Ông Nguyễn Xuân Vui, tuổi Mậu Tuất (1958), con của một gia đình thuần nông ở xã Quảng Thọ, Quảng Xương, Thanh Hóa. Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần và Dịch vụ thương mại hàng không (AIRSECO), đơn vị đang có hơn 6.000 lao động xuất khẩu ở Trung Đông.
Nom ông còn khá trẻ. Nhanh nhẹn, thoải mái vui vẻ, chuyện trò hóm hỉnh nên dù gặp ông lần đầu, vẫn có cảm giác thân quen.
Ông Vui nói:
- Với tôi, chẳng có gì phải giấu giếm cả. Tôi cứ hay làm ngược với người ta. Ví dụ như tôi công khai toàn bộ chương trình, kế hoạch kể cả số điện thoại di động mà tôi dùng hơn chục năm nay. Nói thật nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động chẳng dám làm điều này, dù nó rất tiện lợi, vì không may cán bộ của ta có vấn đề, xảy ra tai nạn... họ sẽ gọi điện về cho tôi.
Rồi cán bộ có tiêu cực, đòi ăn tiền người lao động có thể gọi về báo cho tôi để tôi có thông tin xử lý. Tất nhiên cũng có người gọi để chửi vì bị kỷ luật, số này ít thôi. Nói tóm lại là việc này có lợi nhiều hơn là hại.
Còn việc nữa là công tác thẩm định hợp đồng. Tôi thường xuyên phải đi nước ngoài, chủ yếu là để thẩm định hợp đồng. Ở AIRSECO chính tôi phải làm trực tiếp việc này. Tôi không tin qua email, không chỉ nghe mà tôi phải thấy tận mắt. Nhất là ở Trung Đông, họ nói 100% phải trừ hao 60%. Tôi phải tận mắt xem cụ thể bảng lương, ngày làm mấy tiếng, ăn uống thế nào...
Thành thật, tôi không đặt quá nhiều niềm tin vào các công ty môi giới. Nơi nào tôi chưa đến, chưa kiểm tra là tôi chưa cho lao động đến. Chính vì vậy mà thời gian tôi ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước đấy.
“Đem chuông đi đấm xứ người” tận Trung Đông, xa xôi về địa lý, khí hậu khắc nghiệt và người dân hầu hết theo đạo Hồi... Có phải đó là do cái duyên cái phận không, thưa ông?
Chuyện là thế này, năm 1994-1995 tôi làm đại diện xuất nhập khẩu tại Đức mà nghề chính nhập khẩu ôtô từ Đức về Việt Nam.
Nhân chuyến đi với đối tác từ Đức về Dubai để kiểm tra và giới thiệu thêm đại lý ôtô, tôi được các đồng nghiệp ở đây cho biết nguồn thu chủ yếu của các nước Trung Đông là dầu mỏ nên dân họ giàu có lắm.
Người dân sở tại chỉ làm công chức hoặc những ngành nghề có công việc nhẹ nhàng, thậm chí những ngành như công an, luật sư liên quan đến pháp luật họ cũng không muốn làm.
Họ bảo với tôi “người lao động Việt Nam của ông đông, cần cù, chịu khó"... Họ giới thiệu cho tôi mấy ông nào là chủ các khách sạn, nào là tập đoàn xây dựng đang rất cần người làm việc.
Tôi nghe thấy hay hay và thấy có khả năng hợp tác cùng làm, vì nó có ba thuận lợi, thứ nhất là đối tác cùng gắn với vấn đề xuất khẩu; thứ hai là văn phòng chi nhánh của mình ở nước ngoài cũng thâu tóm luôn được; thứ ba là vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Tôi rất hào hứng khi nghĩ mình tạo ra công ăn việc làm cho những người nông dân Việt Nam. Không lâu sau tôi bắt đầu công việc đưa người đi xuất khẩu lao động Trung Đông. Thế là dần dần, mình đẩy phần này lên chiếm đến 3/4 công việc, còn xuất khẩu hàng hóa lại ít đi do thuế nhập khẩu ôtô tăng, nguồn xe từ Đức về cũng ngày càng khan hiếm.
Thế là từ đây cái duyên cái số gắn tôi với xuất khẩu lao động . Biệt hiệu “vua xuất khẩu lao động sang Trung Đông” là người ta đặt cho tôi từ đấy, bởi vì tôi là người khai phá đầu tiên và đưa nhiều lao động sang đấy, mà cũng thành công nhất ở thị trường này.
Không ít ông giám đốc doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu đã khổ sở vì bị người lao động kiện cáo. Còn ông thì sao?
Người đi xuất khẩu lao động đa số là nông dân, nên gặp không ít khó khăn. Những năm đầu mới sang, nhiều người đã tự phá hợp đồng, rồi ăn trộm, đánh nhau, uống rượu, vi phạm luật đạo Hồi xảy ra liên miên.
Đối tác cho rằng mình giáo dục người lao động không tốt, phía gia đình thì oán trách con em họ đã mất việc lại còn mất cả tiền dịch vụ trước khi đi.
Ở bên kia họ gây chuyện tưởng mình ở xa không biết... Về nước thanh lý hợp đồng, họ đến tận công ty nói những câu rất vô văn hóa trước các nhân viên công ty. Những lúc như thế tôi cũng bi quan lắm, nhưng vẫn thương và thông cảm với họ.
Vì thế, tôi trực tiếp tìm gặp những người này, cùng trao đổi rồi phân tích cho họ hiểu rằng đi xuất khẩu lao động không phải đơn giản như họ nghĩ. Rằng chúng tôi có văn phòng đại diện và bằng các phương tiện thông tin hiện đại nên dù cách xa hàng ngàn cây số, ai làm gì chúng tôi đều biết hết. Không ai bỗng dưng bị bắt buộc về nước cả.
Một bài học rút ra để xử lý những việc như vậy là trước khi đưa lao động đi, dù thân quen hay người nhà và kể cả người nhà cấp trên, của tôi thì việc ký cam kết cùng với các điều khoản rõ ràng là rất cần thiết.
Mọi thứ phải sòng phẳng, nhất là về quyền lợi của người lao động và quyền lợi của công ty phải rõ ràng.
Vì sao AIRSECO lại không áp dụng chế độ khoán cho nhân viên của mình như nhiều công ty xuất khẩu lao động khác, thưa ông?
Mỗi một doanh nghiệp có phương thức kinh doanh riêng. AIRSECO không khoán vì theo chúng tôi bản thân việc khoán đã thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ nhất, khi anh khoán tức là anh buộc người ta phải làm bằng đủ chỉ tiêu để nộp cho anh. Vì thế, sức ép sẽ khiến người ta không nghĩ đến tương lai lâu dài của công ty.
Thứ hai, các trung tâm nhận khoán không thể xây dựng văn phòng đại diện riêng, mà không có văn phòng này thì rất khó quản lý người lao động.
Việc mở văn phòng đại diện rất tốn kém, mỗi tháng trung bình tiêu tốn tới hàng chục ngàn USD. Vì vậy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều làm ngơ mặc dầu thông tư, nghị định nhà nước có hướng dẫn việc đặt văn phòng đại diện.
Lao động phổ thông của Việt Nam dồi dào, nên đâu cần lao động là ta đưa đến... còn nghiên cứu thị trường lao động chắc cũng chỉ dành cho những anh “nhà giàu” chăng?
Quan điểm nghiên cứu thị trường chỉ dành cho anh “nhà giàu” là không ổn. Nhiều công ty không nghiên cứu kỹ thị trường xuất khẩu lao động , không để ý đến đặc thù lao động của thị trường, cách thức quản lý của giới chủ cũng như của nhà môi giới nhân công như thế nào?
Nắng nóng mà anh lại đi tìm lao động phổ thông như đi kéo dây điện hay làm vệ sinh ngoài trời thì lao động Việt Nam làm sao được. Dạng đó chỉ dành cho người Pakistan, Ấn Độ vì họ chịu nóng giỏi.
Chúng tôi phải nghiên cứu kỹ thị trường để từ đó, ký kết những dự án có công việc phù hợp với người Việt Nam . Người Việt Nam khéo léo, cần cù nhưng sức khỏe kém, lại không chịu được nhiệt độ quá cao, vì vậy chúng tôi chú trọng nhận các phần việc có phần phức tạp, tinh xảo nhưng lại bỏ ít công sức.
Ví dụ lao động của ta chủ yếu là xây dựng trong những tòa nhà đã đổ bê tông sàn và xây vách ngăn rồi chẳng hạn.
Người ta bảo: “Thanh cậy thế Nghệ cậy thần”. Ông là người Thanh Hóa, liệu có cậy được thế gì trong việc thu phục nhân tâm?
Tôi chẳng có thế gì mà cậy cả. Mỗi lần sang công trường thăm các em, các cháu vui lắm, như người thân về nhà ấy. Họ vây đến hỏi han, chụp ảnh chung và muốn gửi những bức ảnh này về cho gia đình. Tôi thăm nơi ăn ở, thậm chí vào tận khu vệ sinh kiểm tra xem có sạch sẽ không, điện nước đầy đủ không, xem cả bảng lương nữa.
Tết nào sang tôi cũng mang một ít quà quê hương như chè, mộc nhĩ... Của ít lòng nhiều, để họ vơi đi nỗi nhớ quê hương mà yên tâm làm việc. Tôi không phải “mị dân ” mà cũng chẳng “sành điệu”, mọi việc đều từ cái tâm của mình mà thôi.
Tình hình kinh tế thế giới đang diễn ra phức tạp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu lao động. Ông có lo ngại cho công việc này trong tương lai?
Mặc dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu lao động của Việt Nam trong năm 2009 vẫn có những dấu hiệu khả quan nhất định.
Bằng chứng là chủ sử dụng lao động ở UAE (Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất), Ảrập Saudi... vẫn có nhu cầu tiếp nhận rất lớn lao động Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, thợ cơ khí, thợ hàn và giúp việc nhà.
Riêng tôi vẫn quyết tâm hướng về thị trường Trung Đông, Ảrập Saudi trong năm 2009 vì đây là thị trường ít bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, thậm chí còn có xu hướng tăng lương cho lao động nước ngoài, với thu nhập trung bình 7 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.