Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những điều cần biết về ngoại thương Trung Quốc(2)
29 | 08 | 2007
 Ngoại thương phản ánh thành tích của sự phát triển kinh tế chung. Ngoại thương cũng gắn với các cuộc cải cách kinh tế của đất nước
2. Những xu hướng

  2.1. Những xu hướng

  Ngoại thương phản ánh thành tích của sự phát triển kinh tế chung. Ngoại thương cũng gắn với các cuộc cải cách kinh tế của đất nước. Năm 1996, tổng giá trị kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc chiếm hơn 40% GNP so với mức xấp xỉ 30% của năm 1990.

  a) Xu hướng trước các cuộc cải cách kinh tế

  Tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc từ năm 1960 đến năm 1979 có thể chia ra thành 3 giai đoạn. Từ năm 1960 đến 1970, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm chỉ đạt 3,5%. Nhập khẩu và xuất khẩu trong thời kì này tăng thứ tự là 1,8% và 2%. Trước năm 1972, trị giá kim ngạch ngoại thương đạt dưới mức 46,4 tỉ USD. Đây là một mức thấp đối với một nước như Trung Quốc. Từ năm 1970 đến năm 1977, chính quyền đã áp dụng những biện pháp để điều chỉnh tốc độ tích luỹ quá cao, chú ý cải thiện mức sống và chú trọng đến phát triển kinh tế. Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm đạt 6,1% tốc độ tăng trưởng trung bình của nhập khẩu và xuất khẩu trong thời kì này là 21,8% và 19,3%. Từ cuối những năm 1970, chính sách mở cửa kinh tế và chương trình hiện đại hoá được áp dụng và ngoại thương được khuyến khích phát triển, được coi là một phần trong chương trình hiện đại hoá.

  b) Xu hướng từ năm 1980 tới 1990

  Cải cách kinh tế bắt đầu từ năm 1979 đã khuyến khích mạnh sự phát triển ngoại thương. Năm 1970 tổng trị giá ngoại thương là 4,6 tỉ USD, đến năm 1979 đã tăng lên tới 29,4 tỉ USD và tiếp tục tăng tới 53,6 tỉ USD vào năm 1984. Năm 1981, xuất khẩu đã tăng tới 22 tỉ USD, làm cho Trung Quốc lần đầu tiên có tỉ trọng xuất khẩu trên 1% trong tổng xuất khẩu của thế giới. Năm 1984 Trung Quốc đứng hàng thứ 18 trong các nước xuất khẩu của thế giới. Do tăng nhập khẩu nguyên liệu cần thiết, thiết bị tiên tiến, thiết bị toàn bộ và một số hàng tiêu dùng nhất định nên trị giá nhập khẩu năm 1984 đạt 27,41 tỉ USD. Lần đầu tiên trong thời kì 1981 - 1984 thâm hụt mậu dịch của Trung Quốc là 1,27 tỉ USD. Trong kế hoạch năm năm lần thứ bảy (1986 - 1990), ngoại thương phát triển nhanh và ổn định. Tổng kim ngạch ngoại thương đạt 486,4 tỉ USD, trong đó nhập khẩu thiết bị và xuất khẩu tiếp tục tăng.

  c) Xu hướng từ năm 1991 đến 1996

  Trong kế hoạch năm năm lần thứ tám (1991 - 1995) ngoại thương của Trung Quốc tăng một cách đáng kể. Sự phát triển nhanh chóng của ngoại thương là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển nhanh, ổn định và lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Trong kế hoạch năm năm lần thứ tám, tổng trị giá ngoại thương đạt 1,01 nghìn tỉ USD, gấp hơn 2 lần trị giá đạ được trong kế hoạch năm năm lần thứ bảy. Xuất khẩu đạt 518,4 tỉ USD, tăng hơn mức đạt được trong kế hoạch năm năm lần thứ bảy là 122,9% với tốc độ tăng trung bình năm là 19,1%, cao hơn so với tốc độ tăng trong cùng thời kì. Nhập khẩu đạt trị giá 496 tỉ USD, tăng 95,4% so với thời kì kế hoạch năm năm lần thứ bảy. Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục được cải thiện. Tỉ trọng các sản phẩm chế tạo trong tổng xuất khẩu là 85,6% năm 1995, cao hơn so với năm 1990 là 11,1,% điểm. Trong kế hoạch năm năm lần thứ tám, hơn 5.000 hợp đồng đã được kí kết với 30 nước và vùng lãnh thổ để nhập công nghệ và máy móc hoàn chỉnh, đạt tổng trị giá 33,297 tỉ USD, tăng 119,2% so với trị giá nhập khẩu trong thời kì kế hoạch năm năm lần thứ bảy. Các công nghệ được nhập để phục vụ cho các ngành như năng lượng, máy móc, điện tử, hoá dầu, luyện kim, xây dựng đô thị, hàng không và ngành dệt. Công nghệ nhập khẩu đóng vai trò rất quan trọng để đẩy nhanh tiến bộ kh của các ngành công nghiệp liên quan và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Đầu những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu công nghệ và đến đầu những năm 1990, xuất khẩu đã phát triển tương đối nhanh. Các công nghệ được xuất khẩu bao gồm máy móc, năng lượng, vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ, đóng tầu, hàng không và điện tử. Trong cùng thời kì, tổng trị giá xuất khẩu và nhập khẩu theo phương thức hàng đổi hàng tăng lên tới 2,91 tỉ USD và năm 1995 là năm cuối cùng nhập khẩu theo phương thức hàng đổi hàng được giảm thuế 50%. Năm 1996 là năm đầu tiên của kế hoạch năm năm lần thứ chín và xuất -nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng.

  d) Xu hướng trong năm 1997 đến nay

  Trong 9 tháng đầu năm 1997, kim ngạch ngoại thương tăng tới 227,29 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kì năm 1996. Xuất khẩu đạt trị giá 128,93 tỉ USD, tăng 24% và nhập khẩu đạt 98,36 tỉ USD, tăng 2,5% tạo ra thặng dư tích luỹ là 30 tỉ USD; năm 2000 đạt 474,3 tỉ USD, xuất khẩu xếp hàng thứ 7 và nhập khẩu hàng thứ 8 thế giới, tăng 31,5% so với năm 1999; trong đó, xuất khẩu tăng 27,8%, nhập khẩu tăng 35,8%. Kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2001 của Trung Quốc giảm 20% so với cùng kì năm 2000, chỉ đạt 248,6 tỉ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 128,4 tỉ USD, chiếm 51,6% tổng kim ngạch; nhập khẩu đạt 120,2 tỉ USD, chiếm 48,4% tổng kim ngạch.

  Xuất khẩu sang Châu Phi, Mỹ Latinh và Bắc Mỹ tăng hơn 30%, xuất khẩu sang Châu á tăng 26%, đạt tới hơn 46,1 tỉ USD. Các sản phẩm của Châu á tiếp tục chiếm lĩnh trong nhập khẩu của Trung Quốc, nhập khẩu từ Châu Phi cũng tăng lên. Tuy vậy nhập khẩu từ các nơi khác lại bị giảm trong 6 tháng đầu năm 1997.

  Một hậu quả trực tiếp của các chính sách tín dụng thắt chặt là việc giảm sức mua trong nước. Kết quả là nhu cầu hàng hoá nhập khẩu bị giảm. Kết quả khác là nhu cầu đầu tư cũng giảm.

  2.2. Cơ cấu hàng hoá

  Trong kế hoạch năm năm lần thứ bảy, cơ cấu hàng hoá xuất - nhập khẩu có nhiều thay đổi so với trước đây. Trong những năm này tỉ trọng hàng công nghiệp chế tạo trong xuất khẩu tăng 24,9%. Thay cho việc nhập khẩu những nguyên liệu thô, nhập khẩu công nghệ tiên tiến, thiết bị quan trọng và các nguyên liệu chính là những thứ không thể thiếu được cho sản xuất trong nước, đặc biệt là cho ngành xây dựng, chiếm khoảng 80% tổng trị giá nhập khẩu.

  Năm 1990, cơ cấu nhập khẩu và xuất khẩu tiếp tục được cải thiện. Tỉ trọng hàng chế tạo công nghiệp trong tổng xuất khẩu đạt 74,4% tăng 3,1% điểm so với năm trước. Xuất khẩu các sản phẩm chế tạo công nghiệp, sản phẩm được chế biến sâu hơn và sản phẩm có trị giá gia tăng cao đã tăng lên.

  Năm 1996, tỉ trọng hàng chế tạo trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc là 85,6%. Máy móc và đồ diện trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc thay cho nhóm hàng xuất khẩu được nhiều nhất trước đây là hàng dệt. Tuy vậy, hầu hết sản phẩm chế tạo là những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Ngoài máy móc, đồ điện và các sản phẩm chế tạo chính được xuất khẩu, Trung Quốc còn xuất khẩu quần áo và các mặt hàng phụ trợ, chỉ, giày dép, đồ chơi, đồ phục vụ du lịch, sản phẩm nhựa. Các sản phẩm chính không qua chế biến được xuất khẩu là hải sản và rau.

  Trong nửa đầu năm 1997, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu tiếp tục được cải thiện, với tốc độ tăng của sản phẩm chế tạo công nghiệp vượt tốc độ tăng của các sản phẩm không qua chế biến.

  2.3. Bạn hàng

  Trước 1979, thương mại của Trung Quốc được tiến hành chủ yếu với Liên Xô và các nước Đông Âu. Từ năm 1979, các nền kinh tế thị trường trở thành những bạn hàng chính, chiếm 80% nhập khẩu của Trung Quốc, với tỉ trọng khoảng 87% trong năm 1979. Năm 1996, tỉ trọng nhập khẩu từ các nền kinh tế thị trường tăng khoảng 9%.

  a) Buôn bán với Nhật Bản Nhật Bản và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại từ lâu đời. Các mối quan hệ được cải thiện góp phần thúc đẩy buôn bán hai chiều. Theo số liệu thống kê của MOFTEC, các mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc sang Nhật Bản năm 1990 là dầu thô, hàng dệt, quần áo, thuỷ sản, sản phẩm dầu, ngũ cốc, than, rau, đồ thủ công mĩ nghệ, sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ, dược liệu, gỗ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản bao gồm: sản phẩm thép, thiết bị toàn bộ và công nghệ, hoá dầu, máy móc, ô tô và mô tô, sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ, hàng dệt, công cụ và máy móc.

  Năm 1995 buôn bán giữa hai nước đạt tổng trị giá hơn 57,47 tỉ USD. Buôn bán tăng một cách ổn định trong năm 1996, đôi lúc có sự tăng giảm.

  Trong vòng 3 - 4 năm liên tục Nhật Bản là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc. Buôn bán hai chiều của hai nước đạt 60 tỉ USD, chiếm khoảng 20,7% ngoại thương của Trung Quốc. Năm 1996, Trung Quốc xuất khẩu đạt trị giá 30,9 tỉ USD sang Nhật Bản và nhập khẩu hàng hoá trị giá 29,2 tỉ USD từ Nhật Bản. Buôn bán hai chiều trong nửa đầu năm 1997 đạt 27 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kì năm 1995, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản tăng 6,7% nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 3,6%.

  b) Buôn bán với Mỹ Sau khi thiết lập các mối quan hệ ngoại giao vào tháng 1-1979, Mỹ và Trung Quốc đã kí kết Hiệp định Thương mại chung, tiếp theo là các hiệp định trong một số lĩnh vực bao gồm hàng dệt, hàng không, quan hệ đường biển và buôn bán thóc lúa.

  Quan hệ song phương đã được mở rộng một cách nhanh chóng cả ngắn hạn và dài hạn, buôn bán song phương có tiềm năng lớn để phát triển hơn nữa. Trung Quốc cần công nghệ, vốn và thị trường của Mỹ, Mỹ cần thị trường Trung Quốc và những sản phẩm giá hợp lí của Trung Quốc. Hàng năm Trung Quốc nhập khẩu một khối lượng lớn lúa mì, bông, phân bón, gỗ, bột giấy, thiết bị kĩ thuật và máy bay từ Mỹ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng dần qua các năm đối với các mặt hàng như quần áo, dệt, thóc gạo, dầu, hoá chất, máy móc và đồ điện.

  Buôn bán hai chiều của hai nước tăng trung bình hàng năm 20%, từ 2,5 tỉ USD năm 1979 tới 42,84 tỉ USD năm 1996. Buôn bán song phương hiện nay chiếm 14,5% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Trung Quốc,và 4,3% kim ngạch ngoại thương của Mỹ. Mỹ trở thành bạn hàng lớn thứ 3 của Trung Quốc và Mỹ coi Trung Quốc là thị trường mới nổi lên quan trọng bậc nhất có tiềm năng lớn nhất.

  Cả hai nước đều nhận thấy tầm quan trọng của nhau trong sự phát triển kinh tế của mình. Vì vậy những mối quan hệ thương mại, kinh tế song phương bền vững, tốt đẹp là điều rất quan trọng cho cả hai nước.

  c) Buôn bán với Liên minh Châu Âu

  Trong 8 tháng đầu năm 1997, buôn bán của Trung Quốc với các nước thành viên Liên minh Châu Âu đạt trị giá 25,3 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kì năm 1996.

  Hầu như tới 90% sản phẩm bán sang các nước thành viên của EU là sản phẩm chế tạo như quần áo, giày dép, dệt, túi xách hành lí và đồ chơi. Quần áo chiếm khoảng 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang EU trong năm 1996, với trị giá đạt được là 2,44 tỉ USD. Năm 1996, xuất khẩu máy móc và sản phẩm điện tử của Trung Quốc sang Liên minh Châu Âu đạt trị giá7,3 tỉ USD, tương đương 37% tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường này. Nhập khẩu sản phẩm chế tạo từ Liên minh Châu Âu đạt trị giá 18,84 tỉ USD, chiếm 94,8% tổng nhập khẩu của Trung Quốc. Máy dệt là mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Những mặt hàng nhập khẩu khác có trị giá hơn 500 triệu USD, bao gồm máy chế biến kim loại, máy chế biến nhựa và cao su, phụ tùng ô tô và thép cuốn.

  d) Buôn bán với các nước Châu á

  Bănglađét, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, ấn Độ, Inđônêxia, Iran, Nhật Bản, Malaixia, Mông Cổ, Mianma, Nêpan, Pakixtan, Philippin, Hàn Quốc, Xingapo, Xri Lanca, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam là những bạn hàng chính của Trung Quốc ở Châu á. Đến cuối quý I năm 1997, trong số 222 nước có quan hệ thương mại và kinh tế, các nước Châu á đã chiếm khoảng 1/3 toàn bộ trị giá buôn bán ngoại thương của Trung Quốc. Tỉ trọng này là 32,1% năm 1993, 33% năm 1994, 35% năm 1995.

  Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 6 trong năm 1994, thứ 5 trong năm 1995, thứ 4 trong năm 1996.

  Xingapo là bạn hàng lớn thứ 8 trong năm 1994, đạt trị giá trao đổi buôn bán là 7,35 tỉ USD trong năm 1996. Malaixia là bạn hàng thứ 15. Inđônêxia có kim ngạch buôn bán song phương với Trung Quốc vượt Malaixia và đạt 3,71 tỉ USD trong năm 1996. ấn Độ, Pakixtan, Philippin và Thái Lan cũng có quan hệ thương mại ngày càng phát triển với Trung Quốc. Tốc độ tăng trung bình trong buôn bán với các nước Châu á nhanh hơn trong buôn bán với các nước khác. Xuất khẩu sang các nước Châu á nhanh hơn so với nhập khẩu từ các nước này. Nhiều tiến bộ đã đạt được trong quan hệ thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và các nước Châu á khác, bao gồm các hoạt động như: nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư, dự án kĩ thuật theo hợp đồng, dịch vụ lao động và hợp tác tài chính. Cơ cấu hàng hoá trong buôn bán của Trung Quốc với các nước Châu á cũng dần được cải thiện. Máy móc và đồ điện chiếm tỉ trọng lớn trong buôn bán. Trong xuất khẩu sang Nhật Bản thì tỉ trọng sản phẩm dệt, đồ điện và máy móc tính chung lại cao hơn tỉ trọng các sản phẩm sơ chế như dầu thô, than, hàng nông sản. Đồ điện, máy móc và thiết bị cũng chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Trung Quốc sang Bănglađét và Pakixtan. Máy phát điện sản xuất ở Trung Quốc, hoá chất, sản phẩm kim loại, sản phẩm của ngành khai khoáng, xi măng, đường, các hàng nông sản khác và máy bay loại nhỏ bán khá chạy trên thị trường Châu á. Một số nước đang phát triển ở Châu á trở thành những thị trường nhập khẩu quan trọng đồ điện và máy móc của Trung Quốc.

  đ) Buôn bán với các nước Châu Mỹ Latinh

  Trong những năm gần đây buôn bán giữa Trung Quốc với các nước Châu Mỹ Latinh tăng lên một cách đáng kể. Những chính sách nhập khẩu mở và sự điều chỉnh kinh tế gần đây trong các nước Châu Mỹ Latinh đã tạo điều kiện để phát triển mối quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ Latinh hơn nữa. Năm 1995, xuất khẩu sang Châu Mỹ Latinh tăng 292%. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang Châu Mỹ Latinh máy móc, đồ diện, hàng dệt, sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ, hoá chất, dược liệu. Những sản phẩm nhập khẩu từ Châu Mỹ Latinh chủ yếu là quặng sắt, đồng, đường thô, và các hàng hoá dời khác.

  Trung Quốc thiết lập quan hệ thương mại với 33 nước và 13 vùng lãnh thổ ở Châu Mỹ Latinh. áchentina, Braxin, Chilê, Panama và Pêru chiếm hớn 70% quan hệ thương mại của Trung Quốc với châu lục này.

  e) Buôn bán với các nước Châu Phi và Tây Nam á

  Khu vực Tây Nam á bao gồm 13 nước, 6 nước vùng vịnh và Irắc, Ixraen, Gioócđa, Libăng, Pakixtan, Xiri, Yêmen. Kinh tế ở trong vùng phát triển không cân đối và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Kinh tế của Ixraen, Gioócđa, Libăng và Xiri phát triển trong những năm gần đây, trong khi kinh tế của Irắc, Yêmen lại không như vậy. Tuy kinh tế của 6 nước vùng vịnh bị giảm nhưng nền kinh tế của các nước này còn vững và họ còn nhiều ngoại hối.

  Mặc dù buôn bán của Trung Quốc với các nước Tây Nam á phát triển nhanh chóng song nhìn chung vẫn còn nhỏ bé. Xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 2,3% tổng giá trị nhập khẩu của các nước Tây Nam á và nhập khẩu của Trung Quốc chỉ bằng dưới 1% tổng số xuất khẩu của các nước này. Vì có sản xuất dầu lửa nên tình hình kinh tế của các nước Tây Nam á tương đối tốt, và là nơi quan trọng đối với Trung Quốc để kí kết các dự án và cung cấp dịch vụ lao động.

  Quan hệ hợp tác kinh tế với các nước Tây Nam á, đặc biệt với các trong vùng vịnh và việc tăng nhập khẩu, nhất là dầu từ các nước đó có một ý nghĩa quan trọng nhằm cải thiện cán cân thương mại, bảo đảm nguồn cung cấp dầu lâu dài và ổn định cho Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển.

  Quan hệ thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác với các nước Châu Phi khá phát triển trong những năm gần đây. Dự đoán rằng quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế với các nước Châu Phi sẽ phát triển trong tương lai.

  Mặc dù quan hệ kinh tế và thương mại với các nước Châu Phi tiến triển, nhưng tỉ trọng của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của các nước này còn nhỏ. Năm 1994, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước Châu Phi chỉ chiếm 1,7% tổng giá trị nhập khẩu của các nước này. Hiện nay, Trung Quốc đang có những kế hoạch áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường trao đổi buôn bán với cả Tây Nam á và Châu Phi, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại hơn nữa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả hai phía.

  f) Buôn bán với Liên bang Nga và các nước Đông Âu

  Trung Quốc có quan hệ buôn bán lịch sử lâu đời với Liên Xô. Buôn bán trước đây chủ yếu dựa trên cơ sở mở tài khoản. Trao đổi buôn bán giữa hai nước bị giảm mạnh trong những năm 1960 và 1970.

  Năm 1990 phương thức thanh toán mở tài khoản liên chính phủ truyền thống vẫn còn là hình thức chủ yếu trong buôn bán giữa hai nước và buôn bán dựa trên hiệp định thương mại. Xuất khẩu và nhập khẩu của hai nước có xu hướng bổ sung cho nhau. Các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu là ngô, đậu tương, lạc nhân, thịt lợn đông lạnh, thịt bò đông lạnh, thịt lợn đóng hộp, hoa quả, quặng volfram, bông, chăn len, khăn tắm, quần áo dệt kim, sản phẩm may, chè, giày đế mềm, quần áo dệt kim, sản phẩm may, chè, giày đế mềm, giày thể thao, đồ điện, ắc quy. Các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu là xăng dầu, dầu điêzen, quặng thô, sản phẩm thép, đồng, nhôm, uree, gỗ, ôtô, máy bay, công nghệ và thiết bị toàn bộ. Nguyên liệu thô chiếm 50% trong cơ cấu xuất khẩu của hai nước cho nhau. Phần còn lại là sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ, sản phẩm dệt, đồ điện và cơ khí. Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa các tổ chức kinh tế của các đơn và chính quyền ở vùng biên giới giữa hai nước phát triển một cách vững chắc. Từ năm 1994, buôn bán giữa hai nước phần lớn không còn dựa trên cơ sở mở tài khoản nữa.

  Trong quan hệ buôn bán với các nước Đông Âu, Trung Quốc xuất khẩu gạo, đậu tương, bông, ngô, rau quả đóng hộp, thịt lợn đông lạnh, hàng dệt, các phụ phẩm từ gia súc của địa phương, và đổ thể thao. Đổi lại, Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu sản phẩm thép, phân bón, polyetylen, ô tô tải, máy móc chế biến, máy khai thác than và thiết bị.



theo hochiminh2.mofcom.gov.cn
Báo cáo phân tích thị trường