Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“4 nhà“ liên kết sản xuất chè an toàn
25 | 07 | 2007
Diễn đàn Khuyến nông & Công nghệ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng tỉnh Phú Thọ tổ chức với chủ đề phát triển sản xuất chè an toàn vừa diễn ra tại tỉnh Phú Thọ đã thực sự nóng lên khi cả 4 nhà (Nhà nước, khoa học, doanh nghiệp, nông dân) cùng đăng đàn. Tiến sĩ Trần Văn Giá, Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam đã phải thốt lên: chúng tôi rất cám ơn các đơn vị tổ chức đã tổ chức diễn đàn rất kịp thời với sự tham gia của cả 4 nhà trong bối cảnh WTO đang nóng bỏng với ngành chè.
Hiện cả nước có khoảng 122.500 ha chè, tăng 47.700 ha so với năm 1999 (63,8%), trong đó, diện tích chè cho sản phẩm là 101.700 ha, tăng 41.491 ha (68,9%), giai đoạn 1996-2006 tốc độ tăng diện tích bình quân 6,2%/năm. Chè Việt Nam đang đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích và trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giải quyết việc làm cho 400.000 lao động, mỗi năm xuất khẩu đạt xấp xỉ 100 triệu USD. Trồng chè đã trở thành nghề truyền thống của nhiều địa phương. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Trần Văn Giá, giá chè xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng giảm. Nếu như năm 1999, xuất giá bình quân 1.333 USD/tấn, đến năm 2003 còn 1.000 USD/tấn, năm 2004 còn 968,5 USD/tấn và năm 2006 dù nhích lên 1.057 USD/tấn nhưng vẫn thấp thua so với 7 năm trước. Tiến sĩ Giá cho rằng, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của giá chè quốc tế giảm, giá chè xuất khẩu của Việt Nam giảm còn do chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường chè cấp cao về cả giống, phương pháp canh tác, chế biến.

Sản xuất chè an toàn đã được nhiều địa phương thực hiện như Thái Nguyên, Yên Bái, Mộc Châu (Sơn La) thông qua việc hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Chị Phạm Thị Nhàn, xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nói: gia đình đã có hơn chục năm trồng chè theo cách truyền thống mỗi lứa phun từ 2 lần đến 4 lần thuốc bảo vệ thực vật, nhưng mấy năm gần đây tôi đã thay đổi cách thức sản xuất trước hết là cho sức khỏe của mình khi trực tiếp phải đi phun thuốc nhiều lần. Giờ thì gia đình tôi đã dãn hẳn thời gian phun thuốc và cách làm này của tôi thấy rất đúng với quy trình sản xuất chè an toàn tại diễn đàn này.

Qua thực tế sản xuất, tại diễn đàn phát triển sản xuất chè an toàn, nhiều nông dân đã thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn trong quá trình sản xuất. Chị Nhàn đặt câu hỏi: hiện tại có quá nhiều loại phân bón, khiến nông dân rất lúng túng không biết sử dụng loại nào vừa hiệu quả, lại vừa an tòan. Ông Lê Minh Tiến, ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ băn khoăn sau khi đã có chè an toàn thì sẽ bán ở đâu, có ai đứng ra thu mua. Giải đáp thắc mắc này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Phó tổng Giám đốc, Tổng Công ty chè Việt Nam (Vinatea) khẳng định Tổng công ty chè sẽ là một địa chỉ thu mua chè chất lượng cao. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, nếu chỉ một gia đình làm chè an toàn thì không có ý nghĩa mà làm sao sản xuất chè an toàn trở thành ý thức của cả cộng đồng đạt lợi ích của bản thân và của người tiêu dùng. Và khi đó, chè đã có xuất xứ rõ ràng với số lượng lớn thì việc tiêu thụ sẽ trở nên dễ dàng. Tiến sĩ Trần Văn Giá khẳng định thêm, chè an toàn lúc nào cũng được tôn vinh bởi có lúc chè chất lượng của Việt Nam đã được bán với giá 1,8 đến 3 USD/kg. Chưa yên tâm với câu trả lời của những đại diện ngành chè, chị Hoàng Thị Trang, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đặt câu hỏi Nhà nước sẽ quản lý thế nào để phân biệt rõ ràng trong khâu thụ tiêu thụ giữa chè an toàn và chè đang sản xuất hiện nay. Chị Trang cho biết, cách tiêu thụ chè an toàn hiện nay chỉ là sự thỏa thuận, tin tưởng giữa người mua và người bán. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức, Chi cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ vừa ban hành Quy định quản lý sản xuất, chế biến và chứng nhận chè an toàn. Trong đó quy định các điều kiện sản xuất, chế biến chè an toàn bao gồm về nhân lực, đất trồng, phân bón, nước tưới, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, chế biến, bảo quan và điều kiện để sản phẩm được công nhân chè an toàn. Về góc độ quản lý địa phương, ông Nguyễn Thọ Cảnh Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, để hạn chế tình trạng tranh mua nguyên liệu, tỉnh đang thực hiện chính sách chỉ cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp đã xác định được vùng nguyên liệu. Tiến sĩ Trần Văn Giá đánh giá rất cao chính sách này và đề nghị các địa phương nên mở rộng cách làm này. Ông cho biết: Chúng tôi kiểm tra 20 nhà máy thì có tới 16 nhà máy sản xuất không đủ tiêu chuẩn chuyên ngành. Có quá nhiều doanh nghiệp ra đời sản xuất trong tình trạng thiết bị không an toàn, thiếu kiến thức, tranh cướp nguyên liệu của nhau thì làm sao đạt tiêu chí nguyên liệu an toàn và vô tình đẩy người trồng chè chạy theo lợi nhuận trước mắt. Vào WTO, sản xuất chè an toàn là vấn đề sống còn. Đã đến lúc phải có bàn tay Nhà nước trong việc ra quyết định phân vùng nguyên liệu cho các nhà máy, sắp đặt lại trật tự để tìm ra các nhà máy sản xuất an toàn.

Theo Bộ NN&PTNT mục tiêu phát triển đến năm 2010 các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ ổn định diện tích khoảng 93.000 ha đến 95.000 ha chè, trong đó chè sản xuất theo quy trình an toàn đạt 80% trở lên. Ngành chè sẽ đổi mới công nghệ thiết bị chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị chè chế biến để tăng gía bán bình quân khoảng 20% đến 30% so với năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 130 đến 150 triệu USD./.

Nguồn tin: Agroviet

Báo cáo phân tích thị trường