Ông Nguyễn Thành Hưng- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái lan - trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thương Mại.
Kim ngạch XNK trong 8 tháng đầu năm 2006 giữa Việt Nam và Thái lan tăng mạnh, đạt 2,647 tỉ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ 2005, con số này nói lên điều gì về quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Thái lan, thưa ông?
- Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Thái lan đang có những bước phát triển mạnh. Năm 2004, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,3 tỉ USD, năm 2005 con số đó là 3,2 tỉ USD, tăng 41,3%.
Trong 8 tháng đầu năm 2006, mặc dù Thái lan có những bất ổn chính trị nhưng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Thái lan và Việt Nam vẫn được phát triển. Điều này được thể hiện qua kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng trong 8 tháng đầu năm 2006 là 2,647 tỉ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, XK của Việt Nam sang Thái lan đạt 647 triệu USD, tăng 15,2%. Các mặt hàng XK chủ yếu là hàng nông sản, dầu thô, thủy sản, than đá, linh kiện điện tử, thiết bị thể thao, các mặt hàng sản xuất từ xương động vật, tác phẩm nghệ thuật (tranh sơn mài)… NK từ Thái lan đạt 2 tỉ USD, tăng 34,8%. Mặt hàng NK chủ yếu là đồ dùng nội thất phục vụ cho xây dựng, linh kiện xe máy, ôtô, thiết bị thể thao, máy tính, nguyên phụ liệu ngành dệt may...
Mặt hàng chè của Việt Nam được đánh giá như thế nào tại thị trường Thái lan, thưa ông?
- Công bằng mà nói thì chè của Việt Nam chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường Thái lan. Tháng 5/2006, Hiệp hội chè Việt Nam có tổ chức đoàn tham gia triển lãm tại Hội chợ ThaiFex 2006 tại Bangkok. Tuy nhiên, tại hội chợ này, sản phẩm chè của Việt Nam còn dừng lại ở mức khiêm tốn về chủng loại, nghệ thuật bày hàng và pha trà chưa thực sự thu hút người tham quan.
Sau triển lãm, Hiệp hội chè Việt Nam có phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Thái lan tổ chức một buổi giới thiệu “Văn hoá trà Việt Nam” tại trung tâm triển lãm BITEC, Thái lan. Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong những bước đi ban đầu của mặt hàng chè Việt Nam vào thị trường Thái lan. Người Thái lan có cách uống trà khác người Việt Nam. Họ không pha vào ấm như Việt Nam mà uống trà pha sẵn. Doanh nghiệp Nhật Bản đã khai thác văn hoá uống trà của người Thái và sản xuất loại trà pha sẵn, có mật ong và đóng chai bán rất phổ biến tại các siêu thị. Tôi hy vọng các DN sản xuất và kinh doanh chè Việt Nam nghiên cứu, đầu tư thêm thiết bị để chế biến chè theo thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường, thực hiện khẩu hiệu “Bán cái người ta cần mua chứ không bán cái chúng ta đang có”. Có như vậy, mặt hàng trà của Việt Nam mới dần dần thâm nhập được các thị trường nước ngoài.
Ông đánh giá thế nào về công tác thiết lập hệ thống quản lý, phân phối các sản phẩm Việt Nam tại thị trường Thái lan?
Nhìn chung, sự xuất hiện của DN Việt Nam trong hệ thống phân phối trên thị trường Thái tương đối lâu đời. Tuy nhiên, các sản phẩm của chúng ta còn yếu về khả năng cạnh tranh, có thể nói là chưa có. Điều này có thể do một trong các nguyên nhân sau: Hệ thống quản lý, phân phối sản phẩm của Thái lan rất tốt, nhiều nhà phân phối nước ngoài đã có mặt trên thị trường này từ lâu như Carefour, Marko, Central, Isetan, CP group, 7 Eleven... các công ty này có bề dày kinh nghiệm về phân phối, cạnh tranh quốc tế. Các công ty Việt Nam thì thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức bán hàng và quản lý hàng.
Được biết, các công ty may mặc Thái lan dự định thuê lao động Việt Nam, ông nhận định vấn đề trên như thế nào?
- Việc trở thành thành viên chính thức của WTO sẽ giúp chúng ta được hưởng các ưu đãi của một nước thành viên chính thức WTO, tức là trong đó có ưu đãi XK dệt may vào Hoa Kỳ không bị áp hạn ngạch như trước đây. Việc các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư may mặc của Thái lan nói riêng tìm cơ hội đầu tư vào một thị trường có nhiều cơ hội XK là điều dễ hiểu. Còn việc chi phí lao động rẻ hơn ở Thái lan 20-30% cũng cần suy nghĩ nhưng theo tôi đây không phải là nguyên nhân chính quyết định sự chuyển dịch đầu tư từ Thái lan sang Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!