Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh Sơn mở rộng diện tích trồng chè giống mới
06 | 10 | 2007
Huyện Thanh Sơn được đánh giá là địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển cây chè của tỉnh Phú Thọ.
Toàn huyện hiện có 3.747 ha chè, chiếm gần một phần tư tổng diện tích chè toàn tỉnh, trong đó diện tích chè ở khu vực quốc doanh là 2.040 ha, ở khu vực nông thôn là 1.707 ha. Trong giai đoạn 2006 - 2010, phát triển chè được Thanh Sơn xác định là một chương trình nông, lâm nghiệp trọng điểm để từng bước xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này. Những năm qua, huyện đã có nhiều cố gắng cải tạo, thâm canh, mở rộng diện tích trồng chè, thay dần các giống chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Ðồng thời thực hiện tốt chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ chè trong nước và xuất khẩu.

Trên địa bàn huyện Thanh Sơn hiện có hai dự án phát triển, cải tạo, thâm canh chè giống mới sử dụng nguồn vốn AFD (CH Pháp) và ADB (Ngân hàng phát triển châu Á). Trong đó, dự án phát triển cây chè của tỉnh sử dụng nguồn vốn ADB dưới hình thức hỗ trợ lãi suất cho vay được triển khai từ năm 2002. Nhưng hai năm 2003 - 2004, do ảnh hưởng cuộc chiến tranh I-rắc, thị trường xuất khẩu chè bị ngưng trệ nên dự án đã không được triển khai, cho đến năm 2005 mới tiếp tục được khởi động lại. Trong giai đoạn này dự án không thực hiện hỗ trợ lãi suất như trước đây mà chuyển sang hình thức hỗ trợ cho các hộ tham gia trồng mới, với mức 4 triệu đồng/ha và 3 triệu đồng/ha cải tạo. Tính đến nay, 24 xã tham gia dự án đã trồng mới được 213 ha chè bằng giống mới LDP1 và LDP2, thâm canh trên 206 ha. Theo đánh giá, đối với diện tích chè trồng mới và cải tạo từ năm 2002 sử dụng vốn ADB phát triển tốt, chất lượng cao, năng suất thu hoạch búp tươi bình quân đạt hơn 60 tấn/ha, cao hơn từ 2 đến 3 lần so với chè giống cũ. Ðối với diện tích trồng mới trong năm, nhờ công tác chuẩn bị khá chu đáo nên việc triển khai thực hiện kế hoạch đạt kết quả cao, khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống sau khi trồng của cây chè đạt 95%.

Năm 2006, huyện Thanh Sơn cũng là một trong những địa phương được triển khai dự án phát triển chè giống mới sử dụng nguồn vốn AFD  (CH Pháp), dưới hình thức cho vay hỗ trợ lãi suất, trừ trên mức lãi suất 8,3%/năm. Mức vay quy định 29 triệu đồng/ha trồng mới, thâm canh là 5 triệu đồng/ha. Theo đó năm 2006, huyện được tỉnh giao trồng mới 150 ha, cải tạo 89 ha. Ðể triển khai dự án, từ năm 2005 huyện đã thành lập và kiện toàn lại Ban quản lý dự án chè từ huyện tới xã để thống nhất trong công tác chỉ đạo thực hiện. Ban quản lý dự án chè huyện (BQLDA), căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ kế hoạch của tỉnh, đã chỉ đạo các xã vùng dự án rà soát quỹ đất, cân đối lao động, cân đối nguồn vốn đối ứng có khả năng trồng chè, đăng ký kế hoạch với dự án, đồng thời tổng hợp xây dựng và phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho từng xã. Ðể chủ động về giống, BQLDA chè huyện cũng đã chuẩn bị sáu vườn ươm đủ tiêu chuẩn, gần các hiện trường trồng chè, với số lượng gần bốn triệu bầu, bảo đảm đúng chủng loại LDP1, LDP2. Việc làm này giúp cho công tác chỉ đạo các xã tập trung trồng dứt điểm trong khung thời vụ. Hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện đồng bộ, đã mở được bốn lớp cho cán bộ khuyến nông cơ sở, 15 lớp cho  nông dân (trong đó năm lớp do dự án chè ADB và 10 lớp do dự án AFD mở). Nông trường trồng chè được chuẩn bị đầy đủ, đúng quy trình kỹ thuật. Kết quả năm 2006: sản xuất 291 vạn bầu chè giống, trong đó 72,6 vạn bầu chè LDP1, 218,4 vạn bầu LDP2 và đã cung ứng 271 vạn bầu. Diện tích chè trồng mới đạt khoảng 187 ha, vượt 37 ha so với kế hoạch giao; cải tạo 22,3 ha đạt 22,3% kế hoạch. Tính đến hết năm đã giải ngân được khoảng 600 triệu đồng cho các hộ có nhu cầu vay vốn, đạt hơn 30% kế hoạch giải ngân đợt 1.

Nhìn chung, dự án phát triển cây chè huyện Thanh Sơn năm 2006 được triển khai khẩn trương, đồng bộ từ huyện tới cơ sở, diện tích cũng như tiến độ thực hiện đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Quy trình kỹ thuật từ khâu gieo ươm giống cho tới quá trình trồng, chăm sóc được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ kỹ thuật, do vậy chất lượng chè trồng mới đạt kết quả khá cao. Năng suất chè trồng mới bình quân đạt từ 60 tấn/ha; diện tích chè sau thâm canh cũng cho năng suất cao gấp đôi so với trước đây. Ðặc biệt người dân tham gia trồng chè rất phấn khởi được sự hỗ trợ vốn từ dự án, được tập huấn kỹ thuật, hơn nữa vài năm gần đây chè lại được giá cho nên càng kích thích nhiều hộ tham gia phát triển cây chè trên địa bàn. Theo thống kê của phòng kinh tế huyện cho đến thời điểm này toàn huyện Thanh Sơn có tổng số 1.858 hộ tham gia dự án phát triển cây chè, hộ ít cũng tối thiểu có 0,1 ha, hộ nhiều vài ha trở lên. Thực tế cho thấy, cây chè ở huyện vùng núi này không chỉ tham gia ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, mà đã giúp nhiều gia đình trong huyện có thu nhập cao. Ðiển hình như hộ ông Hoàng Sĩ Cách, ở xã Ðịch Quả, với 3 ha chè giống mới, trong đó 2 ha đã cho thu hoạch, trừ chi phí mỗi năm cũng cho thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng.

Mặc dù dự án phát triển cây chè ở huyện Thanh Sơn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song để đánh giá đúng mức trong quá trình triển khai dự án cũng còn bộc lộ không ít những hạn chế cần được khắc phục đó là: Sự phối kết hợp giữa BQLDA với các ngành chưa chặt chẽ và kịp thời. Ðặc biệt công tác thẩm định, triển khai giải ngân vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa tập trung, dẫn đến hỗ trợ lãi suất đợt 2, dự án phát triển chè của tỉnh (từ năm 2002) còn chậm. Công tác chỉ đạo ở một số nơi chưa cụ thể, thậm chí vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên, do vậy vẫn chưa triển khai được dự án. Một số hộ triển khai làm đất muộn, chưa đúng quy trình hoặc nhận cây giống chưa trồng hết. Nhiều hộ không trồng cây phân xanh, cây lấy bóng mát cho chè. Diện tích trồng chè còn manh mún, nhỏ lẻ, việc dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện mở rộng diện tích, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn triển khai chậm.

Trong thời gian tới, để dự án phát triển cây chè của huyện Thanh Sơn tiếp tục đạt kết quả cao, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành và người trồng chè trong huyện, người trồng chè cũng rất cần sự quan tâm giải quyết các khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa của Nhà nước và các ngành chức năng trong tỉnh.

 



Báo Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường