Để cứu các DN, giữ việc làm cho người lao động, ngày 12-3 phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Trung đã ký văn bản khẩn kiến nghị Bộ Công thương tạm thời chưa áp dụng quy định thời gian giờ cao điểm như hiện nay (9g30-11g30 và 17g-20g từ thứ hai đến thứ sáu). Theo đó, thời điểm trên DN sử dụng điện phải mua điện với giá gấp đôi bình thường.
Vừa làm vừa... xem đồng hồ
9g ngày 12-3, ông Trần Văn Thái - chủ DNTN lau bóng gạo Thắng Đạt ở cụm công nghiệp An Thạnh (Tiền Giang) - đi tới đi lui xem công nhân làm việc, vài phút ông lại nhìn đồng hồ. “Sắp tới giờ cao điểm 9g30 rồi, phải cho máy nghỉ chứ chạy trong giờ này sẽ bị lỗ” - ông Thái giải thích. Kim đồng hồ chỉ 9g30. Công nhân báo vẫn còn khoảng 500kg gạo chưa lau xong.
Cùng lúc đó khách hàng gọi điện tới “cằn nhằn”, đòi bồi thường do giao hàng trễ hẹn. Ông Thái quyết định tiếp tục hoạt động. 9g50, dàn máy lau bóng gạo xuất khẩu của DNTN Thắng Đạt mới dừng hẳn. Hơn chục công nhân “thất nghiệp” ngồi chờ cho tới 11g31 mới khởi động máy trở lại.
Sẽ xem xét các phản hồi Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-3, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết hiện cơ quan này chưa nhận được văn bản của các địa phương “kêu” về khó khăn khi áp dụng quy định giá điện mới và thời gian tính giờ cao điểm. “Bộ sẵn sàng lắng nghe những phản hồi, khúc mắc trong thực thi để sửa đổi kịp thời cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, quy định về thời gian giờ cao điểm khi điều chỉnh giá điện từ 1-3 là để doanh nghiệp phát huy tiết kiệm, điều chỉnh hợp lý thời gian sản xuất, tránh làm căng thẳng thêm thiếu điện trong giờ cao điểm” - ông Hào nhấn mạnh. Ông Hào cho rằng hiện doanh nghiệp chủ yếu làm hai ca đêm và ngày, trong khi có thể sản xuất thêm ca ba, tổ chức làm thêm ở ca đêm để tiết kiệm điện. Bộ Công thương sẽ xem xét các phản hồi và kiến nghị, tuy nhiên sẽ chỉ sửa đổi nếu các quy định vừa ban hành bất hợp lý. |
Tương tự, thời điểm trên nhiều nhà máy xay xát, lau bóng gạo tại cụm công nghiệp An Thạnh và chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cũng tạm ngưng hoạt động để “né” giờ cao điểm. Ông Nguyễn Đình Viễn, DNTN Vũ Phong Phú, cho rằng quy định giờ cao điểm trong buổi sáng là rất bất hợp lý. Không chỉ DN xay xát gạo, ban giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 mấy ngày nay như ngồi trên đống lửa khi phòng thiết bị điện tính toán chi phí tăng lên. Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, trước đây công ty làm việc bắt đầu từ 7g30 cho đến 18g. Toàn bộ khoảng thời gian này được ngành điện xếp vào giờ sản xuất bình thường, bởi khi đó giờ cao điểm chỉ tính từ 18g-22g. Nay với cách tính mới, công ty bị đội lên ba giờ sản xuất trong giờ bình thường thành ba giờ sản xuất của giờ cao điểm.
“Thật khó hiểu khi lại quy định giờ cao điểm vào hai thời điểm nói trên, bởi không có một doanh nghiệp nào không sản xuất trong khoảng thời gian đó” - ông Hồng bức xúc. Ông Hồng tính toán với cách tính giờ cao điểm hiện nay, chỉ riêng chi phí tiền điện bị đội mà công ty phải trả ước lên đến 700 triệu đồng trong năm 2009.
Công ty cổ phần giày Thái Bình (Bình Dương) cũng đau đầu với cách tính giá giờ cao điểm mới. Với thời gian làm việc trung bình 8 giờ/ngày, Thái Bình bị “dính” hai giờ làm việc cao điểm tầm 9g30 đến 11g30.
Một cán bộ phụ trách điện sản xuất của công ty cho biết trước ngày 1-3, giờ cao điểm được điện lực tính mức 1.715 đồng/kWh, giờ sản xuất bình thường tính 860 đồng/kWh. “Sau khi thay đổi cách tính giá giờ cao điểm, chúng tôi tính toán một ngày làm việc tám giờ, trong đó có hai giờ bị tính là giờ cao điểm thì giá điện đội lên 24,7% so với trước. Còn nếu không bị dính hai giờ cao điểm thì giá điện mới tăng khoảng 33,4% so với giá cũ” - ông này nói.
Lợi ít, hại nhiều
Theo ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (trụ sở tại KCN Mỹ Tho, Tiền Giang), quy định tính tiền điện giờ cao điểm như hiện nay đã làm ngành chế biến thủy sản xuất khẩu “chết đứng”. Công ty Hùng Vương có năm nhà máy ở các tỉnh ĐBSCL với hơn 6.000 công nhân hoạt động theo quy trình khép kín nên không thể ngưng hoạt động để “né” giờ cao điểm như một số ngành nghề khác. “Ngành chế biến thủy sản có đặc thù là nếu bị cúp điện hoặc ngưng hoạt động đột ngột thì coi như tôm cá hư hết” - ông Minh bức xúc.
Theo tính toán của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu, việc phải trả tiền điện giờ cao điểm 2 lần/ngày như hiện nay đã góp phần đẩy giá thành sản phẩm tăng thêm khoảng 100 đồng/kg. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương kích thích sản xuất - tiêu dùng mà Chính phủ đang thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Chí, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng trong lúc nhiều DN đang phải vật lộn với thua lỗ nay phải thực hiện cách tính tiền điện giờ cao điểm hiện nay sẽ làm họ kiệt quệ hơn.
“Nếu gồng mình sản xuất luôn trong giờ cao điểm thì chi phí giá thành sản phẩm sẽ tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh. Nhiều ngành nghề sẽ gặp tình trạng chất lượng sản phẩm không đồng đều. Và hậu quả xảy ra là DN ngưng hoạt động vì thua lỗ kéo dài, người lao động mất việc làm” - ông Chí phân tích.
Giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm Theo ông Đỗ Ngọc Tài - phó tổng giám đốc Công ty chế biến thủy sản Kim Anh (Sóc Trăng), bình quân các xưởng sản xuất của công ty sử dụng khoảng 2 tỉ đồng tiền điện/tháng, nếu tính thêm một mốc thời gian giá điện giờ cao điểm từ 9g30-11g30 thì mỗi tháng tiền điện sẽ tăng thêm 7-8%, sẽ làm giá thành sản phẩm tăng lên trong khi hiện nay doanh nghiệp nào cũng muốn giá thành sản phẩm thấp để dễ tiếp cận thị trường. Theo ông Thái Tuấn - giám đốc Công ty chế biến bánh pía và lạp xưởng Tân Huê Viên (Sóc Trăng), trong khi Chính phủ đang tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhưng ngành điện lại tính thêm giá điện giờ cao điểm vào buổi sáng đã làm giảm sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm sản xuất trong nước. |