Một lần nữa, câu chuyện về chất lượng của các sản phẩm chè lại được nói đến như hệ quả của sự mất cân đối giữa sự phát triển ồ ạt của các cơ sở chế biến chè dẫn đến việc khai thác cạn kiệt các vùng nguyên liệu. Tình trạng cũng sẽ đe dọa không nhỏ đến mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành chè đạt khoảng 18-20%, tương đương 140 triệu USD trong năm 2007. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp chế biến chè chúng ta có 650 cơ sở công nghiệp với tổng công suất trên 3.100 tấn búp tươi/ngày. Với sản lượng 546.000 tấn chè búp tươi năm 2005 chỉ đáp ứng được khoảng 88% nhu cầu nguyên liệu chè búp của các cơ sở chế biến này.
Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công bán công nghiệp cùng tham gia thu mua nguyên liệu để sơ chế và nhiều cơ sở đấu trộn ướp hương đóng gói chè. Do thiếu nguyên liệu nên nhiều cơ sở không quan tâm đến chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu, thiếu chăm sóc vườn chè đúng quy cách, dẫn đến năng suất chè bình quân của cả nước chỉ đạt 5,7 tấn/ha (mà nếu chăm sóc tốt nhiều vườn chè cho năng suất 20-25 tấn/ha.
Bên cạnh đó, trang thiết bị công nghệ chế biến lạc hậu nên hầu hết chè Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu, chè thành phẩm mới chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu, chè nguyên liệu chiếm xấp xỉ 80%.
Một số lãnh đạo quản lý ngành chè lại có quan điểm giá tăng như vậy thì nông dân sẽ được lợi, nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia trong ngành, khi giá đẩy lên thì chất lượng chè kém đi. Khi hái chè, thông thường người trồng chè chỉ ngắt một búp, 2 lá, nhưng bây giờ họ dùng liềm cắt cành dài khiến cây chè bị tổn thương, khó có thể khôi phục vườn chè nhanh được.
Chất lượng chè kém đi thì xuất khẩu sẽ giảm sút. Với cơ cấu trên 2/3 sản lượng chè được sản xuất dành cho xuất khẩu, trong khi chỉ có non 1/3 tiêu dùng trong nước. Chính vì thế, khi kim ngạch xuất khẩu giảm tất yếu sẽ dẫn đến chuyện đình đốn trong sản xuất
Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Nguyễn Văn Thụ cho biết, đã có những lô chè người dân phải bỏ làm phân bón, do không bán được. Tuy nhiên, phần lớn sự suy giảm chất lượng, giá bán của chè là do các doanh nghiệp Việt Nam tự “phá” nhau bằng cách nâng giá mua của người nông dân đồng thời lại giảm giá bán cho đối tác nước ngoài.
Chẳng vậy mà, nếu như trước đây giá xuất khẩu 1kg chè khô vào Anh đạt 1,8-2 USD/kg, thì nay chỉ còn có 1,1-1,2 USD/kg, với khối lượng xuất khẩu 100.000 tấn chè/năm thì ngành chè đã bị thiệt hại 70 triệu USD. Trong khi đó, ở Việt Nam cũng có nhiều nơi xuất bán được chè với giá cao như Đình Lập (Lạng Sơn): 8 USD/kg, Phú Bền (Phú Thọ): 1,8-2 USD/kg, Mộc Châu (Sơn La): 7 USD/kg... Một nguyên nhân quan trọng khiến ngành chè của Việt Nam rơi vào tình trạng “lẹt đẹt” như hiện nay là thương hiệu của chúng ta quá yếu, mặc dù thương hiệu quốc gia cho chè đã có với tên “CHEVIET”.
Trước yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh, cũng như mong muốn nâng cao chất lượng chè, qua đó tạo ra những giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành chè Việt Nam, tuần qua, Hiệp hội Chè Việt Nam đã họp bàn với đại diện lãnh đạo hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang nhằm thông báo tình hình thị trường, đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý ở địa phương vào cuộc, đi kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất, nếu thấy không đủ điều kiện thì cho dừng sản xuất lại.
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, tới đây, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có chương trình đi tới 35/35 tỉnh, thành phố đang trồng chè nhằm gặp gỡ các nhà quản lý, các doanh nghiệp để cảnh báo, thông báo tình hình và đề ra những biện pháp cứng rắn.
Cụ thể, vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn đi kiểm tra, gồm Sở Nông nghiệp, Thương mại, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường đến kiểm tra tất cả những cơ sở sản xuất, nếu không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn, thì đình sản xuất lại, không cho kinh doanh, tịch thu những sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu quá cao ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Để giải quyết triệt để được vấn đề trên phải thực hiện ngay bốn giải pháp là: đối với doanh nghiệp không làm, không bán chè xấu, còn người tiêu dùng thì không mua chè xấu, trong khi đó Nhà nước phải cấm lưu thông chè xấu trên thị trường, nếu phát hiện chè kém chất lượng nên cho tiêu huỷ ngay.
Ông Nguyễn Văn Thụ cho biết: “Chúng tôi đang lập danh sách những cơ sở đủ tiêu chuẩn kiểm tra, kiểm soát chất lượng chè xuất khẩu để loại bỏ tất cả những lô chè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay cả lượng chè phơi như... rơm rạ trên đường phải được tịch thu và tiêu huỷ”.