Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế thế giới khép lại chu kỳ 20 năm lạm phát thấp
16 | 01 | 2008
Tờ Le Monde (Pháp) số ra ngày cuối tuần qua nhận định rằng việc giá cả trên thị trường gia tăng theo tốc độ phi mã tại các nước có nền kinh tế mới nổi có nguy cơ gây ra những căng thẳng xã hội và tác động dây chuyền tới toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Các nhà kinh tế trên thế giới hiện nay gần như đã nhất trí về một điểm là mặt bằng giá cả trên toàn thế giới đã trượt xuống mức thấp nhất vào đầu năm 2007, khép lại một chu kỳ 20 năm lạm phát thấp. Đâu là công thức làm nên 2 thập kỷ ổn định như vậy? Đó chính là chính sách tiền tệ chặt chẽ, nâng cao năng lực sản xuất nhờ tin học hoá và cơ cấu lại sản xuất tại các nước phát triển; chuyển dịch sản xuất công nghiệp sang các nước có chi phí nhân công thấp - đang được coi là các công xưởng của thế giới. Một vấn đề khác cũng được nhiều người nhất trí là sự tăng giá năm 2007 là kết quả của việc giá các loại nguyên liệu đầu vào - khoáng sản, năng lượng, lương thực - tăng liên tục trong 6 năm qua do nhu cầu ngày càng cao của các nền kinh tế mới nổi để sản xuất hàng hoá đáp ứng cơn sốt tiêu dùng của các nước phát triển. Điều đó lý giải tại sao lạm phát năm 2007 đã tăng mạnh tại cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về mức độ và hậu quả của sự quay trở lại chu trình giá mới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ lâu đã phát hiện hiện tượng này và làm mọi cách để ngăn chặn lạm phát bằng cách tăng lãi suất, song họ đồng thời cũng buộc phải hỗ trợ thị trường tín dụng đối phó với tình trạng thiếu tiền mặt sau cuộc khủng hoảng tài chính trên thị trường địa ốc.

Theo ông Jean-Paul Betbeze, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của ngân hàng Tín dụng Nông nghiệp Pháp (Credit Agricole), khủng hoảng tín dụng phát sinh do các tổ chức tài chính Mỹ dự đoán trước sẽ xảy ra lạm phát nên quyết định nâng lãi suất cho vay. Động thái này đã đánh trúng vào mắt xích yếu nhất trong dây chuyền tín dụng là các khoản vay dành cho người thu nhập thấp để mua nhà ở. Khi nào thị trường tài chính được bình ổn - thông qua các biện pháp can thiệp, ví dụ như FED hạ lãi suất định hướng - lãi suất ngân hàng sẽ lại tăng và lạm phát sẽ dừng lại. Đó là kịch bản mà Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đề ra cùng với nhận định cơn sốt giá trên thị trường sẽ hạ nhiệt vào quý II/08.

Lạm phát đe dọa bất ổn xã hội

Trong khi chờ đợi, ECB đã từ chối cắt giảm lãi suất do dự đoán lạm phát sẽ quay trở lại, trong khi FED đã ba lần điều chỉnh lãi suất. ECB cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế do khủng hoảng tín dụng gây ra sẽ không nhanh bằng do lạm phát gây ra. Tuy vậy, nhận định này không được một số chuyên gia kinh tế ủng hộ, vì họ cho rằng các nước phương Tây hiện nay đủ khả năng chống lại lạm phát. Ông Marc Touati, Giám đốc phụ trách nghiên cứu kinh tế của Quỹ đầu tư Global Equities nói: "Trong thập kỷ 70, khi giá dầu tăng với tốc độ chậm hơn, lạm phát tại các nước phát triển vẫn lên tới 10%, sonng từ năm 2002 đến nay, giá dầu tăng từ 22 USD/thùng, lên 50 USD/thùng, rồi 100 USD/thùng, lạm phát mới chỉ trên dưới 2%".

Ông Touati đánh giá ECB đã quá cường điệu mối đe doạ từ lạm phát, đồng thời nhấn mạnh ngân hàng này đã đối phó nhầm đối thủ. Ông nói: "Mối đe doạ chủ yếu hiện nay là các vấn đề xã hội. Lạm phát lên tới 2 hay 3% sẽ tác động mạnh tới xã hội nếu thu nhập của người dân giảm, nhưng sẽ không hề hấn gì nếu sức mua tăng do tăng trưởng kinh tế vào tạo thêm việc làm. Hơn nữa, nhiệm vụ của ECB là khắc phục khoảng cách giữa tăng trưởng của khu vực đồng euro và giá cả, không phải là chống lạm phát".

Vậy đâu sẽ là nguy cơ chính đe doạ kinh tế thế giới trong năm 2008? Chuyên gia kinh tế Jean-Paul Betbeze dự đoán: "Cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo sẽ diễn ra tại Trung Quốc". Theo ông, Trung Quốc đang phải đối phó với nguy cơ lạm phát thực sự. Cho tới nay, sản xuất của Trung Quốc cũng như các nền kinh tế mới nổi khác dường như chưa phải chịu tác động lớn bởi sự tăng giá do họ vẫn đang tìm cách bán hàng giá rẻ để mở rộng thị phần. Hầu hết các nước cũng đều theo đuổi chính sách đồng tiền yếu để tạo điều kiện cho xuất khẩu. Hơn nữa, cuộc cạnh tranh giữa các nước có chi phí nhân công thấp vẫn đang tiếp diễn khi nhiều công ty đang tìm cách chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam hay Băngla Đét.

Tuy nhiên, quan điểm kinh tế vĩ mô đó đã không tính đến các sự kiện chính trị và xã hội do sự tăng giá các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu, vốn tác động mạnh đến tầng lớp người nghèo, gây ra. Những vấn đề này có thể tác động dây chuyền tới kinh tế thế giới. Cuộc bãi công của hàng chục nghìn công nhân xây dựng Pakixtan và Ấn Độ trong tháng 11/07 vừa qua để phản đối thu nhập của họ bị giảm sút do đồng USD xuống giá đã làm tê liệt các công trường xây dựng tại Đubai. Cuộc đình công của công nhân ngành mỏ Chilê hồi tháng 8/07 đã làm giá đồng thế giới biến động. Trong khi đó, các cuộc nổi dậy tại Mianma cũng có cùng nguyên nhân như vậy, song Mianma chỉ là một quốc gia nhỏ và bị cô lập nên biến động chính trị ở nước này chưa tác động nhiều tới thế giới.

Phát biểu trên tờ Thời báo Tài chính (Anh) số ra ngày 29/10/07, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) Jaques Diouf cảnh báo ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu như một ngày nào đó hàng triệu người dân đồng loạt tuyệt thực để phản đối giá cả leo thang tại các nước như Iran, nơi có tỷ lệ lạm phát rất cao (từ 13,5% trong tháng 3/07 tăng lên 20% trong tháng 12/07), hay Nam Phi, với lạm phát tăng từ 4,6% năm 2006 lên 7,2% năm 2007.

Liên hệ với người đăng tin: Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn

(Thông tấn xã Việt Nam)



Báo cáo phân tích thị trường