Dự kiến, đến cuối năm 2010, Sàn đấu giá Chè Việt Nam sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Trao đổi với cafef.vn, ông Trần Văn Giá – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: việc Việt Nam chưa có một sàn đấu giá chè sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất chè không xác định được giá trị đích thực của sản phẩm, nhu cầu giữa người bán và người mua cũng bị hạn chế...
Khi sản phẩm được giao dịch qua sàn đấu giá thì giá trị của hàng hóa đó được nâng lên một cách đáng kể. Giá chè của Việt Nam mới chỉ bằng 60% giá chè bình quân của các nước trên thế giới; chúng ta xuất gần 150 nghìn tấn/năm nếu mà nâng lên bằng giá quốc tế có nghĩa là khoảng 1 USD nữa thì chúng ta có thêm khoảng 130 triệu USD...
Theo ông thì yếu tố nào là quan trọng nhất cho sàn giao dịch chè hoạt động hiệu quả ?
Sàn giao dịch chè ra đời, cũng như các sàn khác sàn nào cũng vậy thì bản chất của nó, hiệu quả trong buôn bán phải là chất lượng sản phẩm. Vận dụng lợi thế so sánh của ngành chè Việt Nam từ đó tìm ra các sản phẩm có chất lượng cao nhất ở trên mỗi một dòng sản phẩm.
Chẳng hạn như, chè đen thì phải có chè đen tốt nhất, chè xạnh phải có chè xanh đặc đặc biệt tốt nhất, chè đỏ (tức là chè Ô Long) thì phải có những loại tốt nhất...
Đề cao yếu tố chất lượng nhưng dường như chất lượng chè của nước ta lại chưa được đánh giá cao. Theo ông thì nguyên nhân tại sao?
Cũng phải thừa nhận thực tế rằng, chất lượng chè của Việt Nam bây giờ không đồng đều. Chúng ta có những loại tốt nhất thế giới nhưng chúng ta cũng những loại không được tốt lắm.
Đã có thời gian Việt Nam có khoảng 400 - 5 00 doanh nghiệp chế biến chè. Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng mất cân đối với nguyên liệu, không được gắn bó giữa hộ sản xuất chè với nhà chế biến một cách ổn định. Người sản xuất ra bao nhiêu kiểu gì thì vì thiếu nên nhà chế biến cũng phải mua vì thế nên họ làm những sản phẩm không đạt yêu cầu.
Hy vọng rằng sự ra đời của sàn giao dịch tới đây sẽ khắc phục được điểm yếu này. Vì một khi sản phẩm chè đó muốn lên sàn thì ngay từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp đã phải đảm bảo sản xuất an toàn theo quy định. Chè phải được sản xuất công nghiệp đồng loạt, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế... có như thế thì mới giúp cho sản phẩm chè của chúng ta có uy tín và không bị mất giá so với các nước khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng: Chè là một sản phẩm “kén” người sử dụng do đó nguồn cầu mới là yếu tố sống còn cho sàn chè hoạt động hiệu quả, thưa ông?
Cũng có thể, nhưng nói đó là yếu tố sống còn thì không hẳn. Bởi lẽ xuất khẩu chè của Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 6 – 7% (tương đương với 1500 – 1700 tấn/năm) thị phần của thế giới và thị trường đầu ra (hay nguồn cầu) cho thị trường chè của Việt Nam còn rất rộng lớn.
Tuy nhiên, chè là một sản phẩm kén người dùng do đó muốn mở rộng được thị phần thì cần phải nghiên cứu những vùng, những đất nước tiêu thụ chè nhiều, người ta có cái “gu”, yêu cầu văn hóa của nước tiêu thụ là gì?
Từ những năm 1890 chè Việt Nam đã đi sang thị trường đấu giá quốc tế. Đặc biệt là những năm 1960, 1965 thì chè Việt Nam cũng đã đi đến những thị trường đấu giá của London và một số nước trên thế giới nhiều người đã đánh giá chè Việt Nam có chất lượng rất cao... Nói như thế để thấy rằng chè của Việt Nam cũng đã tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường thế giới nhưng bây giờ nếu chúng ta không nâng cao được chất lượng lên thì chúng ta bỏ lỡ cơ hội cho sản phẩm chè
Thị trường xuất khẩu của chè nước ta hiện nay như thế nào, thưa ông?
Việt Nam chiếm khoảng 6 – 7% lượng tiêu thụ thế giới khoảng chừng 1500 - 1700 tấn/năm.
Hiện nay, đã có hơn 100 nước ở các vùng lãnh thổ tiêu thụ chè Việt Nam nhưng chúng ta đang bán tập trung vào các thị trường lớn (thị trường truyền thống) như: Đông Âu, Nga – tiêu thụ khoảng 10 nghìn tấn/năm; thị trường Châu Âu khoảng 30 nghìn tấn/năm; các nước Trung Cận Đông, Pakistan, Irắc tiêu thụ hơn 20 nghìn tấn/năm...
Gần đây, nổi lên một số thị trường xuất khẩu chè mới của Việt Nam như: Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập xê út, Nam Âu.
Thị trường thứ 3 là các nước gần nước ta như: các nước Đông Nam Á, chúng ta đang xuất khẩu thử sang Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malayxia, Singapore... Phần lớn các nước này đều là những nước vừa tiêu thụ chè của Việt Nam nhưng họ cũng là những nhà kinh doanh, bán buôn nổi tiếng trên thế giới.
Bên cạnh đó, chè của Việt Nam cũng bắt đầu xuất khẩu sang Châu Mỹ và thị trường Mỹ từ 1000 tấn/năm bây giờ cũng lên 4000 tấn/năm...
Theo ông, khi sàn giao dịch đi vào hoạt động liệu thị phần của chè Việt Nam có được nâng lên nhiều không?
Chúng tôi cho rằng nếu giá thông qua sàn đấu giá này mà được ổn định thì chúng ta có thể trong vòng 4 – 5 năm chúng ta có thể đưa lên gấp đôi cái lượng xuất khẩu, tức là có thể lên hơn 200.000 tấn/năm.
Xin cảm ơn ông!