Bước phát triển của ngành chè
Hiếm có một nơi nào trên thế giới lại được thiên nhiên ưu đãi, hầu như cho phép trồng chè ở khắp nơi như ở nước ta. Ngoài nguồn chè phong phú, đủ loại trong nước, Việt Nam hiện đã tuyển chọn và nhập hàng chục giống chè có chất lượng cao của Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Nhật Bản, Indonesia với một quỹ gene hơn 100 bộ giống. Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè Ô Long, chè Lài rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới.
Trước đây, sản lượng chè của Việt Nam chỉ đạt được vài chục ngàn tấn/năm vì thị trường không ổn định, chất lượng không đều, thường bán dưới dạng nguyên liệu và dù đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng hầu hết lại mang nhãn mác của nước ngoài và không được quảng bá đúng mức. Do vậy, giá chè của Việt Nam thấp hơn các nước đến 20% và điều này đã làm cho những nhà kinh doanh chè Việt Nam bị thua thiệt.
Những năm gần đây, do có sự quan tâm đúng mức của Nhà nước và những nỗ lực đầu tư của các đơn vị sản xuất, ngành chè Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt. Sản lượng đã tăng lên hàng trăm ngàn tấn/năm. Hiện nay, cả nước có 630 cơ sở, nhà máy của 34 tỉnh, thành tham gia trồng chè trên diện tích 125.000 ha. Sản lượng hàng năm đạt 577 ngàn tấn chè thô. Chè Việt Nam đã được xuất sang 107 thị trường trên thế giới, trong đó có 68 thị trường thuộc các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)- một kết quả mà không phải bất kỳ nước nào cũng đạt được, kể cả các nước thành viên của Tổ chức này. Trong số gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang tiêu thụ chè Việt Nam, có 18 thị trường truyền thống ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu. Các thị trường mua chè Việt Nam nhiều nhất là Pakistan, Ấn Độ, Đài Bắc (Trung Quốc), Nga. Riêng Đài Bắc (Trung Quốc) là thị trường tiêu thụ nhiều nhất trà Ô Long chất lượng cao của Việt Nam.
Cần trả lại vị trí xứng đáng cho chè
Tuy nhiên, trên thị trường chè thế giới, chè Việt Nam chưa có giá trị xứng đáng mà thường thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka… Chè Việt Nam có giá bán thấp và lượng tiêu thụ không ổn định. Theo các chuyên gia của Hiệp hội Chè Việt Nam, tình trạng này là do một số nguyên nhân sau: chất lượng sản phẩm vừa thấp vừa không ổn định; độ tin cậy về vệ sinh an toàn thực phẩm không cao; lượng sản phẩm bán ra chưa tạo nên sản phẩm mang thương hiệu độc lập vì số lượng ít và chất lượng thấp.
Chính vì vậy, vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn là thách thức, khó khăn lớn đối với ngành chè Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2007 đã có những ý kiến phản ánh quyết liệt của thị trường, nhất là thị trường châu Âu về an toàn thực phẩm chưa đảm bảo của chè Việt Nam. Đáng chú ý trong những tháng cuối năm 2006, đặc biệt là 4 tháng đầu năm 2007, việc thị trường Trung Quốc thu hút khối lượng lớn chè xanh và nhất là việc tận thu cả lá lẫn cành, tạo nên “nạn chè vàng” chất lượng kém, giá thấp của thương lái Trung Quốc đã cản trở trực tiếp, gây khó khăn rất lớn đối với sản xuất chè Việt Nam.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Chè Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, cũng như hướng dẫn các hội viên thực hiện nghiêm túc cuộc vận động sản xuất chè an toàn và đẩy mạnh chương trình quảng bá thương hiệu. Cuộc vận động sản xuất chè an toàn được triển khai trong suốt những năm qua đã có được những kết quả rất đáng khích lệ: chất lượng chè tăng khá đồng đều, sản phẩm được đa dạng hoá và đặc biệt giúp người trồng chè nâng cao nhận thức sản xuất chè trong quy trình sản xuất nông nghiệp. Trong đó coi trọng việc sử dụng chất hữu cơ trong bón chè để đảm bảo năng suất cao, hoàn chỉnh nội chất của búp chè, tăng chất bổ trong chè. Đồng thời phải sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học với tiêu chí 4 đúng: đúng chủng loại, đúng liều lượng - nồng độ, đúng tuổi sâu, đúng thời gian cách ly. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ban hành Quyết định số 43 ngày 16/5/2007 quy định về việc quản lý, sản xuất, chế biến và cấp chứng nhận chè an toàn. Đây là những bước đi cần thiết để tiến tới xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn. Theo ông Trần Văn Giá – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, quyết định số 43 có thể được coi là một bước ngoặt lịch sử cho chất lượng chè Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng của chè Việt Nam, một biện pháp quan trọng khác đã được tích cực triển khai là giám đốc các doanh nghiệp sản xuất chè trực tiếp thâm nhập thị trường để nắm thị hiếu của người tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội Chè Việt Nam đã tổ chức cho các doanh nghiệp sản xuất chè có các chuyến thâm nhập thị trường tại Trung Quốc, Đài Loan, Thuỵ Sỹ, Hà Lan… Cái mới trong chương trình xúc tiến thương mại hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất chè trực tiếp đến các nơi tiêu thụ chè Việt Nam để nắm nhu cầu cụ thể của khách hàng về chủng loại chè, yêu cầu về chất lượng chè, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nhà sản xuất chè nổi tiếng của nước ngoài về bí quyết công nghệ, nhãn mác bao bì, xúc tiến thương mại, dịch vụ thị trường… Sau các chuyến đi thực tế, các doanh nghiệp sản xuất chè của Việt Nam đều nhận ra một sự thật là, nếu không nâng cao chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ không có khả năng cạnh tranh.
Đó là những dấu hiệu tốt đẹp cho sản xuất chè Việt Nam. Những người làm chè Việt Nam hoàn toàn có quyền hy vọng Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm của thị trường chè thế giới. Nhất là khi chè Việt Nam có cơ hội đến với bạn bè thế giới ngay tại đất nước mình trong Lễ hội văn hoá trà Việt Nam được tổ chức tại Vườn hoa Ba Đình vào đầu năm 2008, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hiệp hội chè Việt Nam. Đây sẽ là lễ hội trà lớn nhất từ trước tới nay (tiệc trà 10 vạn người) quy tụ người làm chè từ 34 địa phương trong cả nước, đại diện sản xuất chè của các nước ASEAN, với khách mời đến từ 98 nước và thị trường đang nhập khẩu chè Việt Nam./.