Cuộc đại tu nông nghiệp Nhật Bản khiến nông dân có quyền bán nông sản của mình với giá phù hợp với giá thị trường giúp nền nông nghiệp Nhật Bản hội nhập sâu vào thị trường nông sản thế giới. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp Nhật Bản vốn được bảo hộ mạnh trong nhiều thập kỷ qua chuyển sang hướng tự do hóa. Việc mở thị trường nông sản Nhật Bản sẽ có lợi cho các nước hàng đầu về xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, Pakistan. |
Hãng tin Kyodo News dẫn lời Thứ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Shigeru Ishiba nói tại một cuộc họp báo rằng Nhật Bản sẽ nghiên cứu mọi biện pháp có thể nhằm đại tu hệ thống nông nghiệp. Ông Shigeru Ishiba cho biết chính sách lúa gạo của nhà nước phải được rà soát lại vì một số nông dân không tuân thủ việc cắt giảm sản xuất vẫn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ nông dân của chính phủ. Nhật Bản dự định sẽ thực hiện một cuộc cải cách nông nghiệp sâu rộng bắt đầu từ năm tài chính 2010.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang áp dụng chính sách nông nghiệp được thông qua từ năm 1971 để kiểm soát giá gạo sau khi sản lượng lúa gạo sản xuất trong nước vượt quá nhu cầu tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ hỗ trợ nông dân bằng cách xuất tiền ngân sách ra mua gạo cho dân mỗi khi gạo rớt giá.
Trên thực tế, đây là việc thực thi chính sách trợ cấp của chính phủ Nhật đối với ngành nông nghiệp trong nước từng tồn tại nhiều thập kỷ qua. Mỗi khi sản xuất gạo trong nước rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, chính phủ Nhật yêu cầu nông dân giảm bớt diện tích trồng lúa đồng thời chuyển sang trồng màu. Báo Asahi cho biết tại thời điểm thừa gạo nhiều nhất, diện tích đất trồng lúa ở Nhật Bản giảm đến 40 phần trăm.
Từ năm 1971 đến nay, chỉ những nông dân nào tham gia chương trình điều tiết lúa gạo phù hợp với chính sách của chính phủ mới được hưởng tiền trợ cấp.
Đổi lại, tất cả những hộ nông dân thực hiện chương trình điều tiết của chính phủ đều phải bán nông sản của mình thông qua các hợp tác xã để duy trì mức giá cao ổn định. Đây được xem là một hàng rào phi thuế quan nhằm hạn chế việc nhập khẩu nông sản, đặc biệt là gạo vào Nhật Bản.
Nếu thực hiện đại tu nông nghiệp, nông dân Nhật Bản sẽ không phải thực hiện việc chọn loại cây trồng và diện tích canh tác trồng lúa và màu theo chính sách cũ của chính phủ về nông nghiệp.
Họ cũng không phải bán nông sản cho các hợp tác xã nữa mà toàn quyền bán theo giá thị trường. Nông dân sẽ có toàn quyền quyết định trồng bao nhiêu, cây gì trên mảnh đất của mình theo nhu cầu của thị trường.
Tất nhiên, nông dân cũng sẽ phải chịu hậu quả trực tiếp của sự giảm sâu giá nông sản theo qui luật thị trường vì họ không còn được nhận trợ cấp về tài chính của chính phủ nữa.
Báo Asahi Shimbun cho biết, theo thống kê năm 2007, 30 phần trăm hộ nông dân không tham gia chương trình trợ cấp nông nghiệp của chính phủ. Như vậy, trong thời gian tới, với việc áp dụng chính sách mới, số lượng các hợp tác xã thu mua nông sản ở Nhật Bản có thể giảm đáng kể.