Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sự thật chưa từng tiết lộ về "ông trùm" Murdoch
03 | 10 | 2008
Một phóng viên xuất sắc nhất của tạp chí danh tiếng Vanity Fair đã thực hiện bài phỏng vấn Murdoch trong suốt 9 tháng. Lần đầu tiên, hình ảnh người đàn ông 77 tuổi được cả thế giới vừa kính nể vừa kinh sợ vì tài kinh doanh truyền thông hiện ra tròn vẹn với mọi khía cạnh phức tạp.
Thế là cuộc phỏng vấn của tôi với Rupert Murdoch thấm thoắt đã được chín tháng. Chín tháng - tiếp xúc và lắng nghe những tâm sự của Rupert, về sự toại nguyện khi nắm trong tay The Wall Street Journal, về truyền thông, công việc kinh doanh, chính trị, chuyện gia đình và cả những chia sẻ của Murdoch về những trang mới trong cuốn tiểu sử của đời mình.

Rất nhiều nhà báo khác đã cảnh báo tôi về sự cuốn hút của Murdoch, rằng tôi hãy cẩn thận đừng để bị ông ta “dẫn dụ” và đừng trở thành con mồi mới của ông trùm. Cho nên tôi rất bất ngờ vì Murdoch lại không hề có những thứ mà tôi đã cảnh giác! Ông ta rất ít khi nói về mình và không hề hứng thú với việc ôn lại quá khứ oai hùng của mình. Ngược lại, cái kiểu lầm bầm bằng giọng Anh – úc nặng trịnh với những câu nói dở chừng khiến tôi khó chịu.

Ba tháng đầu tiên của cuộc phỏng vấn, Murdoch không nói lời nào với thư ký của tôi, cô Leela de Kretser. ông thậm chí không thèm nhìn cô ấy và phớt lờ các câu hỏi của Leela. Có lẽ, Murdoch thấy không thỏai mái khi nói chuyện với một người phụ nữ đang mang thai. (Khi cô ấy sinh em bé, thì ông ấy đã nhiệt tình hơn).

Tuy nhiên, chính việc không màu mè trong cách nói chuyện của Murdoch lại tạo nên nét thú vị rất riêng trong câu chuyện giữa hai chúng tôi. Không hề “rào trước đón sau”, cũng không có chuyện người nói cứ nói thế này, còn người nghe muốn hiểu thế nào thì hiểu. Murdoch rất rõ ràng. Những gì bạn nhìn thấy chính là sự thật.

Người đàn ông đời thường đặc biệt

Một buổi sáng, tôi và Leela đến văn phòng của Murdoch để thực hiện phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn. Vị chủ tịch kiêm CEO đang nói chuyện điện thoại, ông quát tháo ầm ĩ, tỏ ra rất dễ mất kiên nhẫn.

Đó thực sự là một ông già 77 tuổi, trong chiếc sơ mi trắng mỏng để lộ chiếc áo may ô ở bên trong. Đã 55 năm trôi qua kể từ khi ông thừa hưởng tờ báo làm cùng một việc giống nhau kể từ khi chàng trai 22 tuổi Murdoch thừa hưởng tờ báo Adelaide News (úc) từ cha. Mỗi ngày ông vẫn đều đặn làm những công việc thường nhật ấy và càng ngày càng khiến cả thế giới phải ngước nhìn.

Murdoch là thế, luôn săm soi từng câu hỏi, “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói, làm rõ mọi quan điểm. Hơn ai hết, ông hiểu bước chân vào con đường kinh doanh nghĩa là phải như thế nào. Thử hỏi, trên khắp thế giới có bao nhiêu CEO của một công ty kinh doanh truyền thông làm được như ông?

Với giới truyền thông, Murdoch chắc chắn không phải là “kẻ phá bĩnh” - ông là người làm đúng phận sự nghề nghiệp của mình. Chỉ có điều, Murdoch hội tụ tất cả tố chất cần thiết của một người sinh ra để làm báo. Để biến một cái gì đấy thành tin tức, ông ta không cần phải phơi bày nó lên mặt báo hay xuất hiện trên truyền hình. Tin tức vẫn lan truyền đúng như cái cách mà nó phải thế!

Khả năng thâu tóm thông tin

Ở NewYork, không hề “ngoa” khi nói rằng Murdoch nằm trong danh sách những người nhiều chuyện nhất.

Suốt trong khoảng thời gian gắn bó với ông trùm để thực hiện cuộc phỏng vấn, tôi phát hiện ra rằng cách hay nhất để gây dựng niềm tin và thu hút sự chú ý của Murdoch là hướng đến đề tài về các nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông. Ngay lập tức gương mặt người đàn ông 77 tuổi sẽ sáng lên và từ chỗ đang lơ đãng Murdoch chuyển sang chăm chú một cách kỳ lạ!

Còn nhớ có lần tôi chỉ thử hỏi Murdoch rằng ông suy nghĩ thế nào nếu Michael Bloomberg có ý định thâu tóm New York Times. Gương mặt Murdoch trầm tư một lúc, rồi bắt đầu chậm rãi nói: “Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Ngày mai tôi sẽ hỏi thẳng Bloomberg”.

Ai cũng biết Michael Bloomberg là một thần tượng lớn của Murdoch còn New York Times thì là miếng mồi mà ông luôn thèm khát. Gần như lập tức chỉ vài giờ sau đó, cả NewYork đã bắt đầu rỉ tai nhau về thông tin New York Times sắp về tay Michael Bloomberg. Tôi tin, chính Murdoch chứ không phải ai khác đã tiết lộ tin tức này. Và cái thú vị chính là ai ai cũng nhất nhất nghe theo những gì mà ông trùm nói.

Tuy nhiên, chính tật ưa buôn chuyện đã nhiều lần biến Murdoch trở thành kẻ gây chuyện đáng ghét nhất trong giới truyền thông.

Hồi tháng 8-2007, Gary Ginsberg, cánh tay phải đắc lực của Murdoch và là một trong những giám đốc điều hành cao nhất ở News Corp (trước đây ông này đã từng là một nhân viên của Nhà Trắng dưới thời tổng thống Bill Clinton) có kế hoạch đi Paris tham dự lễ cưới của bạn mình Doug Band, cũng là một trợ thủ đắc lực của Bill Clinton – với một nhà thiết kế túi xách thời trang nổi tiếng.

Đám cưới này được xem là cuộc hội ngộ giữa những thành viên chủ chốt, đắc lực của Bill Clinton, một sự kiện mật mà chỉ có những người trong cuộc mới biết. Và chính Ginsberg đã chia sẻ thông tin này với Murdoch (vì ông này thừa hiểu Murdoch thuộc tuýp người ưa buôn chuyện như thế nào).

Rất nhanh chóng, Murdoch bí mật liên lạc với Col Allan, biên tập viên tờ New York Post và sẵn sàng móc hầu bao để cắt cử riêng một phóng viên của The Wall Street Journal đi Paris. Và thế là, trong sự ngạc nhiên tới mức kinh hoàng của Ginsberg (vì không thể tin ông trùm có thể xoay xỏa nhanh tới thế), số ra ngày hôm sau của The Wall Street Journal “chễm chệ” tít: “Bill Clinton và những người bạn khuấy đảo Paris”.

Thái độ "đạp" lên dư luận

Đối với cánh phóng viên và giới truyền thông, điều mà họ e sợ nhất ở Rupert Murdoch không phải là thói ưa buôn chuyện hay những thế lực chính trị đằng sau ông ta. Người ta sợ Murdoch chính bởi vì thái độ làm việc “đạp lên dư luận” của ông trùm.

Còn nhớ, mặc dù trước đây, để giành được The Wall Street Journal – niềm kiêu hãnh của người Mỹ - Murdoch cũng đã phải gật đầu với gia đình Bancroft, những người chủ cũ của Dow Jones về việc giữ nguyên cơ cấu làm việc chặt chẽ nhằm bảo vệ sự độc lập của các phóng viên.

Nhưng sự thực thì Murdoch không hề chú ý tới điều đó. Gật đầu cứ gật đầu, nhưng Murdoch vẫn việc mình mình làm, không hề chú ý tới người cam kết.

Ngay việc Murdoch sa thải tổng biên tập cũ của The Journal đã thể hiện rõ điều đó. Marcus Brauchli đã có bốn tháng thoải mái làm những gì mình thích trước khi bị “out” và Robert Thomson cánh tay phải của ông trùm (trước đây là tổng biên tập tờ The Times ở Anh) chính thức nắm giữ vị trí này.

Có chứng kiến cung cách làm việc của ông trùm mới hiểu được tại sao người ta phải kính nể mỗi khi nhắc đến tên ông đến thế. Murdoch ngồi đấy sừng sững trong phòng làm việc của mình, vạch ra kế hoạch, đường đi nước bước để đạt được mục đích theo phong cách rất riêng của mình.

Ông chủ đáng kính của những người cận vệ trung thành

Chính cung cách làm việc của Murdoch đã khiến cho nhân viên dưới quyền ông khâm phục. Với ông trùm, việc cất nhắc các vị trí quan trọng trong công ty không hề ẩn chứa một thủ đoạn nào, ngay cả sự quan liêu hay đạo đức giả. Thậm chí, cụm từ “chia bè, kéo phái” không hề có trong từ điển của đại gia lớn nhất trong giới truyền thông này.

Muốn Murdoch chú ý, bạn phải tỏ ra mình có quyết tâm và niềm đam mê công việc thực sự. Chỉ cần bạn làm việc hiệu quả, sinh lợi cho công ty, nhất định bạn sẽ được đền đáp xứng đáng! Là nhân viên, bạn còn có thể đòi hỏi gì hơn ở một ông chủ như thế?

Vì lẽ đó, với Murdoch, cuộc phiêu lưu của ông thành công một phần chính vì xung quanh ông luôn có những “cận vệ” thật sự trung thành, những người mà ông trùm có thể đặt trọn niềm tin. Đây cũng là một điều khiến người khác phải ngước nhìn Murdoch biến News Corp trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm.



Nguồn: Vietnamweek
Báo cáo phân tích thị trường