Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân đang thực lãi bao nhiêu?
10 | 03 | 2009
Cục Trồng trọt khẳng định nông dân đang lời 2.500-2.700 đồng/kg lúa nhưng nông dân khẳng định chỉ lời khoảng 1.000-1.500 đồng/kg, chưa kể rủi ro.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) từng khẳng định hiện nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang có lãi cao từ việc sản xuất lúa khi lợi nhuận đạt được 30%-50% so với trước. Thực tế lợi nhuận đạt được ra sao và liệu giá lúa thu mua được xem là cao từ doanh nghiệp sẽ kéo dài được bao lâu?

Cách tính chưa sát

Cách tính mà Cục Trồng trọt đưa ra để tính lợi nhuận của nông dân dựa trên các chỉ tiêu đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cán, nợ vay... mà nông dân phải bỏ ra. Ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết theo cách tính này thì đầu vào trồng lúa vụ mùa đông-xuân khoảng 2.200-2.300 đồng/kg trong khi giá lúa đã phơi khô hiện nay bán 4.700-5.000 đồng/kg. Đem giá bán trừ đi chi phí đầu vào thì ước tính nông dân đang lời 2.500-2.700 đồng/kg. Bình quân của vụ đông-xuân, nông dân đang có lãi 30%-50% so với trước.

Theo ông Dư, lợi nhuận cao mà nông dân thu được của vụ đông-xuân chỉ có trong năm nay. Nguyên nhân là từ đầu năm, xuất khẩu lúa đang có chiều hướng tốt nên doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao. Trong một vài năm trở lại đây, tình hình lương thực trên thế giới có nhiều sự bất ổn, tạo thuận lợi cho những nước xuất khẩu lương thực.

Tuy nhiên, nhiều nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long cho rằng trên thực tế mức lợi nhuận không thể đạt cao như vậy! Ông Nguyễn Văn Thức, một nông dân ở xã Tân Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh) tính toán: Trong mùa vụ đông-xuân, gia đình ông thu hoạch được 2,4 tấn lúa từ sáu công đất (xấp xỉ 6.000 m2). Hiện thương lái thu mua lúa khô với giá 4.200 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, mỗi kg lúa chỉ lời trên 1.000-1.500 đồng.

Ông Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, từng là viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng cách tính của Bộ NN&PTNT lấy số tiền thu được từ việc bán lúa trừ đi chi phí đầu vào mà không tính hao hụt, công sức lao động nông dân bỏ ra hàng ngày sẽ không chính xác.

Là người từng gắn bó rất nhiều năm với ngành lúa, ông Bửu khẳng định: “Thu nhập của nông dân hiện nay đang rất thấp. Ngay cả việc nếu lợi nhuận đạt được như cách tính của Cục Trồng trọt thì vẫn còn thấp nếu so với một số nước có lượng lúa gạo xuất khẩu cao”.

Mỗi năm “bốc hơi” 3-4 triệu tấn lúa gạo

Một số doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu gạo cho biết sơ đồ giá lúa năm nay cũng tương tự năm 2008, nghĩa là chỉ tăng giá vào đầu năm. Theo ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Vinh Phát, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đối với ngành lương thực thì khó đoán trước được giá. Hiện nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua để giao kịp các hợp đồng ký kết với đối tác vào đầu năm. Tuy nhiên, một thời gian nữa, khi áp lực thu mua ít đi thì giá lúa sẽ giảm theo.

Ông Bùi Chí Bửu đánh giá: Các nước xuất khẩu gạo lớn ít khi rơi vào tình trạng giá lúa lúc lên lúc xuống như ở Việt Nam. Tại Thái Lan, Ấn Độ, các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư ngay từ khi nông dân xạ giống rồi bảo đảm thu mua, phơi sấy cho nông dân. Còn ở nước ta, các tổng công ty lương thực chỉ lo khâu xuất khẩu mà thiếu sự đầu tư kho bãi dự trữ, hệ thống sấy khô... Chính điều này tạo nên sự thiếu ổn định cho ngành lúa gạo trong nước. Ước tính mỗi năm, riêng đồng bằng sông Cửu Long bị “bốc hơi” đi 3-4 triệu tấn lúa thiếu kho trữ, kỹ thuật sấy yếu làm lúa hỏng, mốc. Tổn thất này thì không ai tính toán được và đều dồn về phía nông dân. Và thiết nghĩ phải tính cả những rủi ro này vào chi phí chứ không thể máy móc “tính thiệt hơn” lợi nhuận của nông dân như Cục Trồng trọt đã tính.

Giá lúa phụ thuộc vào việc dự báo

Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT soạn thảo đề án xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa gạo hiện đại, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng công suất bốn triệu tấn nhằm nâng cao chất lượng nông sản và tính cạnh tranh, đảm bảo khả năng dự trữ phục vụ xuất khẩu.

Bắt đầu từ năm nay, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (gọi tắt là Ipsard) thuộc Bộ NN&PTNT được giao nhiệm vụ thực hiện công tác dự báo các ngành hàng nông sản. Trong năm 2009, Ipsard sẽ chú trọng theo dõi diễn biến thị trường đối với lương thực, cà phê và chăn nuôi.

Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard, công tác dự báo tổng quan ngành nông nghiệp và các ngành hàng nông sản riêng biệt được các nước phát triển thực hiện định kỳ và thường công bố vào tháng 3 hàng năm. Giới đầu tư, nhà sản xuất, nhà xuất nhập khẩu hay người bán lẻ đều quan tâm tới các dự báo này và xem đó là cơ sở để đưa ra quyết định kinh doanh.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường