Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu cho chè Thái Nguyên
17 | 06 | 2007
Hiện nay trên thị trường cả nước có rất nhiều loại chè mang nhãn hiệu Thái Nguyên, đây là yếu tố làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của loại chè nổi tiếng này, đồng thời gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của người nông dân trồng chè và của chính người tiêu dùng.
Nếu tình trạng vi phạm này tiếp tục kéo dài, chè Thái Nguyên có thể sẽ mất đi ưu thế và sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Câu chuyện xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này từ lâu vẫn là điều trăn trở của các nhà doanh nghiệp, người trồng chè, người tiêu dùng và nhà khoa học tâm huyết với cây chè Thái Nguyên, đặc biệt là trong thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

Cần có một "thương hiệu"

Thiên nhiên ưu ái cho Thái Nguyên chất đất và khí trời phù hợp cho cây chè sinh trưởng. Nếu như trước đây, người dân Thái Nguyên chỉ trồng chè cho kín vườn, xanh đồi, thu nhập từ chè chỉ được coi là "thu nhập phụ", thì nay cây chè đã có một vị thế khác hẳn. Từ năm 2000, cây chè đã được xác định là cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, là cây xoá đói giảm nghèo và làm giàu của nông dân. Toàn tỉnh hiện có gần 16.000 ha chè, trong đó có trên 13.000 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 110.000 tấn/năm. Cơ cấu giống chè cũng được quy hoạch theo từng vùng: giống chè trung du chiếm 79,3%, giống chè mới được chọn lọc và lai tạo trong nước chiếm 18% và các giống chè mới nhập về từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 2,7%. Giá trị sản xuất bình quân đạt 16 triệu đồng/ha (tính theo giá chè búp tươi) và 36,5 triệu đồng/ha (tính theo giá chè búp khô). Riêng vùng thâm canh tập trung chè đặc sản, giá trị sản xuất đạt từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, một "thương hiệu" cho cây chè Thái Nguyên dường như còn quá xa lạ đối với người trồng chè và các doanh nghiệp ở Thái Nguyên. Người dân thì hầu như không biết đến, hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở một vài gia đình vốn nổi tiếng qua các cuộc thi chất lượng chè được tổ chức hàng năm tại tỉnh như: gia đình ông Trần Trọng Bình (xã La Bằng, huyện Đại Từ), gia đình ông Hoàng Văn Tiến (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên)...

Anh Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty chè Sông Cầu (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết: "Việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tập thể chè Thái Nguyên là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè vì đây là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có được "thương hiệu" cho chè Thái Nguyên, người làm chè cần phải tuân thủ một quy trình khép kín từ khâu chọn cây giống, cách chăm sóc đến công nghệ chế biến, quản lý chất lượng và quản lý sản phẩm trên thị trường".

Trăn trở của người trong cuộc

Trước thực tế trên, tháng 7/2006, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên phối hợp với Công ty sở hữu trí tuệ INVENCO tiến hành lập đề cương "Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên" nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho nông dân cũng như các doanh nghiệp trong vùng trồng chè, đặc biệt đưa chè Thái Nguyên trở thành hàng hoá xuất khẩu mang tính cạnh tranh cao, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm chè. Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức được 6 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người trồng chè về sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên nói riêng; trao đổi với người trồng chè và các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến chè về quyền lợi, và trách nhiệm, quy trình, thủ tục khi họ tham gia chương trình bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát thực địa tại một số vùng chè về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ, năng suất, chất lượng của sản phẩm chè cũng như những khó khăn, thuận lợi của người dân trong việc tham gia và quản lý nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Tháng 9/2006, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt lôgô chính thức của nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên để hoàn thiện hồ sơ bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và giao cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên sau khi nhãn hiệu được bảo hộ. Theo ông Vũ Bá Mười, Trưởng phòng quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên): khó khăn hiện nay là việc vận động người trồng chè, các tổ hợp tác và các doanh nghiệp áp dụng đúng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Cụ thể các thành viên khi đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể phải đáp ứng nghiêm ngặt một số tiêu chuẩn như: chế biến chè từ nguyên liệu tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên; cơ sở sản xuất, chế biến đóng trên địa bàn tỉnh; sản lượng sản phẩm chè ổn định hàng năm đạt từ 1 tấn thành phẩm chè búp khô trở lên; thành phẩm chè sản xuất có chất lượng ổn định... Điều này đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ, khoa học của đơn vị được giao quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể kết hợp với ý thức của mỗi hộ sản xuất, mỗi doanh nghiệp tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: những năm gần đây, diện tích và năng suất chè trong tỉnh đã tăng đáng kể, chất lượng giống được quản lý tốt, đa số người làm chè đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, công nghệ chế biến chè của Thái Nguyên vẫn còn lạc hậu, phân tán, chế biến thủ công quá nhiều (58% sản lượng). Do vậy, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó kiểm soát, các sản phẩm chè chưa đa dạng, mẫu mã đơn giản, thậm chí cùng chất lượng như nhau, nhưng lại có nhiều loại bao bì khác nhau. Các nhà máy chế biến chè công nghiệp chưa khai thác hết công suất, vào thời vụ sản xuất (từ tháng 5 đến tháng 11) chỉ có gần 1/3 doanh nghiệp khai thác được hết công suất của dây chuyền sản xuất, còn lại chỉ đạt 60% công suất do không mua đủ được nguyên liệu. Số doanh nghiệp sản xuất chè đen còn nhiều, đa số các nhà máy, doanh nghiệp chế biến chưa coi trọng tới hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Hầu hết hệ thống máy móc, thiết bị đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Liên Xô cũ...; đầu tư trùng lặp (chế biến cả chè đen và chè xanh) nên không đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Đây cũng là khó khăn lớn của ngành chè Thái Nguyên trên con đường xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tập thể. Hiện nay nhãn hiệu hàng hoá tập thể Chè Thái Nguyên đã được lập hồ sơ đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ và dự kiến đến đầu năm 2007 sẽ chính thức ra mắt trên thị trường. Đây là tin vui lớn đối với cây chè Thái Nguyên trong thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

Để tạo dựng được "thương hiệu" cho chè Thái Nguyên có sức chinh phục thị trường, không còn cách nào khác tỉnh Thái Nguyên chỉ có một con đường để chọn là chỉ đạo "4 nhà" cùng liên kết, cộng đồng trách nhiệm, khép kín từ khâu gieo trồng - sản xuất - chế biến đến tiêu thụ; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài nước, tránh tình trạng nhà sản xuất mặc "áo gấm, đi đêm", với mục tiêu đến năm 2010 nâng tổng diện tích chè lên trên 17.500 ha, trong đó có 50% diện tích sản xuất nguyên liệu chè xanh, 30% diện tích sản xuất nguyên liệu chè cao cấp và 20% sản xuất nguyên liệu chè đen, xuất khẩu 30% sản lượng chè./.

 



(Nguon tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường