Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ế ẩm vùng chè Yên Bái...
11 | 08 | 2008
Tỉnh Yên Bái có 13.300ha chè, được coi là một trong những vùng chè lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc. Hiện đang chính vụ thu hái nhưng người dân chẳng mặn mà với cây chè. Thay cho hái bằng tay, có người mang liềm ra cắt chè...
Thảm hại giá chè

Vừa tãi những búp chè trên tay , bà Nguyễn Thị Bình, xã Hưng Thịnh bảo tôi: Bác nhìn xem chè em hái thế này cũng chỉ bán được 2.600đ/kg, đầu vụ còn được 3.200đ, nay giá đã rẻ nhưng đâu có tiền ngay. Bán cho nhà máy cũng nợ, bán cho các xe ôm cũng nợ. Không biết cuối vụ thế nào, nhưng cứ với giá như thế này người trồng chè không đủ tiền trả nợ phân bón. Như mọi năm, có người mua làm chè vàng giá đâu đến nỗi thế này. Năm nay người ta đuổi chè vàng ra, chúng em mới khốn khổ bác ạ…

Bà Bình cho tôi hay nhà bà có gần 8.000m2 chè, mọi năm người ta đến tận nhà đặt tiền mua để làm chè vàng, giá thấp nhất cũng được 3.500đ/kg, có lúc giá lên tới 4.500đ/kg, mà không phải phân loại. Bà lắc đầu “Cũng chẳng ghi chép sổ sách mấy đâu, tính trung bình giá chè cả vụ năm ngoái là 3.500-4.000đ/kg, nương chè nhà tôi đây thu khoảng 14-15 triệu, trừ chi phí phân bón, thuốc BVTV, công sá…còn được 7-8 triệu. Như giá chè như năm nay thì gia đình tôi chẳng dám đầu tư phân bón nhiều, giá lại đắt, đầu vụ chỉ bón một ít “làm thuốc”, thuốc BVTV cũng vậy thôi. Nhiều lúc chẳng muốn hái, giá rẻ quá, càng đầu tư càng lỗ bác ạ…”

Tôi leo lên tận đồi chè của gia đình anh Vũ Duy Tiên ở thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo-TP Yên Bái, vợ chồng anh thì hái chè phía trên cao, còn cậu con trai thì dùng chiếc liềm nhỏ “gặt” chè ở những luống thấp, nơi búp chè ra không đều, họ chẳng cần giấu giếm: Nhà em có 5 sào chè, giá năm nay thấp quá, chè hái tay như thế này giá cũng chỉ được ba mốt, ba hai (3.100 - 3.200đ/kg), còn chè gặt bằng liềm chỉ được hai mươi, hai hai là cùng. Chúng em tính cả rồi, giá chè cứ như thế này cả nương chè nhà em đây đến hết vụ trừ hết chi phí còn được 2 triệu. Cũng chán lắm, đang là lứa chè nếu không hái bỏ già thì phí. Bác bảo nhà nông không làm thì lấy gì ăn?

Nợ, nợ và nợ...

PGĐ Cty CP Chè Minh Thịnh, ông Nguyễn Huy Vùng đang trực tiếp điều hành mọi hoạt động SXKD của Cty. Ông thành thật: Tôi nghỉ hưu từ năm 2004, nhưng Cty mấy năm nay làm ăn thua lỗ, tài chính suy kiệt nên các cổ đông lại mời tôi ra làm việc. Chẳng giấu gì anh, Cty trước có gần 200ha chè, trước đây đã bán gần 40ha, mấy năm rồi bán tiếp gần 119ha, nay Cty chỉ quản lý 47ha, tất cả diện tích đó khoán cho công nhân thời hạn 25 năm.

Với phương thức: Cty ứng lương, ứng vật tư, phân bón không tính lãi, năng suất khoán từng lô từ 5-7 tấn/ha, Cty thu 20% sản phẩm theo giá thị trường. Họ tự đóng bảo hiểm, Cty chỉ là người nộp hộ…"Cũng giống như kiểu phát canh thu tô?" Tôi hỏi. Ông Vùng mỉm cười: Tựa như thế. Thực ra số thu từ SXNN chẳng đáng là bao…Ông giở sổ cho tôi biết giá thu mua trung bình chè búp tươi từ tháng 4 đến nay: Tháng 4+5, giá thu mua 2.814đ/kg, tháng 6 là 2.792đ/kg, tháng 7 là 2.656đ/kg. Giá chè tươi năm nay Cty chúng tôi thu mua cao chưa từng thấy so với nhiều năm trước, nhưng do bị trượt giá, nên giá chè của người lao động bán ra không tương ứng, họ chẳng mấy phấn khởi, nên công nhân cũng chẳng hào hứng tới ứng phân bón để chăm sóc chè…

Ông Vùng cho biết thêm: Cty có 4 nhà máy, trong đó 3 nhà máy: Hưng Thịnh, Báo Đáp, Nguyễn Phúc khoán cho một số người, thực ra cho họ thuê, họ tự thu mua, chế biến và tìm đầu ra, Cty chỉ quản NM Đồng Tâm. Mấy ngày nay NM chè Đồng Tâm ngừng SX không thu mua chè của dân, ông Vùng nói chè chưa đến lứa, tôi ngạc nhiên đang chính vụ chè mà không SX là điều khó hiểu. Tuy nhiên tôi nghĩ chắc có chuyện gì đây, nói chè chưa đến lứa là không thuyết phục.

Ông Vùng lắc đầu: Khách hàng nợ chúng tôi nhiều quá. Đến giờ này NM chè Đồng Tâm đã SX được gần 200 tấn chè khô, bán được hơn 150 tấn cho 3 Cty: Sông Lô, Thuý Hiền và Tân Trào. Nói thật với anh là họ nợ mình lâu quá, hợp đồng ghi rõ sau 10 ngày thanh toán gọn, ví dụ như Cty chè Sông Lô mua của chúng tôi từ 31/5 giá trị hợp đồng 461 triệu, nhưng đến nay đã là tháng 8 họ mới trả được 125 triệu, Cty Thuỷ Hiền nợ 1,7 tỷ. Là bạn hàng đòi nhau lãi suất ngân hàng thì còn ra gì nữa? Bởi thế, chúng tôi lấy vốn đâu mà làm ăn, trong khi đó ngân hàng không cho vay. Khó thế. Vậy nên chúng tôi cũng phải nợ, tất nhiên chỉ nợ các đại lý, còn nông dân bán thẳng chè cho nhà máy thì chúng tôi trả tiền ngay. Thực ra là anh nọ chiếm dụng vốn của anh kia, nợ và nợ mà…

Không riêng gì Cty CP chè Minh Thịnh nhiều Cty chè có “máu mặt” cũng tương tự. Có vị nói do chưa ký được hợp đồng bán hàng nên SX cầm chừng, có vị nêu lý do ngân hàng không có tiền cho vay nên mua chè của dân phải nợ, khi nào bán được hàng thì trả. Họ chả cần giấu giếm: lãi suất ngân hàng bây giờ là 1,75%, không biết kinh doanh kiểu gì cho lại, trong lúc mua chè của dân còn nợ được, nên chả tội gì phải vay ngân hàng. Bởi thế, nhiều Cty mua chè của dân chiếu lệ, đủng đỉnh, họ chẳng vội gì, có ai cạnh tranh đâu mà sợ. Đang giữa vụ thu hái, nhưng vùng chè Yên Bái ế ẩm và nhiều u ám lắm…



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường