Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển cây chè trên đất Vô Tranh
06 | 08 | 2008
Xã Vô Tranh (Phú Lương) có 25 xóm, 2.056 hộ, 8.155 nhân khẩu. Nhận thấy đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển cây chè nên xã chỉ đạo nhân dân lấy cây chè làm cây chủ lực trong phát triển kinh tế.
5 năm qua mỗi năm Vô Tranh cải tạo và trồng mới 20 ha chè, đến nay tổng diện tích chè của xã là 510 ha trong đó có 58 ha chè cành giống mới: TRI 777, LDT1, Phúc Vân Tiên, Thuý Ngọc… cho năm suất và chất lượng cao.

Cây chè ở Vô Tranh được đánh giá là cây chủ lực để phát triển kinh tế nên các cấp chính quyền rất quan tâm. Các tổ chức, đoàn thể trong xã đứng ra tín chấp với các ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội) cho người dân vay vốn để đầu tư sản xuất. Đồng thời, xã còn phối hợp với Trạm vật tư Nông nghiệp huyện cho nhân dân mua phân bón theo phương thức trả chậm. Từ đầu năm đến nay đã có trên 1.300 lượt hộ được vay vốn với tổng dư nợ là 11 tỷ đồng và gần 200 lượt hộ mua 100 tấn phân bón trả chậm trị giá gần 100 triệu đồng, cho 200 lượt hộ vay.

Cùng với đó, xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch chè cho bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 26 lớp tập huấn cho hơn 1.200 lượt người.

Nhờ có sự đầu tư về vốn, cây giống, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây chè đã từng bước giúp người dân xã Vô Tranh cải thiện đời sống, số hộ nghèo giảm từ 27% (2006) xuống còn 24% (2007), số xóm có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao như xóm Liên Hồng, xóm Trung Thành… có 10 hộ được công nhận thoát nghèo trong năm 2007.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Công Sau, xóm Liên Hồng, được công nhận là thoát nghèo năm 2006 và là một trong số những hộ tiên phong trong việc trồng cây chè giống mới, anh cho biết: "5 năm trước gia đình tôi vẫn thuộc diện khó khăn. Đầu năm 2003 xã có kế hoạch đưa giống chè mới vào sản xuất, tôi đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT để san lấp đất và trồng mới 7 sào chè với các giống như: LDT1, TRI 777, Phúc Vân Tiên. Được các cán bộ khuyến nông hưỡng dẫn kỹ thuật và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức tôi đã áp dụng vào sản xuất. Sau 3 năm tôi thấy năng suất, chất lượng chè mới hơn hẳn so với chè trung du".

Trong xã có rất nhiều hộ gia đình đã phá bỏ hết cây chè trung du để trồng giống chè mới, tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Thật, xóm Liên Hồng, anh cho biết: "Khi được cán bộ khuyến nông tuyên truyền hướng dẫn trồng chè năm 2005 tôi đã vay 20 triệu đồng vốn Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đầu tư. Đến khi thu hoạch tôi thấy cây chè giống mới cho nhiều búp hơn, thời gian thu hái được rút ngắn.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế do cây chè mang lại, xã Vô Tranh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá vật tư phục vụ cho sản xuất chè biến động từng ngày. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Lục Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: "Vô Tranh là một trong những xã đi đầu trong cải tạo và trồng mới cây chè. Nhưng hiện nay do giá phân bón phục vụ sản xuất liên tục tăng, trong khi giá thành sản phẩm chè lại thấp, đầu ra cho sản phẩm không ổn định nên việc phát triển cây chè cũng gặp những khó khăn…

Trong thời gian tới, xã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng 2 đập chứa nước do Sở Nông nghiệp & PTNT đầu tư với tổng số vốn là 800 triệu đồng tại xóm Tân Bình và Trung Thành, giúp bà con chủ động nguồn nước tưới cho chè, lúa, hoa màu…"



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường