Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thái Nguyên nỗ lực phát triển chè an toàn
18 | 08 | 2008
Có sản lượng chè lớn thứ 2 cả nước và rất nổi tiếng với sản phẩm chè, nhưng hiệu quả do cây chè mang lại cho người dân Thái Nguyên vẫn chưa cao. Nguyên nhân chính là do chất lượng chè kém…
Thay thế dần giống chè cũ

Xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên có trên 400 ha chè trồng từ những năm 1960-1965, tuy nhiên, chỉ có 87 ha là mang lại thu nhập kha khá cho người dân, còn lại thu nhập từ trên 300 ha chè chỉ đủ cho người dân mua mớ rau, củ sắn.

Từ năm 2007, thực hiện chủ trương cải tạo diện tích chè kém chất lượng, từ nguồn vốn khuyến nông quốc gia, Mỹ Yên đã xây dựng mô hình 10 ha. Theo đó, các giống mới, năng suất cao, chịu bệnh tốt sẽ được thay thế cho các giống cũ năng suất thấp. Việc thay thế này được thực hiện dần. Nghĩa là, cây mới lên đến đâu thì mới phạt dần cây cũ đến đó. Làm như vậy có 2 cái lợi: Một là, trong thời gian chờ chè mới lên, người dân vẫn tận thu được từ chè cũ để đảm bảo cuộc sống. Hai là, giải phóng dần tâm lý e ngại của người dân. Qua đó sẽ thay đổi nhận thức của nhiều người dân trong vùng, rằng việc thay thế giống chè cũ là hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

“Nhà tôi có 7 sào chè, năng suất chỉ đạt 10-20 tạ/ha, giá bán lại chỉ bằng 20% giống chè mới. Khi cán bộ khuyến nông vận động thay mới, tôi thấy có lợi nhưng cũng ngại, vì biết đâu giống chè mới chẳng lên được mà phá chè cũ đi rồi lấy gì ăn. Nhưng với cách trồng xen, thay thế dần dần, vẫn đảm bảo thu nhập thì tôi hết lo. Đến giờ, 4 sào chè mới nhà tôi đã bắt đầu cho thu hoạch. 3 sào còn lại hết năm nay sẽ thay thế xong”- Anh Bế Văn Mạnh, thôn Bắc Hà 2, xã Mỹ Yên cho biết.

PCT UBND xã Mỹ Yên, Nguyễn Bá Khương khẳng định: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con đẩy nhanh tiến độ thay thế giống cũ bằng giống mới. Qua một số mô hình thay thế thành công, hiện nay nhiều người dân đã nhận thức được và tự nguyện thay thế. Mục tiêu của chúng tôi là từ nay đến 2010 sẽ thay thế toàn bộ trên 400 ha. Khi đó, cùng với việc áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, chắc chắn, thu nhập từ chè của bà con các dân tộc sẽ tăng lên”.

Quyết tâm sản xuất chè an toàn

Thái Nguyên hiện có 16.746 ha chè, trong đó trên 12 ngàn ha đã cho thu hoạch. Dù trên địa bàn Thái Nguyên có trên 30 DN tiêu thụ chè, nhưng chỉ có 1/3 là liên kết tiêu thụ cho nông dân. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngà, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên, sự liên kết này rất lỏng lẻo, thị trường chỉ nhích lên hoặc hạ xuống một chút là bị phá vỡ.

Với đặc điểm của một thị trường chè nhộm nhoạm như vậy, nên chất lượng chè cũng không được người dân quan tâm nhiều, mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh này đã cố gắng hết sức. Đó là vấn đề sử dụng thuốc BVTV không đúng quy cách vẫn còn khá phổ biến. Thêm nữa, với trên 54 ngàn hộ dân chế biến chè gia đình, một lượng lớn chè tung ra thị trường không đảm bảo chất lượng và đặc biệt là vấn đề VSAT. Đó là những lý do chính làm cho sản phẩm chè Thái Nguyên chưa mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Bà Ngà cho biết: Tỉnh đã đầu tư sản xuất giống mới, cho đến nay toàn tỉnh thay thế được 20% giống chè cũ bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Thái Nguyên đang cố gắng mỗi năm chuyển khoảng 600 ha. Bắt đầu từ năm nay, khi chuyển, tỉnh sẽ hướng dẫn nông dân và tổ chức sản xuất chè theo quy trình an toàn mà Bộ NN-PTNT hướng dẫn.

Bà Nguyễn Thị Ngà, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên:

Khó cũng phải làm

“Sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn. Đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận an toàn cho cá nhân, cơ sở sản xuất và chế biến chè. Khó cũng phải làm. Trước mắt, Thái Nguyên sẽ chỉ đạo khuyến nông và các địa phương hướng dẫn, xây dựng mô hình để bà con dần hiểu cái lợi của sản xuất chè an toàn. Sau đó, bằng cơ chế, sẽ xử lý những người sản xuất chè không an toàn và tạo điều kiện tối đa để chè an toàn tiếp cận một cách tốt nhất với thị trường, liên kết với nhà máy, nâng cao giá trị”.

TS. Lê Quốc Doanh, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc:

Phải đột phá từ giống

Năm 2000, năng suất chè của ta chỉ đạt 3,6 tấn búp tươi/ha, giống mới chỉ có 10%, đến nay năng suất trung bình đã đạt 6,2 tấn/ha nhờ 50% diện tích được trồng bằng giống mới. Các giống mới của Viện KHKT NLN MNPB như LDT1, LDT2… đã được trồng phổ biến tại Phú Thọ, Nghệ An… cho năng suất từ 15-20 tấn/ha. Đây sẽ là một trong những giống có thể thay thế tốt cho các giống chè cũ.

Theo hướng này, hiện nay Viện đang tiếp tục lai tạo các giống chè mới năng suất chất lượng cao. Nếu như chúng ta cứ giữ 70-80% chè đen xuất ra thị trường thế giới thì rất khó để người trồng chè nâng cao được thu nhập. Vì vậy, muốn thay đổi cơ cấu này, làm gì thì làm trước tiên phải đột phá về giống.




Nguồn: http://nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường