Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phú Thọ: Phát triển cây chè - Hướng thoát nghèo của người dân Cẩm Khê
01 | 04 | 2008
Một trong những chương trình trọng điểm đang được đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) là chương trình phát triển cây chè. Huyện coi đây là chương trình phát triển kinh tế chủ lực để bứt phá một cách toàn diện và bền vững.
Huyện Cẩm Khê xác định cây chè là cây mũi nhọn, cây xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân. Nhiều năm qua, bên cạnh việc phát triển về diện tích, huyện luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, loại bỏ dần các giống chè cho năng suất, chất lượng thấp; có cơ chế chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích chè giống mới, chè lai cho hiệu quả cao.
Để giúp người trồng chè có đầu ra thuận lợi huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến chè phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng của huyện, cây chè được định hướng cụ thể cả về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện cũng đã xác định chỉ tiêu phát triển cây chè là nội dung lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông- lâm- nghiệp. Theo đó, dự án được tỉnh phê duyệt và thực hiện từ năm 2001. Đến nay, tổng diện tích chè của toàn huyện đạt 860 ha, trong đó có trên 300 ha chè được trồng bằng các giống mới (trên 200 ha trồng mới theo 2 dự án AFD và ADB, còn lại do dân tự trồng) như LDP1, LDP2.
Thời gian đầu của dự án, do thị trường chè có nhiều biến động, giá chè xuống quá thấp, hầu hết các hộ nông dân trong huyện đều không mấy quan tâm tới đầu tư phát triển cây chè, do vậy tiến độ thực hiện dự án rất chậm, năng suất, chất lượng chè không cao. Hai năm trở lại đây, thị trường chè khá ổn định, giá chè búp tươi luôn ở mức cao, điều này đã tác động nhiều đến ý thức của người nông dân đối với cây chè như đầu tư, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, cải tạo và trồng mới. Đặc biệt, có nhận thức cao trong việc trồng chè giống mới và sản xuất chè an toàn. Thực tế đã có nhiều hộ dân xoá được đói, giảm được nghèo, thậm chí khá giả lên từ cây chè. Nhờ đó, vị thế của cây chè ở Cẩm Khê đang dần được khôi phục trở lại.
Sau nhiều năm thực hiện dự án phát triển cây chè, chỉ duy nhất năm 2007 huyện Cẩm Khê hoàn thành vượt kế hoạch trồng mới, kế hoạch thâm canh. Đây cũng là năm huyện đạt năng suất, sản lượng chè cao nhất; giá chè búp tươi thu mua trên thị trường đạt mức kỷ lục và thu nhập của người trồng chè cũng được nâng lên đáng kể so với những năm trước. Trong tổng số 860 ha chè hiện có ở Cẩm Khê thì có tới 811 ha đang cho sản phẩm, với năng suất bình quân 46 tạ/ha, sản lượng đạt gần 4.000 tấn. So với bình quân chung của toàn tỉnh chưa phải là cao nhưng so với năm đầu thực hiện dự án thì năng suất chè đã được nâng lên đáng kể (năm 2001 năng suất bình quân 39 tạ/ ha, năm 2007 trên 46 tạ/ha).
Nguyên nhân dẫn đến năng suất chè ở Cẩm Khê còn thấp chủ yếu là do chè giống cũ còn nhiều, việc đầu tư thâm canh vào cây chè của bà con nông dân trong những năm trước đây còn kém; nhận thức của một bộ phận nhân dân về lợi ích lâu dài của cây chè chưa đầy đủ; hoạt động liên doanh liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến chưa tốt dẫn tới người trồng chè còn phải chịu nhiều thiệt thòi…
Ông Hà Thu Bông, Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định: "Tiềm năng cây chè ở Cẩm Khê là rất lớn và triển vọng vẫn còn ở phía trước. Trong những năm tới, chúng tôi vẫn xác định cây chè là cây mũi nhọn, nằm trong 5 chương trình nông nghiệp trọng điểm của huyện. Mục tiêu chúng tôi phấn đấu đến năm 2010, tổng diện tích chè của toàn huyện sẽ đạt 1.000 ha, trong đó diện tích chè giống mới đạt từ 40% diện tích trở lên".
Hiện tại, huyện đang phối hợp với các ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người trồng chè; khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nhằm tạo thuận lợi cho người trồng chè có đầu ra ổn định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của cây chè, từ đó hăng hái tham gia đầu tư trồng chăm sóc chè; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh chè tới người trồng chè. Huyện cũng sẽ tiếp tục quy hoạch phát triển chè tại 18 xã vùng dự án, rà soát lại quỹ đất thực tế đảm bảo đủ diện tích phục vụ trồng mới từ 150- 200 ha chè theo dự án AFD đến 2010; chỉ đạo các địa phương tiếp tục sử dụng 2 giống LDP1, LDP2 vào trồng mới, trồng dặm và trồng lại, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chè giống mới ra địa bàn; áp dụng công nghệ mới vào sản xuất chè an toàn; tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; sản xuất bầu chè; kiểm tra việc thu mua nguyên liệu và hoạt động của các cơ sở chế biến chè, nhằm đưa cây chè của huyện phát triển nhanh và bền vững./


agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường