Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản: "Khóc" vì ngoại tệ
30 | 05 | 2008
Vừa qua, NHNN Việt Nam có Văn bản số 09/2008/QĐ-NHNN về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Tuy nhiên, trong văn bản này các doanh nghiệp xuất khẩu (trong đó có doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản) lại không nằm trong nhóm đối tượng được vay ngoại tệ.
Điều này gây khó cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc đề nghị bổ sung các doanh nghiệp xuất khẩu vào danh mục được vay ngoại tệ theo QĐ 09/2008 của NHNN.

Làm ra ngoại tệ, lại không được vay ngoại tệ

Theo ông Trần Văn Dũng - GĐ Cty CP thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafoot) thì quyết định này đã vô tình hạn chế đối tượng vay ngoại tệ, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Đây là các doanh nghiệp trong ngành được ưu tiên khi tham gia xuất khẩu và là đối tượng chính làm ra ngoại tệ của Việt Nam nhưng... không được vay. Quan trọng hơn, quyết định trên ảnh hưởng trực tiếp đến việc cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, việc vay vốn này lại hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng nhập khẩu hàng hóa và hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước. Ngoài ra, việc cân bằng ngoại tệ lưu thông trên thị trường đang bị ảnh hưởng rất lớn, bởi với các doanh nghiệp nhập khẩu được vay ngoại tệ đem thanh toán khi mua hàng hóa nhập khẩu về bằng ngoại tệ nhưng khi hàng hóa về trong nước bán ra chỉ thu VND.

Thực tế, đối với hàng hóa của các doanh nghiệp thủy sản khi xuất khẩu hàng đi và nhận tiền về phải mất ít nhất trong vòng 2 tháng, với lãi suất VND như hiện tại trung bình khoảng 1,5%/tháng thì trong vòng thời gian này doanh nghiệp phải tăng thêm 3% do lãi vốn vay. Trong khi đó, giá các mặt hàng thủy sản hiện đang phải cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Về điều này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó TGĐ Cty CP chế biến thủy sản Út Xi cho rằng văn bản này kéo dài sẽ làm triệt tiêu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Gián tiếp ảnh hưởng đến người nuôi trồng

Không những vậy, tại văn bản trên, Vasep khẳng định trong tình hình khó khăn như hiện nay, quyết định của Thống đốc NHNN đã gây thêm những khó khăn không đáng có cho doanh nghiệp trong ngành này.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep cho biết thêm: việc NHNN khống chế dư nợ cho vay không vượt quá 30% so với cuối năm 2007. Khiến chưa đầy bốn tháng đầu năm, một số ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết chỉ tiêu này. Vì thế, một số ngân hàng tuy có vốn nhưng cũng không cho vay vì vướng tỷ lệ này.

Thực tế, ở thời điểm hiện tại ngoài vấn đề về lãi suất ngân hàng các doanh nghiệp thủy sản đang bị tác động mạnh mẽ bởi hàng loạt vấn đề tăng giá của các loại phụ liệu dùng cho sản xuất như chi phí dầu, giấy, chi phí vận chuyển... tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, khi doanh nghiệp thủy sản gặp những khó khăn về vốn, chi phí của sản xuất tăng cao thì ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp thì sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến người nuôi trồng. Tự các doanh nghiệp phải cân đối giảm đi một phần lãi suất và trong đó chắc chắn không ngoại trừ việc giảm giá thu mua nguyên liệu từ người nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, để tránh được những tình trạng khó khăn về vốn vay, sức ép trước vấn đề về lãi suất ngân hàng liên tục tăng bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty CP thủy sản Bình An cho rằng các doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng hàng hóa, tạo được uy tín với đối tác nước ngoài để tạo nguồn vốn từ chính các khách hàng. Một mặt doanh nghiệp chủ động đầu tư vào vùng nguyên liệu để ổn định nguồn hàng, không bị mất chủ động nguồn nguyên liệu. Nhưng thực tế, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản và đây cũng là cách tốt nhất để cứu người nuôi trồng thủy sản.



Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường