Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường tiêu thụ: Không thể khoán trắng mãi cho tư thương
06 | 02 | 2009
Quan sát các nước, mấu chốt trong chính sách đối phó với khủng hoảng của họ đều nằm ở chính sách tiêu dùng. Với Việt Nam, thị trường trong nước cần cải cách đàng hoàng, củng cố nghiêm túc, vì quyền lợi của người dân và người tiêu dùng, không thể cứ khoán trắng cho tư thương.

- Có ý kiến cho rằng trong kích cầu, cần có cách tiếp cận từ dưới lên, từ DN, người dân để xem họ khó khăn gì, trực tiếp hỗ trợ sẽ hiệu quả, không thể áp đặt từ trên xuống?

Ts. Lê Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia: Các giải pháp của Chính phủ thời gian qua cũng từ yêu cầu của DN người dân mà đi lên đấy thôi. Chính phủ đã tìm hiểu, nghiên cứu những mắc mớ, từ đó làm được nhiều việc, không phải là những quyết định mang tính áp đặt.

Tuy nhiên, không thể thỏa mãn 100% DN được, chỉ đi vào luồng chung nhất thôi. Trong hơn 35 ngàn DN, có nhiều DN, tập đoàn làm ăn đúng đắn, có trách nhiệm nhưng cũng có không ít DN có ý đồ riêng, lách luật, xé rào, làm sao cứ nghe họ kêu mà đáp ứng được. DN làm ăn chộp giật, không minh bạch phải bị cơ chế điều phối.

DN tư nhân cũng gần nhà nước lắm

- Nhiều người quan ngại hỗ trợ sẽ rót về cho DNNN phần nhiều, bởi là người của nhà nước, gần hơn và dễ tiếp cận hơn?

Thực ra nhiều DN tư nhân cũng gần Chính phủ, quan chức và các cơ quan nhà nước lắm. Tiếp cận được với Chính phủ không phải chỉ có các DNNN.

Thông tin cũng như tiếp cận của DN, tập đoàn, tổng công ty... đều tương đối bình đẳng. Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trương gặp gỡ, trao đổi và thông tin cho mọi đối tượng DN, không phải chỉ DNNN.

Có thể nói, tiếp cận với nhà nước và thông tin là bình đẳng, vấn đề là trình độ và sự nhạy bén xử lí thông tin của DN khác nhau, dẫn tới kết quả vận hành, ứng dụng của Dn khác nhau.

- Liệu có hình thành cơ chế xin - cho?

Nhiều người lo ngại và Chính phủ cũng rất đề phòng vấn đề này. Trong tình hình hiện nay, để công bằng toàn bộ chắc khó, nhất là công bằng trong một tỷ USD rất khó, vì khoản này rất nhỏ.

Do đó, việc hỗ trợ không thể đồng loạt mà nhằm vào mũi nhọn Chính phủ thấy cần tác động. Kích cầu quan trọng là rót tiền vào đúng cứ điểm, điểm huyệt để mọi người đều được hưởng lợi. Nếu ai cũng giành 1 tỷ đôla đó thì gọi gì là kích cầu nữa. Điểm cơ bản là kích vào đúng điểm để nền kinh tế phát triển, mọi người cùng hưởng lợi.

Đầu ra

- Theo ông, đâu là vấn đề nhà nước cần tập trung xử lý nhanh và triệt để?

Vấn đề đầu ra bây giờ là ưu tiên hàng đầu với DN. "Tắc" đầu ra nên DN không thể sản xuất được. Lãi suất có cao, đầu vào có khó khăn nhưng nếu còn đầu ra, thì DN còn có cách để xoay xở, nhưng làm ra mà không biết sản phẩm có thể bán cho ai thì DN đành co cụm lại. Thực tế nhiều DN đóng cửa hoặc tạm ngừng sản xuất cũng vì lí do đó.

Với xuất khẩu, thị trường truyền thống đang gặp khó khăn, để tăng xuất khẩu, nhà nước cần khai thông, mở ra thị trường mới song song với quá trình nỗ lực tự thân của DN.

Ở trong nước, làm sao người dân móc túi tiêu tiền là một vấn đề. Nếu giá tiêu dùng rẻ xuống, tiêu dùng người dân nâng lên mới đáng mừng. Người dân tiêu dùng ít, thắt lưng buộc bụng mà giá xuống thấp thật đáng lo ngại.

Không chỉ là kích thích người dân tiêu dùng các sản phẩm hàng ngày mà còn là việc các DN dùng sản phẩm của DN khác sản xuất ra. Ví dụ, gạch ngói, sắt thép, vật liệu xây dựng phải được các DN xây dựng mua vào... Nhà nước hỗ trợ tìm đầu ra cho các DN, làng nghề.

Chăm sóc thị trường

- Trong bối cảnh khó khăn, nhu cầu tiêu dùng các nước đều cắt giảm, liệu mục tiêu tăng xuất khẩu 13% có quá xa vời?

Vấn đề không nằm ở con số 13% hay không, mà nằm ở cách xuất khẩu, tìm hiểu, chăm sóc thị trường của Việt Nam như thế nào; chính sách về thủ tục và tạo điều kiện cho DN xuất khẩu ra sao. Làm tốt những việc đó thì mức tăng xuất khẩu 13% được đề ra là trong tầm tay.

Điều quan trọng nhất là tìm hiểu và chăm sóc thị trường, dù rất khó. Cần phải nắm được tính cách tiêu dùng của thị trường như thế nào, từ đó đưa ra giải pháp cải tiến sản phẩm để gắn bó lâu dài.


Trong khi đó, từ trước tới nay, trong họat động của DN Việt Nam, tính thời cơ vẫn còn lớn quá. Ý thức của mình với thị trường kém. DN xuất hàng ra, lô nào chỉ biết lô nấy, DN nào biết DN ấy thì việc mất thị trường là nguy cơ có thật.

Chúng ta chưa sẵn sàng cho một sân chơi lành mạnh, một sự cạnh tranh hiện đại và văn hóa của cuộc chơi ấy. Thế giới cạnh tranh quyết liệt nhưng là cạnh tranh trong văn hóa, mình cần chuẩn bị kịp và đúng cho nó.

Cả cơ chế và cơ sở của mình đều chưa đủ chiều sâu, chính xác để đối phó với quy luật kinh tế nghiệt ngã, nguyên tắc khắc nghiệt. Lao vào sân chơi, thấy bình thường, mình điều hành được, không đúng. Nó khách quan, nghiệt ngã và khắc nghiệt, mình không thể điều chỉnh được quy luật mà phải tuân thủ quy luật, lợi dụng vươn lên và điều chỉnh mình.

Khi hội nhập, bán hàng ra ngoài, ta thấy nhược điểm của mình mà tự đổi mới, vươn lên thì sẽ phát triển. Chủ động đổi mới là quan trọng.

Cần một chính sách tiêu dùng cụ thể

- Vậy còn chính sách cụ thể để thúc đẩy tiêu dùng trong nước ra sao, thưa ông?

Quan sát các nước, mấu chốt trong chính sách đối phó với khủng hoảng của họ đều nằm ở chính sách tiêu dùng.

Với Việt Nam, ưu tiên hàng đầu là chính sách tiêu dùng cần có sự chấn chỉnh, và cần có sự quan tâm của tất cả các phường, xã, huyện để làm. Việt Nam cần bàn kĩ và có quyết định tức thời về chính sách tiêu dùng cụ thể, hướng vào trong nước.

Thị trường trong nước cần cải cách đàng hoàng, củng cố nghiêm túc, vì quyền lợi của người dân và người tiêu dùng.

Hệ thống lưu thông bao nhiêu năm chúng ta bỏ bê, để tư thương hoạt động, sản phẩm không đến trực tiếp tay người tiêu dùng, cần được củng cố lại.

Ví dụ, người dân vùng núi cần tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhưng lại chặt phá rừng để có gạo sống. Tại sao ta không mang gạo, hàng hóa lên để đảm bảo đời sống cho cư dân ở đó, để họ trồng và bảo vệ rừng.

Ta cần xác định lại thị trường trong nước, tổ chức lại thu mua, phân phối, phải làm lại hết.

Không thể cứ khoán trắng cho tư thương

- Trong điều kiện thị trường, việc tư thương hoạt động là điều bình thường, hơn nữa chính họ đã tạo nên nền tảng sẵn có rất tốt để mình tận dụng?

Tư thương hoạt động là cần thiết, nhưng quản lý như thế nào để họ không nâng giá, thao túng thị trường. Theo tôi, cần có sự sắp xếp lại, gắn vào đơn vị phân phối của nhà nước như thế nào.

Không loại tư thương ra khỏi khâu tiêu thụ nhưng không thể cứ khoán trắng cho họ như hiện nay. Cần sử dụng tư thương và nhà nước, nhưng phân cấp và sử dụng như thế nào cần tính toán.

Trong đó, vai trò của nhà nước là đứng ra tổ chức mạng lưới đó, không để "con buôn" hoành hàng, khiến cho giá hàng hóa bị đẩy lên cao, người dân không mua được.

DNNN nhưng chưa phải là vai trò của nhà nước

- Nhìn lại câu chuyện thu mua lúa gạo ở ĐBSCL, rõ ràng đều do các DNNN nắm giữ, tại sao vẫn có chuyện người dân không bán được lúa?

Nhà nước tổ chức các đơn vị này nhưng chưa thực sự tập trung cho vai trò nhà nước. Đó mới chỉ là các DNNN chứ chưa phải là vai trò của nhà nước. DNNN chỉ nghĩ đến vế cho DN mà chưa nghĩ đến trách nhiệm của họ là trách nhiệm đại diện cho nhà nước.

- Vậy cơ chế trách nhiệm phải như thế nào?

Cơ chế quản lý DNNN chưa rõ, trách nhiệm tới đâu giao vùng đó, trách nhiệm đến đâu. Không thể cứ giá lên thì không mua, giá xuống thì mới mua giống như tư thương được. Cần có sự giám sát của các bộ, ngành.

Nhà nước giao cho anh nắm giữ toàn bộ nhưng anh có trách nhiệm gì, không chỉ với nhà nước mà với người dân. Anh thay mặt nhà nước, trách nhiệm của anh phải khác. Nếu trách nhiệm vu vơ, không có trách nhiệm với dân, người dân phải lánh chịu mọi hậu quả.



Nguồn: www.tuanvietnam.net
Báo cáo phân tích thị trường