Cả nước còn 12,1% hộ nghèo
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm 2008 nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều vấn đề chúng ta không thể dự báo, lường trước được như đợt rét đậm, rét hại xảy ra vào những ngày đầu năm, trận mưa lũ lụt lịch sử xảy ra ở Hà Nội… Đặc biệt khủng hoảng kinh tế, tài chính lúc đầu các cấp các ngành đều cho rằng đây là 1 cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng dẫn đến giá cả tăng cao. Tuy nhiên, cuối cùng lại là khủng hoảng tài chính sau chuyển thành suy thoái. Khó khăn là vậy nhưng nước ta vẫn đảm bảo được an sinh xã hội. Theo đó, trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã làm được 3 việc cơ bản là kiềm chế lạm phát nhất là từ quý 3 đến nay chỉ trong một thời gian ngắn, mức tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 6,7%, chỉ sau Trung Quốc. Các chính sách về y tế, giáo dục được thực hiện rất hiệu quả. Trong lĩnh vực y tế, dù trong điều kiện lạm phát cao nhưng vẫn có 52% dân số cả nước được đóng bảo hiểm y tế, số người được khám chữa bệnh ở các bệnh viện bằng thẻ bảo hiểm y tế tăng gấp 2 lần so với năm 2007. Trong giáo dục, không có một học sinh nào bỏ học vì lý do kinh tế khó khăn đặc biệt ở cấp đại học và cao đẳng. “Hiện, cả nước có 3,3 triệu sinh viên trong đó 1,1 triệu người được vay vốn với số tiền tăng gấp đôi so với trước đó” – Thủ tướng nói.
Điều đáng quan tâm nhất đó là, trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 người nghèo được coi là đối tượng chịu tổn thương nhất nhưng khi Chính phủ thực hiện hỗ trợ tiền tết cho người nghèo thì con số thực lĩnh lại giảm chỉ còn 12,1% (trước đó là 13,1%). Đây thực sự là một tin vui đầu năm 2009.
Có được những kết quả này ngoài sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, các cấp các ngành còn có sự đóng góp rất lớn của báo chí trong vấn đề tuyên truyền. “Chính phủ đánh giá rất cao những đóng góp của báo chí trong năm vừa qua. Một số vụ nổi bật có sự đóng góp tích cực của báo chí tạo nên thành công như vụ 42 Nhà Chung, xăng dầu…” – Thủ tướng nói.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với báo chí chiều 4/2. |
Ngăn chặn suy giảm kinh tế
Theo Thủ tướng, đến nay, có thể coi cuộc khủng hoảng tài chính là một cuộc đại khủng hoảng, lớn nhất kể từ khi đổi mới đến nay. Năm 2009 kinh tế sẽ khó khăn hơn năm 2008 rất nhiều trong đó chủ yếu là do khách quan mang lại. Hiện tình hình kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ “đại khủng hoảng” lớn nhất kể từ sau thế chiến thế giới thứ 2 trở lại đây và vẫn chưa có điểm dừng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế nước ta. Chỉ trong mấy tháng vừa qua, xuất khẩu của chúng ta đã giảm tới 18,4% (trong đó đáng chú ý là số lượng giảm 40% còn giá xuống tới 60%), công nghiệp giảm 8,4%, đầu tư FDI đang khó khăn về vốn.
Do đó để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, một số biện pháp được Chính phủ đề ra đó là phải ngăn chặn suy giảm kinh tế; duy trì tăng trưởng ở mức phù hợp khoảng 6,5%; đảm bảo an sinh xã hội trong đó đặc biệt chú trọng tới chính sách tiền tệ và thuế.
Trong đó, nhiệm vụ tháng 2 năm 2009 là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, chú trọng phát triển giao thông nông thôn, du lịch... Trước mắt vẫn là các biện pháp an sinh xã hội nhhỗ trợ 61 huyện nghèo, người lao động mất việc làm, và thực hiện đề án xây nhà ở cho người nghèo… Tập trung vào 3 đề án lớn:
Một là, Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI. Ba năm qua, việc thu hút đầu tư nước đã đạt được thành công lớn thể hiện rõ nhất là vốn đầu tư nhiều hơn. Riêng năm 2008 cả nước đã thu hút được 64 tỷ USD gấp 3 lần năm 2007, trong đó giải ngân được 11,5 tỷ USD, chiếm 24,8% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội.
Hai là, thực hiện đề án an ninh lương thực. Mặc dù được đánh giá là nước xuất khẩu lương lớn thế nhưng tại một số vùng cao, vùng sâu vẫn còn tình trạng thiếu lương thực. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải đảm bảo đất đai cho sản xuất nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất đặc biệt chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Ba là, Đề án tập đoàn. Đến nay các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước đã đóng góp một vai trò lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước. Vì vậy, doanh nghiệp Nhà nước vẫn sẽ đóng vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế của nước ta. Chúng ta đưa ra mục tiêu chỉ còn 1500 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2009.