Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ai bảo vệ các nhà đầu tư tại phố Wall?
12 | 10 | 2007
Sinh thời nhà bác học nổi tiếng bậc nhất thế kỷ XX Albert Enstein, người phát minh ra thuyết tương đối, đã được nhận danh hiệu “con người có bộ óc độc đáo và thông minh nhất hành tinh”. Nhưng cho đến cuối đời, Albert Enstein vẫn không hết ngạc nhiên về sự kỳ diệu của các lãi suất phức tạp trên thị trường chứng khoán phố Wall.

Có thể nói việc kinh doanh chứng khoán không phải chuyện dễ. Những khoản lợi nhuận lớn tại phố Wall luôn hấp dẫn bạn đầu tư vào chứng khoán. Tuy nhiên, rủi ro có thể ập đến với bạn bất cứ lúc nào mà dù bạn có kinh nghiệm đến đâu cũng khó có thể tránh khỏi. Vậy ai sẽ là người bảo vệ bạn khi tham gia vào thị trường chứng khoán? 

SEC, người bảo vệ nghiêm khắc nhất

Uỷ ban chứng khoán và hối đoái Mỹ SEC (Securities and Exchange Commision) làm nhiệm vụ điều chỉnh thể lệ và trật tự cho phép công ty phát hành được đăng ký trên thị trường, được tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đây là một cơ quan của chính quyền liên bang Mỹ, lập ra năm 1934 để thực hiện Luật giao dịch chứng khoán 1933 và 1934. Trước đây SEC do Uỷ ban giao dịch liên bang quản lý. SEC có 5 uỷ viên và chủ tịch do Tổng thống bổ nhiệm. Mục đích của SEC là thúc đẩy việc công khai thông tin đầy đủ cho công chúng và bảo vệ những nhà đầu tư chống lại các hành vi phạm pháp trên thị trường chứng khoán. Tất cả các đợt phát hành chứng khoán được chào bán trong quan hệ buôn bán thương mại giữa các nước hoặc thông qua bưu điện đều phải được đăng ký với SEC. Tất cả các Sở giao dịch chứng khoán và tổ chức chứng khoán ở Mỹ như các công ty đầu tư, các nhà cố vấn và tư vấn đầu tư, các nhà môi giới và nhà giao dịch trên thị trường OTC, các nhà đầu tư cá nhân, công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư ... đều phải chịu sự giám sát của SEC.

Thể lệ của SEC rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. Bất kỳ công ty nào muốn phát hành cổ phiếu đều phải bảo đảm đầy đủ tính minh bạch của các văn bản về tình hình tài chính công ty mình (nhưng chính chỗ này vẫn còn lỗ hổng để các công ty kiểm toán trục lợi, điều đã dẫn đến sự sụp đổ của 3 công ty cỡ bự của Mỹ gần đây là Enron, Worldcom và Conseco với những món nợ hàng chục tỷ USD trở lên). Những người thành lập công ty và nhân viên của công ty mình khi chưa được cấp phép đặc biệt của SEC thì không được quyền bán cổ phiếu của công ty mình. Quan chức SEC theo dõi thật kỹ lưỡng sao cho mọi tin tức đưa ra từ công ty cung cấp cho báo chí hay phương tiện thông tin đại chúng khác tương ứng với thực tiễn. Mọi vi phạm tiêu chí chứng khoán đều bị trừng phạt nghiêm khắc nhất.

NASD, người bảo vệ đáng tin cậy nhất

NASD, Hiệp hội các nhà môi giới chứng khoán Mỹ (National Association of Securities Dealers) là người bảo vệ thứ hai cho các nhà đầu tư. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm tất cả các ngân hàng đầu tư, các công ty giao dịch trên thị trường phi tập trung. NASD hoạt động dưới sự giám sát của SEC. Hiệp hội có uy tín và thực hiện kiểm soát liên tục đối với các tác nhân tham gia thị trường như các công ty đầu tư. Chính cơ quan này cấp phép cho họ hoạt động. Mục tiêu là thiết lập các tiêu chuẩn cho quá trình giao dịch chứng khoán, tiêu chuẩn hoá việc thực hiện các giao dịch ... Khi có bất kỳ sự vi phạm nào, dù nhỏ nhất đối với các tiêu chí môi giới, NASD có thể loại bỏ ngay bất kỳ chuyên gia có chứng chỉ nào hay ngay cả công ty đầu tư ra khỏi thị trường và đưa họ ra Toà án Mỹ. NASD giữ quyền kiểm soát toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ, phản ứng mau lẹ tức thời đối với mọi vi phạm về chứng khoán.

SIPC, người bảo vệ trung thành nhất

Bảo vệ cho những nhà đầu tư chứng khoán Mỹ còn có Công ty bảo hiểm đầu tư chứng khoán Mỹ (SIPC – Securities Investor Protection Corrporation). Đây là một công ty phi lợi nhuận đã được Quốc hội Mỹ thành lập theo Luật bảo vệ các nhà đâu tư chứng khoán năm 1970. SIPC bảo đảm cho chứng khoán là tiền mặt trong tài khoản của khách hàng đặt tại các công ty chứng khoán thành viên trong trường hợp các công ty này có sai phạm trong hoạt động trên Sở giao dịch chứng khoans Mỹ. Tất cả các nhà môi giới và kinh doanh có đăng ký giao dịch với SEC và các Sở giao dịch chứng khoán trên toàn nước Mỹ phải là thành viên của SIPC.

Công ty này có vai trò giống như Liên đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ. Trong trường hợp công ty môi giới bị phá sản, SIPC sẽ cố gắng sáp nhập nó với một công ty môi giới chứng khoán khác. Nếu không được, SIPC sẽ thanh lý tài sản của công ty này và bồi hoàn cho những người nắm giữ cổ phiếu với mức đối đa 50.000 USD/khách hàng và mức bồi hoàn tối đa bằng tiền mặt hoặc tương đương 100.000 USD. Tuy vậy, SIPC không bảo vệ nhà đầu tư đối với các rủi ro thị trường.

Như vậy, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ được bảo vệ khỏi bất kỳ sự thua lỗ phi thị trường nào, kể cả thua lỗ tiềm năng do phá sản, do hành động không trong sạch của các nhà môi giới, do giả mạo chữ ký, do mọi hình thức biển thủ, kể cả bằng vi tính. Sự thật là chính phủ Mỹ có trách nhiệm thanh toán với người gửi tiền nếu có ai trong số những tác nhân tham gia thị trường vô tình hay cố ý lừa dối người gửi tiền vào các Quỹ đã tham gia hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Việc thanh toán đầy đủ sẽ bảo đảm cho các các nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia vào cuộc chơi trên thị trường phố Wall. Những người làm môi giới chứng khoán Mỹ không dám lừa dối khách hàng bởi chỉ cần sai lệch sang trái, sang phải một chút so với các tiêu chí chứng khoán là sẽ bị “tử hình” ngay! Sự thực là không ai “bắn chết” người vi phạm cả, nhưng đối với người dân Mỹ thì bị loại khỏi cuộc chơi kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp là một hình phạt có thể ví như nhận án tử hình.

(Theo Business2.0)


Báo cáo phân tích thị trường