Phần lớn các công ty nằm trong mối liên hệ sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè đen đều thực hiện mô hình loại này. Các tác nhân trong mô hình liên kết loại này bao gồm:
• Công ty xuất khẩu chè (có thể vừa xuất khẩu vừa kết hợp sản xuất)
• Các công ty sản xuất và chế biến chè đen
• Các hộ công nhân viên chức nhận khóan đất trồng chè;
• Các hộ nông dân sản xuất chè nguyên liệu trong vùng;
• Các đại lý thu gom chè nguyên liệu
Đây là mô hình phổ biến chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, tiêu thụ một phối lượng lớn chè Việt Nam sang nhiều thị trường là I rắc, Trung Đông, Mỹ, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc.
Thể chế liên kết: Thể chế liên kết trong mô hình sản xuất chè đen có sự khác nhau ít nhiều giữa các công ty nhưng trọng tâm liên kết giữa nhà chế biến và người sản xuất dựa trên đất đai trồng chè và cơ chế khoán đã có từ trước. Điều kiện cần là có đất hoặc nhận giao đất trồng chè, điều kiện đủ là chấp nhận cơ chế khoán, tuân thủ quy trình kỹ thuật của bên giao khoán. Giao đất và khoán theo sản lượng, có thể có đầu tư ứng trước hoặc không là hình thức phổ biến và là nội dung cơ bản của cơ chế liên kết này. Sản lượng khoán tùy thuộc người nhận khoán là thuộc đối tượng nào, quan hệ đất đai của hộ với người giao khoán. Nếu người nhận khoán là cán bộ nhân viên của công ty, hoặc đất đai được giao từ phía công ty thì mức khoán sản lượng cao hơn.
Cơ chế phân phối lợi ích: Trong mô hình chè đen xuất khẩu, nhìn chung không có sự đột phá để tạo ra giá trị giá trị gia tăng lớn, giá trị gia tăng người sản xuất và xuất khẩu chè đen tùy thuộc và diễn biến giá của thị trường thế giới. Lợi ích của người sản xuất chè nguyên liệu được thể hiện qua 02 chỉ tiêu là sản lượng phải bán cho doanh nghiệp và giá bán. Nếu là cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp và được giao đất, hoặc chỉ được giao đất thì mức sản lượng phải bán cho doanh nghiệp cao hơn các đối tượng khác. Ngoài ra, giá mua nguyên liệu còn phụ thuộc vào mức độ đầu tư ứng trước của doanh nghiệp.
Vấn đề phát sinh: Ở công ty chè Phú Bền năm 2004-2005 cũng đã ký hợp đồng với 850 -900 hộ, đầu tư ứng trước thông qua vật tư từ 260 -300 triệu đồng, và thu mua khối lượng từ 2500 -2600 tấn chè búp tươi. Mặc dù dã có ký kết hợp đồng, doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư ứng trước, nhưng khi giá chè búp tươi trên thị trường tăng lên, nông dân không tuân thủ hợp đồng và tự ý bán chè ra ngoài. Trong 2 năm 2004 -2005, công ty chè Phú Bền chỉ thu mua được từ 55-60% khối lượng chè đã ký kết.
Kinh nghiệm rút ra từ mô hình này là: (1) Hình thức liên kết dựa trên cơ sở hợp đồng khoán giữa nhà máy chế biến với hộ sản xuất chè, đang là hình thức phổ biến. Hình thức khoán này mang tính chất thị trường bán phần vì trong đó còn có mối quan hệ hành chính chi phối vì họ hoặc là công nhân viên của công ty hoặc là người nhận đất giao khoán của công ty. Chỉ có các hộ nông dân trồng chè trên đất của mình mới theo cơ chế thị trường hoàn toàn. Với hình thức giao khoán sử dụng đất và sản lượng bán cho công ty theo giá cam kết giữa hai bên có điều chỉnh là đã tôn trọng nguyên tắc thị trường. Hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư ứng trước là các hoạt động hỗ trợ của doanh nghiệp. Đây là các chi phí giao dịch và doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro cao khi giá thị trường tăng lên, nhiều hộ phá hợp đồng không bán nguyên liệu cho công ty đầu tư. (2) Trong điều kiện giá sản phẩm chè không cao, với chi phí giao dịch tăng lên, lại thêm yếu tố rủi ro cao, không cho phép doanh nghiệp duy trì đầy đủ mức đầu tư ứng trước, duy trì công việc giám sát, quản lý chất lượng. (3) Nên phân loại thị trường chè đen theo giá mua và yêu cầu chất lượng phù hợp.
Trích từ báo cáo "KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM"