật số tại trường đại học Sydney.

Trong 2 năm qua, cô đã đưa lên mạng Youtube 118 đoạn video do chính mình tự biên tự diễn và có 150,000 người ghi danh xem những đọan video của Natalie.

Đã có 65 triệu lần video của Natalie đã được người dùng mạng Youtube xem.


Không giống những nhân vật nổi tiếng trên internet khác, Trần chưa bao giờ theo đuổi sự nổi tiếng, thường xuyên từ chối các chương trình truyền hình và các nhà báo chỉ quan tâm đến khía cạnh hài hước lý thú của thế giới YouTube hơn là muốn thực sự tìm hiểu nó trong thế giới truyền thông số.

Cô hiện đang theo học truyền thông số tại trường Đại học New South Wales nhưng hầu hết các bạn cùng lớp cô không biết về sự nổi tiếng của cô trên YouTube.

Trần cho biết vô số các công ty đã tìm đến cô để đề nghị tài trợ cho các video của cô nhưng cô không thích làm điều đó vì sợ rằng điều đó sẽ gạt những người xem của cô ra ngoài lề.

“Tiền của nhà tài trợ rất quyến rũ nhưng nó không phải cái tôi đang tìm kiếm. Tôi đã mất nhiều thời gian để sáng tạo ra cái gì đó và tôi không muốn từ bỏ nó”, cô nói.

Trong khi đó, Nathalie Trần chỉ kiếm được một số tiền ít ỏi từ chương trình đối tác của YouTube (thường trích lại một số ít phần trăm số tiền thu từ quảng cáo cho những người dùng có số người xem đông nhất). Trần cho rằng tiền bạc và sự nổi tiếng không phải là mối quan tâm của cô.

“Tôi không nghĩ sự nổi tiếng trên internet có ý nghĩa gì nhiều trong thế giới thực”, Trần nói.Cô quan tâm đến việc ứng dụng những kiến thức về truyền thông số của cô để có thể duy trì được số lượng khán giả trên mạng.

Cuộc sống gia đình Natalie Trần

Tôi đã gặp Natalie Trần tại nhà cô ở Sydney năm 1998 khi tôi là khách mời văn chương của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Năm đó cô mới 11 tuổi.

Cô xuất hiện và chào khách bằng một câu tiếng Việt không sõi rồi biến mất trong căn phòng của cô ở gác 2 ngôi nhà. Cảnh này do tôi hình dung ra mà cũng có thể là một cảnh chính xác.


Buổi tối của một ngày cách đây 11 năm, tôi được cha cô mời đến nhà ăn tối cùng với nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, người hiện đang giảng dạy ở chính trường đại học mà Natalie Trần theo học. Đó là một bữa tối để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

Mẹ của Natalie Trần là một người phụ nữ gốc Hà Nội. Bà đã nấu một số món ăn mà những người phụ nữ Hà Nội vẫn nấu để đãi chúng tôi.

Cha của Natalie Trần là ông Trần Đình Lương, một nhà giáo, nhà thơ hiện sinh sống tại Australia. Mỗi lần tôi đến Australia, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn lại tổ chức những cuộc gặp gỡ của các văn nghệ sỹ người Việt sinh sống ở Sydney.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu là năm 1992. Nhưng chỉ lần gặp sau này tôi mới biết đôi chút về ông và gia đình ông. Trong bữa tối ấy, ông đưa cho tôi xem một cuốn sách của một nhà văn trong nước viết về những người cách mạng trong nhà tù Sơn La. Tôi thực sự không nhớ chính xác tên cuốn sách và tên tác giả của nó nên không viết ra đây.

Ông xúc động nói với tôi rằng cha ông là một trong những nhà cách mạng bị cầm tù ở đó cùng với nhà cách mạng tên tuổi Tô Hiệu. Ông có cuốn sách này từ nhiều năm trước đó. Nhưng trong suốt thời gian ấy, giữa người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước chúng ta còn có quá nhiều vấn đề, chính thế mà ông không muốn cho bạn bè biết cuốn sách đó. Hay nói chính xác hơn, ông không muốn cho nhiều người biết về cha mình và về gia đình mình.

Cha ông là nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động cách mạng tên tuổi Trần Đình Long, sinh năm 1904 tại xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Năm 1926, Trần Đình Long sang Pháp học và tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1928, Trần Đình Long được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang học tại trường Đại học Cộng sản Lao động Phương đông ở Moscow.

Tốt nghiệp, nhà cách mạng Trần Đình Long trở về nước hoạt động cách mạng. Ông tích cực tham gia hoạt động báo chí tiến bộ. Ông từng làm chủ nhiệm Báo Khoẻ rồi Báo Thời Thế. Nhưng cả hai tờ báo này đều bị chính quyền đô hộ Pháp tìm cách đóng cửa ngay cả khi nó chưa kịp ra số đầu tiên như tờ Báo Khoẻ. Ông đã nhiều lần bị thực dân Pháp cầm tù.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Trần Đình Long trở thành Trợ lý ngoại giao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 24/11/1945, nhà cách mạng Trần Đình Long bị Quốc Dân Đảng bắt cóc và thủ tiêu mất tích. Và cho đến tận bây giờ, theo tôi biết, hài cốt của nhà cách mạng Trần Đình Long vẫn chưa được tìm thấy.

Năm 1954, gia đình ông đã rời Hà Nội đi Sài Gòn. Năm 1975, ông cùng mẹ và gia đình sang Australia định cư cho đến bây giờ. Đã có lần tôi hỏi ông vì sao mẹ ông đã bế anh chị em ông rời Hà Nội ra đi một vài năm sau khi cha ông mất. Ông đã im lặng. Một sự im lặng kéo dài bằng số năm tính từ ngày mẹ con ông lên tàu vào Sài Gòn cho đến bây giờ.

Đó là một buổi sáng ông đưa tôi đến một nhà sách và mua tặng tôi mấy cuốn tuyển thơ tiếng Anh của một số tác giả tôi yêu thích. Chúng tôi ăn trưa trong vườn cây trước nhà sách và nói chuyện.

Ông nói với tôi rằng tác giả cuốn sách viết về nhà tù Sơn La đã tả cha ông, nhà cách mạng Trần Đình Long, có tật háy mắt. Và bây giờ, ông cũng có tật háy mắt giống cha mình. Ông nói và cười với đôi mắt ứa lệ.

Cha ông mất khi ông còn rất nhỏ. Ông không chỉ nhớ một cách mơ hồ về hình dáng cha mình. Nhưng có một điều mà ông biết rất chính xác: cha ông mãi mãi là một nhà cách mạng chân chính.

Cũng năm đó, biết tôi thích địa lan, ông đã bỏ một ngày lái xe đưa tôi đến khu vườn của một trong những người trồng địa lan nổi tiếng thế giới ở Sydney. Ông đã mua tặng tôi một chậu địa lan để mang về nước.

Ba năm sau, tôi viết thư cho ông buồn rầu thông báo và xin lỗi ông về những cây địa lan ông mua cho tôi đã chết cho dù tôi đã cố gắng chăm sóc chúng.

Nữ hoàng You Tube Natalie Trần đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy. Ông nội cô là một người yêu nước, một nhà cách mạng chân chính đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, cho lẽ phải và sự công bằng của những con người bị áp bức.

Cha cô là một nhà giáo, một nhà thơ, một người suốt đời không mệt mỏi truyền bá cái đẹp cho những thế hệ tương lai của thế gian.

Mẹ cô là một người phụ nữ đức hạnh và đoan trang. Bữa ăn bà nấu cho tôi hơn mười năm trước vẫn còn nguyên hương vị và tinh thần văn hoá của nó. Và mảnh đất nơi cô sinh ra và lớn lên đã cho cô những cơ hội để được làm người một cách đúng nghĩa nhất.

Cô là một người mang quốc tịch Australia nhưng dòng máu đang chảy trong cô là dòng máu Việt.



Nguồn: www.doanhnghiep24g.vn
Báo cáo phân tích thị trường