Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nợ cũ đè nợ mới
19 | 11 | 2008
Hạt thóc để chưa nóng thúng, con tôm con cua chưa kịp phổng phao, nhiều nông dân đã tất tưởi bán đi để chi trả nợ nần. Nếu không cũng sẽ bị xiết, bị o ép; một bộ phận lớn nông dân đang chịu chi phối bởi những “luật ngầm” của những chủ nợ khiến khó khăn thêm chồng chất…
Vay nợ để… trả nợ

Tôi tìm gặp ông Lường Ngọc Hùng (thôn 3 – xã Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hoá) - một trong số ít ỏi những người còn kiên trì bám trụ lại với đồng tôm Quảng Khê cho đến bây giờ. Túp lều tranh, nơi trú ngụ của cả gia đình 3 người nằm giữa cánh đồng nước bạc phếch sau đợt mưa lớn cuối tháng 10. Dẫn chúng tôi ra đầm tôm, ông Hùng lắc đầu ngán ngẩm: "Chỉ cần một trận mưa như vừa qua là độ mặn tụt xuống. Tôm đang khoẻ mạnh có thể lăn ra chết bất kỳ lúc nào."

Ông Lường Ngọc Hùng: “Đến hạn, tôi buộc phải tháo đầm bán tôm non để trả nợ"

Năm 1995, ông Hùng thuộc diện những người đầu tiên vay vốn xuống vùng đất mặn ven sông Yên quai bờ nuôi cá, rồi nuôi tôm, cua. Oái oăm thay, số tiền 30 triệu đồng ông thế chấp sổ đỏ vay của Ngân hàng NN&PTNT từ năm 1995 đến nay vẫn chưa trả được. Ông Hùng nhẩm tính, suốt từ năm 2000 đến nay, chỉ có năm 2007 là trúng được một ít. Có năm may mắn thì hoà vốn, còn lại hầu hết lỗ nặng. Tôm, cua cứ lớn bằng ngón chân bữa nay còn khoẻ mạnh, bữa mai đã chết vàng ao. Mỗi lần như vậy chẳng còn cách nào là lại đi vay nợ lãi mua giống về thả tiếp.

Đồng tôm nay trở thành đồng cói

Bây giờ thì số nợ của ông Hùng đã lên tới 90 triệu. Ngoài khoản nợ 30 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp suốt 13 năm nay chưa trả, 60 triệu còn lại vay ở khoảng 10 chủ cho vay nặng lãi. Chỗ lãi thấp nhất là 2%/tháng. Chỗ cao lên tới 4%/tháng.

Tính chung, mỗi tháng vị chi ông Hùng phải trả 2,4 triệu tiền lãi, mỗi năm gần 30 triệu. Số tiền lãi này dĩ nhiên ông không thể có trả đều đặn mỗi tháng. Thường thì bao giờ chủ nợ đòi dữ quá mới gộp lại trả một lần. Gặp lúc có mớ tôm mớ cá hay con vịt con ngan đem bán thì còn đỡ. Lúc không có vợ ông Hùng lại phải đi vay tiền lãi tới 3 – 4%/tháng để trả tiền lãi cho một mối nợ nào đó.

Khốn khổ hơn, có những lúc chủ nợ đòi tiền lãi hay thu hồi vốn quá gấp. Ông Hùng chẳng còn đường nào vay "nóng" nữa đành phải tháo ao vớt tôm non bán bớt trả nợ. Ao tôm nước đang ổn định, lại phải thay nước đột ngột, cho nước ô nhiễm từ sông Yên vào khiến tôm bị sặc nước, lăn ra chết như ngả rạ. Nợ nần lại thêm bung bét..

Những khoản nợ chồng lên nhau, lãi mẹ đẻ lãi con khiến vợ chồng ông đứng ngồi không yên. Tài sản lớn duy nhất bây giờ là chiếc xe máy đã mang đi cắm ở hiệu cầm đồ 7 lần để trả nợ lãi tháng.

Khi gạo Tám không còn… thơm

Xã Hải Toàn (Hải Hậu, Nam Định) nổi tiếng với hạt gạo Tám Xoan. Thế nhưng ít ai biết rằng, mỗi hạt gạo Tám Xoan đang gánh trên mình một số nợ lãi.

Tôi về Hải Toàn đúng vào vụ gặt. Nhà nhà nhộn nhịp gặt hái. Thóc Tám Xoan tròn mẩy, vàng ươm phơi đầy các sân. Lúa Tám Xoan vụ này bán giá hơn 700 nghìn/tạ. Bắc Hương Trung Quốc 680 nghìn/tạ - vậy là giá cao quá, khá rồi! Anh Đỗ Văn Viu (thôn 1, xã Hải Toàn) phân trần: khá gì, vụ này lỗ to!

Năng suất lúa Bắc Hương Trung Quốc vụ này 1 tạ/sào. Quy ra tiền chưa tới 700 nghìn. Trừ tiền đạm lân, kali, tiền giống đã mất hơn 300 nghìn. Vụ này bệnh cháy rầy kéo dài tới lúc gặt, tốn cả trăm nghìn tiền thuốc sâu/sào. Nếu tính cả công cấy, gặt, làm cỏ, phun thuốc rồi tiền tuốt lúa thì coi như “huề”. Còn nếu tính cả lãi suất của chi phí thì lỗ nặng.

Đầu tư cho cây lúa cũng phải đi vay nợ lãi

Theo như anh Viu phân tích thì bây giờ tất tần tật những khoản đầu tư cho cây lúa của nông dân Hải Toàn thực chất đều phải vay nợ lãi của các chủ đại lí. Cụ thể như phân bón, thuốc sâu, giống hết hơn 400 nghìn/sào nhà nào cũng đi mua chịu. Đổi lại, các chủ đại lí sẽ tính lãi suất theo mức của Ngân hàng, như vụ này là 1,75%/tháng. Đến cuối vụ, hộ nào cũng phải cun cút mang cả lãi cả gốc ra trả cho đại lí đầy đủ và đúng hạn. Ai chây ỳ thì vụ sau hết đường mua nợ. Riêng công cày 75 nghìn/sào, các ông chủ máy cày sẽ “bắn” vào Sổ thu sản lượng của HTX, và cũng tính lãi 1,75%/tháng, đến cuối vụ phải trả cùng với tiền sản lượng.

Như hộ của anh Viu vụ này có 1,3 mẫu đất. Công cày và tiền giống hết gần 2 triệu - phải chịu lãi trong 3 tháng; tiền phân bón và thuốc sâu hết 4,5 triệu - chịu lãi hơn 2 tháng. Tổng số tiền lãi đến khi bán lúa trả nợ của anh Viu sẽ vào khoảng gần 300 nghìn/vụ. Trung bình mỗi sào phải gánh tiền lãi 23 nghìn đồng/vụ.

Tôi vào nhà của ông Nguyễn Văn Bạn (xóm 9, xã Hải Toàn). Nhà ông Bạn có tới 2 mẫu ruộng mới thu hoạch nhưng trong nhà chỉ còn dăm bao thóc. Số thóc mới thu hoạch phơi vừa khô ông Bạn phải bán ngay để trả nợ cho đại lí, cho chủ cày, cho Uỷ ban…

Điều tra của chúng tôi ở 50 hộ dân tại xã Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hoá) cho thấy: có 31,3% số hộ dân lâm vào nợ nần vì làm ăn thua lỗ, thất bát mùa màng và dịch bệnh”.

Tỉ lệ này trong số 30 hộ dân ở xã Bồ Đề (huyện Bình Lục, Hà Nam) chỉ là 6,7%.

Không riêng gì Hải Hậu, khi chúng tôi về nhiều địa phương ở Thanh Hoá, Hà Nam…, nông dân làm ruộng hầu như ở đâu cũng phải chấp nhận cảnh “vay đầu vụ, trả cuối vụ” như vậy.

Những “luật ngầm”

Trở lại với chuyện ngư dân xã Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hoá) đi vay nợ chủ buôn hải sản. Có đến 90% ngư dân ở Quảng Thái bây giờ mắc nợ các chủ buôn. Người ít thì vài triệu, người nhiều chín, mười triệu.

Khi được hỏi về món nợ của chủ buôn hải sản, anh Lê Ngọc Hàn (thôn 6, xã Quảng Thái) gãi đầu gãi tai không nhớ nỗi mình đã từng vay bao nhiêu tiền, vay bao nhiêu lần ở các chủ buôn. Anh cho biết chỉ đến lúc đánh được hàng xuất khẩu đem bán, họ trừ nợ dần và chỉ cho "dư nợ" khoảng 5 triệu trở lại mà thôi. Khoản nợ này kéo dài hết năm này qua năm khác. Thường thì để “giữ mối”, các ông chủ ở đây luôn để cho ngư dân duy trì nợ, thường là từ 3 - 5 triệu/hộ.

Một "luật ngầm" được đặt ra là ngư dân vay tiền của ông chủ nào một lần, dù ít hay nhiều thì phải bán tất hải sản xuất khẩu như sứa, cá bơn, tôm, ghẹ, ốc... cho chủ đó. Dĩ nhiên giá phải thấp hơn ngoài thị trường. Ví dụ sứa chân giá thị trường 110 nghìn đồng/tạ thì chủ buôn chỉ nhập với giá 90 nghìn đồng/tạ.

Tôi thắc mắc với anh Trương Đình Xinh (thôn 5 xã Quảng Thái) - hiện còn nợ chủ buôn 5 triệu đồng rằng, tại sao không trả nợ cho họ rồi chọn nơi giá cao để bán? Anh Xinh giải thích: Chủ buôn họ không đòi. Vả lại phải giữ chữ "tín" như vậy để lần sau không may bị mất lưới hay có việc đột xuất còn tới họ để vay. Họ biết mình "bán chui" thì lần sau hết chỗ bám víu. Những đồ nghề như lưới cứ 3 tháng phải làm lại một lần, bè mảng 2 năm phải thay mới... Ngày thường làm được đồng nào "xào" đồng ấy, đến lúc tu sửa đồ nghề ắt lại phải vay họ.

Thực ra, ngư dân ở Quảng Thái cũng chẳng biết cụ thể “giá trị thực” của những hải sản họ đem bán cho đầu nậu giá bao nhiêu. Bởi các chủ đầu nậu này thường thống nhất với nhau một giá chung cho một loại hải sản nào đó. Đôi khi, ngư dân biết chủ nậu của họ “mua rẻ” so với chủ nậu khác nhưng vì nể nang cũng không giám nói. Nếu có nói thì chủ nậu bảo “chưa kịp tăng giá”, vậy là xong!

Những kiểu nông dân mắc nợ như ở Hải Toàn (Hải Hậu, Nam Định) hay Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hoá) chung quy lại thì chính nông dân luôn là người “lép vế” so với giới chủ buôn vốn cũng sống nhờ vào họ.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường