586 tỉ USD: cái giá của một ngôi sao
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa tuyên bố thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ, tức 586 tỉ USD, để cải thiện tình hình kinh tế và tài chính trong nước. Ông Nicholas Lardy, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận xét: “Quyết định này rõ ràng đã biến ông Hồ Cẩm Đào trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng tại cuộc họp thượng đỉnh G20”.
Trong một cuộc họp báo gần đây tại Bắc Kinh, ông Nghi Cường, phó thống đốc ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói: “Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động trợ giúp để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay”. Theo giới quan sát quốc tế, đây là một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang sẵn sàng hỗ trợ IMF trong việc giúp các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu. Do đó, dù Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất tổ chức hội nghị này và Tổng thống Mỹ Bush là người đồng ý chủ trì hội nghị, nhưng nước được trông chờ nhất lại là… Trung Quốc.
Ông Simon Johnson, chuyên gia kinh tế thuộc viện Công nghệ Massachusetts (MIT), kiêm kinh tế trưởng của IMF, nhận định: “Trong thời gian chờ chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Bush sang Tổng thống mới đắc cử Obama, có thể châu Âu hay Trung Quốc sẽ lợi dụng giai đoạn chuyển tiếp này tại Mỹ để áp đặt những định chế tài chính thế giới mới”.
EU – Mỹ bất đồng, Trung Quốc “im lặng”
Đại sứ Anh tại Mỹ, ông Nigel Sheinwald tuyên bố: “Chúng tôi biết giai đoạn chuyển giao quyền lực là một giai đoạn khó khăn cho nước Mỹ, nhưng chúng tôi không thể chờ được vì đây là những vấn đề hết sức quan trọng”.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ tuyên bố chống lại bất cứ mưu toan nào nhằm tạo ra những cơ quan điều hành tài chính có thẩm quyền xuyên biên giới, điều mà Pháp đã từng bàn tới. Mỹ cũng phản đối việc kiểm soát các quỹ đầu tư mạo hiểm, điều mà người Đức muốn thực hiện. Mỹ cũng không mặn mà với kế hoạch của Anh tăng cường nguồn lực tài chính của IMF.
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu tái diễn. EU cũng muốn phối hợp với các nước trong việc quản lý tài chính. EU muốn IMF có một khả năng tài chính mạnh hơn dành cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, nhưng điều đó đã vô tình giúp cho các nước thừa tiền mặt như Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu có một tiếng nói quan trọng hơn trong các hoạt động của IMF.
Ngay cả giữa các nước châu Âu vẫn có những bất đồng về cách thức hành động. Quyết tâm của người Pháp mạnh hơn của người Anh trong việc kêu gọi sự phối hợp quốc tế chặt chẽ hơn về các định chế tài chính toàn cầu. Còn người Đức thì lại thận trọng với việc ký kết các thoả ước tài chính vì họ sợ phải chi tiền cứu trợ cho các nước láng giềng.
Giữa những bất đồng đó, lập trường của Trung Quốc về các định chế tài chính toàn cầu vẫn còn là một điều bí ẩn, thậm chí đối với những chuyên gia đang theo dõi sát sao tình hình của nước này. Trung Quốc sẽ sử dụng lá bài chủ như thế nào? Bí mật đó có lẽ sẽ được hé lộ tại hội nghị thượng đỉnh lần hai của 20 nước vào cuối tháng tư tới, khi Mỹ đã có tổng thống mới.