Để cây chè có chỗ đứng trên thị trường và từng bước khắc phục tập quán canh tác lạc hậu, tỉnh đang tìm lối đi cho cây chè để khẳng định thương hiệu chè shan Tủa Chủa. Vậy đâu là lối thoát cho cây chè vùng cao có chỗ đứng trên thị trường?
Hiện nay, huyện Tủa Chùa có khoảng 240 ha chè, trong đó diện tích chè đã cho thu hoạch 37 ha với khoảng 10 ha chè shan tuyết cổ thụ (có khoảng 10.000 cây). Vùng chè shan tuyết nằm chủ yếu ở các xã phía Bắc của huyện như: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phình, Sính Phình... Riêng xã Sính Phình, hiện có khoảng 27 ha chè Shan giống thấp cây đang cho thu hoạch. Bằng nguồn vốn của chương trình dự án đảo nợ của Đức từ năm 1999 đến 2001, Tủa Chùa đã trồng mới được 192 ha với phương thức trồng thành rừng (1.600 cây/ha). Qua theo dõi 2 năm gần đây cho thấy: hiện nay, diện tích 2 loại chè này có tỷ lệ sống thấp, cây phát triển kém. Sau nghiệm thu thời gian kiến thiết cơ bản thì diện tích chỉ còn 142 ha (năm 2002 với tỷ lệ sống trên 75% sau khi đã trồng dặm) và tính đến năm 2005 chỉ sống từ 30% đến 70%. Trước tình hình trên, năm 2005 vùng chè Tủa Chùa tiếp tục được đầu tư trồng mới 8,1 ha chè shan tuyết và được trồng trên đất nương chưa giao đất... với nguồn kinh phí được lấy từ sự nghiệp khoa học của tỉnh ( trồng 5 ha) và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3,1 ha để trồng chè tại thôn Háng Đề Dê 1 xã Sính Phình. Với số lượng cây chè tuyết shan cổ thụ đang cho thu hoạch theo lý thuyết thì một năm có khoảng 220 tấn chè búp tươi. Với chè trồng mật độ cao tại các thôn trên đang cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt từ 3 đến 4 tấn chè bút tươi/ha/năm, như vậy đảm bảo đủ nguyên liệu cho 5 xưởng chế biến chè với công suất 1.450 kg chè bút tươi/ngày, có 24 lao động thường xuyên làm việc. Nhưng trên thực tế thì các xưởng chế biến lúc cao điểm chỉ đạt 1.210 kg chè búp tươi/ngày và chỉ sử dụng 15 công nhân do nguồn nguyên liệu không ổn định.
Ông Đinh Quanh Na, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tủa Chùa hiện có 10.000 cây chè cổ thụ, nếu thu hái tốt số chè búp tươi sẽ chế biến thành vài chục tấn chè khô/năm..., nhưng khó nhất vẫn là khâu thu hái, thu mua vì người dân chưa mặn mà với cây chè. Trước tình hình trên, huyện đã khuyến khích người dân thu hái chè bán cho các xưởng chế biến bằng cách hỗ trợ thêm cho người trồng chè 1.000 đồng/kg chè búp tươi (nâng giá lên 4.000 đồng/kg với chè shan và 3.000 đồng/kg với loại chè thường) để bán cho các xưởng chế biến, nhưng người dân vẫn rất thờ ơ... Nguyên nhân chính là do số chè shan hiện có nằm phân tán trên diện tích quá rộng, thu hái xong không chuyển đi bán ngay, như vậy sẽ héo úa, mất giá. Hơn nữa các cơ sở chế biến cũng chưa có biện pháp tích cực, hiệu quả để khuyến khích nông dân thu hái chè và hướng dẫn người dân cách bảo quản chè tươi khi vận chuyển. Nhiều hộ hái chè xong bỏ vào bao tải đi hàng giờ rồi mới đến xưởng chế biến, nên chè bị ủ lâu, chất lượng kém, khó tiêu thụ.
Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2010 sẽ trồng 1.000 ha chè, tăng 770 ha, sản lượng đạt 700 tấn chè bút tươi, trong đó trọng điểm đầu tư trồng chè vẫn là 4 xã vùng chè đặc sản là Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phình và Sính Phình (huyện Tủa Chùa) với mục tiêu: xây dựng vùng chè shan có qui mô thích hợp với các nguồn tài nguyên trong vùng, sản xuất và chế biến sản phẩm chè bằng công nghệ tiên tiến, tạo ra một lượng chè hàng hoá với chất lượng cao. Tỉnh xây dựng vùng chè Tủa Chùa trở thành vùng chè đặc sản nổi tiếng với một thương hiệu chè shan Tủa Chùa có uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.
Tỉnh Điện Biên đã có quy hoạch phát triển vùng chè 4 xã của huyện Tủa Chùa (2006 đến 2010), trong đó có tính toán kỹ về qui hoạch khu vườn ươm và vườn sản xuất giống, qui mô diện tích chè sản xuất, bố trí diện tích trồng chè trên các loại đất, sản lượng và giá trị sản xuất hàng hoá của cây chè, đầu tư vốn trồng chè, qui hoạch bố trí các nhà máy, xưởng chế biến và khâu tiêu thụ... Để cung cấp đủ nguồn giống trồng từ 80 đến 100 ha/năm, nhất thiết phải có vườn ươm sản xuất giống và vườn ươm giâm cành tại xã Sính Phình với qui mô 1.000 m2, trong đó 360 m2 là vườn ươm, còn lại là nhà điều hành, quản lý, dụng cụ làm việc... Ngành nông nghiệp tỉnh đã thâm canh 8,1 ha chè shan giống tại xã Sính Phình để cung cấp đủ cành giống, nhằm thực hiện nhân giống cho 10 ha chè trồng đại trà (với mật độ từ 3.000 đến 4.000 cây/ha). Ngoài ra ngành nông nghiệp tỉnh còn nhân giống chè shan đặc sản như: giống chè IRI777, giống chè shan Mộc Châu, Hà Giang... và tập trung phát triển vùng sản xuất chè shan ở các xã phía Nam của tỉnh là Sính Phình, Tả Phình theo phương thức thâm canh, mật độ trồng từ 14.000 đến 16.000 cây/ha.
Sau khi đã có vùng nguyên liệu ổn định, huyện Tủa Chùa cần cải tạo, nâng cấp thiết bị nhà xưởng của những xưởng chế biến chè hiện có đồng thời đầu tư đưa công nghệ chế biến chè hiện đại để đáp ứng chế biến hết nguyên liệu chè hiện có. Huyện này phấn đấu đến năm 2012 sẽ xây dựng 1 nhà máy tinh chế cho sản phẩm chè tinh cao cấp, nhằm đa dạng hoá sản phẩm chè đặt tại thị trấn Tủa Chùa với công suất 500 kg/mẻ. Như vậy, đến năm 2015 toàn huyện sẽ nâng cấp và xây dựng mới 19 xưởng chế biến và 1 nhà máy chế biến tinh chế sản phẩm chè cao cấp, trong đó có 16 xưởng chế biến bán công nghiệp với công suất trên 0,5 tấn búp tươi/ngày, có 1 xưởng chế biến chè công nghiệp với công suất 5 tấn chè búp tươi/ngày. Khi dự án phát triển vùng nguyên liệu chè và các xưởng chế biến chè trong huyện đi vào hoạt động thì từ đó có nhiều hộ tham gia dịch vụ thu gom nguyên liệu chè hàng hoá và cung ứng vật tư, phân bón và các mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày của người trồng chè trên địa bàn huyện.
Song để cây chè Tủa Chùa có chỗ đứng trên thị trường thì huyện cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất đai, gắn với việc chuyển đổi diện tích vùng trồng chè như: bố trí dân cư, các cơ sở hạ tầng, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm phải được giao ổn định lâu dài cho các hộ nông dân, nhất là đất khoanh nuôi tái sinh rừng, kết hợp trồng chè.
Tỉnh cần có chính sách trợ cấp, trợ giá ưu đãi cho người trồng chè. Tỉnh có chính sách trợ cấp 100% phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong 3 năm đầu và hỗ trợ xưởng chế biến nhỏ cho người trồng chè... đồng thời kéo dài thời gian vay tín dụng cho người trồng chè phù hợp với chu kỳ trả nợ. Tỉnh có chính sách gắn kết các nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà buôn (thương lái), nhà chế biến sản xuất, ngân hàng...) vào cuộc đồng bộ để phát triển vùng trồng chè chất lượng cao. Khi vùng chè đã có nguồn nguyên liệu, giữa nông dân và nhà sản xuất tại huyện Tủa Chùa nên có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cần thỏa thuận về giá cả thu mua chè nguyên liệu để tránh cho nông dân bị thiệt thòi, bởi chính họ quyết định nên chất lượng sản phẩm chè... Có như vậy thì cây chè vùng cao Tủa Chủa mới có cơ hội phát triển, như vậy để trở thành cây công nghiệp mũi nhọn, góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện./.
(Nguon tin: TTXVN)