Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tổng quan tình hình kinh tế Indonesia và thương mại Việt Nam - Indonesia 9 tháng đầu năm 2008
18 | 11 | 2008
Tình hình khủng hoảng tài chính tại Hoa kỳ đang có tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các quan chức kinh tế trong Chính phủ Indonesia cho rằng nền kinh tế Indonesia không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng này. Bộ Trưởng Tài chính, Bà Sri Mulyani Indrawati cho biết, nền kinh tế cũng như tài chính quốc gia từ sau cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á đến nay đã hồi phục và tăng trưởng vững chắc.
Tổng dư nợ tích lũy (NPL) 6 tháng đầu năm nay chỉ 4,1%, tương đương 5,28 tỷ USD, thấp hơn con số 4,6% ở thời điểm cuối năm ngoái, trong khi ngân hàng Trung ương yêu cầu con số này phải dưới 5%. Phó Tổng Thống Kala khẳng định, cho dù kinh tế thế giới có suy giảm, các nước khác vẫn phải nhập khẩu thiếc, Titan, Niken, khoáng sản, dầu cọ, cà phê, cao su, ca cao, những sản phẩm xuất khẩu chiếm ưu thế của Indonesia trên thị trường thế giới.
Từ giữa quý I, chính phủ đã điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vỹ mô. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% xuống còn 6,4%, tỷ lệ lạm phát 6,0% lên 6,5%, tỷ lệ thâm hụt ngân sách 1,7% lên 2,0%, giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu phi dầu khí là 14,5%.

Sáu tháng đầu năm nay Indonesia xuất khẩu vào thị trường thế giới đạt 70,45 tỷ USD, tăng 29,6%; nhập khẩu 65,05 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007, đạt thặng dư thương mại 5,40 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ Thương mại cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm sẽ giảm sút so với nửa đầu năm 2008 các đối tác Hoa kỳ đang phải trải qua thời kỳ hết sức khó khăn và giảm nhu cầu nhập khẩu. Hiện nay hàng xuất khẩu của Indonesia sang thị trường Hoa kỳ chiếm tỷ trọng 10-12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia. Vừa qua chính phủ đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu phi dầu khí năm 2009 từ 11,5% xuống 10,9%.

Nhằm củng cố lại niềm tin trong dân chúng đang suy giảm từ sau đợt tăng giá nhiên liệu tháng 5/2008, Tổng Thống Indonesia khẳng định Chính phủ của ông sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia ( dự kiến sẽ chi 30.000 tỷ Rp cho chương trình này năm 2009). Về kinh tế đối ngoại, phấn đấu kết thúc đàm phán Hiệp định tự do Thương mại với Úc, New Zealand và Ấn độ sau khi đã ký các hiệp định tương tự với Trung quốc, ASEAN và Hàn Quốc.

*Tài chính tiền tệ:

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương ( BI), cho vay trong 9 tháng đầu năm nay tăng 31% đạt mức 1.137,7 nghìn tỷ Rp (123,26 tỷ USD). 70% các khoản vay này dành cho vốn kinh doanh và đầu tư. Ước tính dự trữ ngoại hối vào cuối năm nay của Indonesia sẽ đạt trên 69 tỷ USD nhờ tăng trưởng xuất khẩu. Lãi suất ngân hàng Trung ương Indonesia ở mức 8,4%. Chính phủ sẽ tăng tiền lãi cổ tức của các doanh nghiệp quốc doanh từ 23 nghìn tỷ Rp lên 31 nghìn tỷ Rp trong năm nay để bù lại thâm hụt ngân sách. Chính phủ cũng dự tính thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng cao hơn năm trước từ 73,3 nghìn tỷ Rp (1,7% GDP) lên 89,1 nghìn tỷ Rp (2,1% GDP) do phải trợ cấp nhiều về nhiên liệu và thực phẩm.

* tình hình lạm phát :

Lạm phát tăng cao ngay từ đầu năm 2008. Kết thúc quý I/08 lạm phát tăng 8,17%. lạm phát lũy tích theo năm trong nửa đầu năm 2008 là 11,3%. Lạm phát tích lũy đến tháng 7 là 11,90%, đến tháng 8 là 11,85%. Tháng 9/08 tỷ lệ lạm phát 0,97%, chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 112,16 trong tháng 8 lên 113,25 trong tháng 9. Lạm phát tích lũy đến tháng 9 năm nay tăng 12,14% so với cùng kỳ năm 2007.

Lạm phát tăng là do thời gian qua tất cả các nhóm mặt hàng đều tăng, cụ thể: Nhóm thực phẩm tăng 1,90%; nhóm lương thực, nước giải khát, thuốc lá tăng 0,94%; nhà cửa, điện, nước , nhiên liệu tăng 1,22%; may mặc tăng 0,5%; y tế tăng 0,36%; giáo dục, vui chới giải trí, thể thao tăng 0,63%; giao thông vận tải, thông tin liên lạc và dịch vụ tài chính tăng 0,22%.

Đặc biệt do tháng 9 năm nay là tháng chay Ramadhan của người Hồi giáo Indonesia, dân chúng tăng cường mua sắm và chuẩn bị ăn Tết Idhul Fitri. Theo khảo sát của BPS, chỉ số giá tiêu dùng trên toàn bộ 66 Tỉnh, Thành phố của Indonesia đều tăng. Thành phố có mức lạm phát cao nhất là Taraka 2,80%, thấp nhất là Manado 0,03%.

*Tình hình đầu tư:

Với nhiều nổ lực cải thiện môi trường đầu tư, Chính phủ Indonesia hy vọng đầu tư năm nay sẽ tăng cao hơn so với kế hoạch khoảng 150.000 tỷ Rp.Theo Bộ Trưởng Bộ thương mại, đầu tư năm nay sẽ tăng hơn năm 2007 mặc dù Chính phủ đã quyết định tăng giá nhiên liệu 28,7%. Theo số liệu của Ban điều phối đầu tư Indonesia (BKPM), đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2008 của Indonesia tăng 160% đạt 6,56 tỷ USD, đầu tư trong nước tăng 60%. Tuy nhiên theo dự báo của BKPM thì trong các tháng còn lại đầu tư sẽ không tăng.

9 tháng đầu năm nay, Nhật bản là nước có vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Indonesia, tiếp theo là Malaysia, Anh, Singapore, Hàn quốc.

Cơ quan Phát triển đầu tư ngoài nước của Indonesia cho biết Các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia mỗi năm đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD ra nước ngoài.. Các Công ty Nhà nước có đầu tư ra nước ngoài lớn như Công ty dầu khí quốc gia Pertamina đầu tư sang Iraq, Nga và Lybia, Công ty hóa dầu quốc gia Petrokimia Gresik đầu tư sang Ma rốc và Công ty truyền thông quốc gia đầu tư sang Ecuador, Nigeria và Cambodia.

Chính phủ Indonesia đã có kế hoạch chi 20 nghìn tỷ Rp (2,2 tỷ USD) để xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành vận tải đường sắt trong vòng 4 năm, bắt đầu từ năm nay, mỗi năm giải ngân 5.000 tỷ Rp. Công ty được chỉ định thực hiện là công ty Quôc doanh PT Kereta Api.

Bộ Khoa học và Công nghệ Indonesia cho biết, Chính phủ đang dự định xây dựng 4 nhà máy điện nguyên tử từ nay đến 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu về điện trong nước. Dự tính mỗi nhà máy điện nguyên tử có công suất 1.200 MW. Một số các địa điểm xây dựng nhà máy đã được khảo sát gồm, phía Bắc đảo Java và phía Nam đảo Kalimantan. Dự tính dự án này sẽ được tiến hành trong năm nay.

*Du lịch:

Mục tiêu của chính phủ đặt ra đối với ngành du lịch năm nay là đạt doanh thu 6,3 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2008 lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia trong ước tính đạt 3,1 triệu người. Con số này tăng đều khoảng 14%/tháng, ước tính đến cuối năm đạt 6,4 triệu lượt khách. Chính phủ đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch nhằm đạt mục tiêu của chương trình Xúc tiến du lịch Indonesia năm 2008 là 7 triệu lượt khách. Dẫn đầu trong top 10 nước có số du khách đến Indonesia đông nhất là Singapore. Tiếp đến là Mã lai, Nhật bản, Hàn quốc, Đài loan, Úc, Trung quốc, Ấn độ, Mỹ, Anh.

Đầu năm 2008, Indonesia bày tỏ sự lạc quan về chương trình nâng cấp tiêu chuẩn an toàn hàng không của mình, với hy vọng một số Hãng hàng không sẽ được cho phép bay vào không phận EU vào cuối tháng 7. Trong tháng 5/2008 Hãng hàng không quốc gia Indoensia Garuda tuyên bố đã đáp ứng đủ mọi yêu cầu của Hiệp hội hàng không dân dụng quốc tế với hy vọng sẽ được đưa ra khỏi danh sách cấm bay.

Tuy nhiên đến nay, tổ chức hàng không dân dụng quốc tế vẫn chưa quyết định và công nhận các biện pháp cải thiện về tiêu chuẩn an toàn do các hãng hàng không Indonesia thực hiện. Ủy ban an toàn hàng không của EU vẫn duy trì lệnh cấm tất cả các hãng hàng không Indonesia bay vào không phận của họ do lo ngại về các vấn đề an toàn. Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc 51 hàng hàng không của Indonesia sẽ vẫn bị cấm bay vào không phận EU. Theo Ủy ban Châu Âu, 3 hãng hàng không Indonesia là Garuda, Mandala và Air fast có nâng cấp các tiêu chuẩn về an toàn, tuy nhiên vẫn là chưa đủ đối với các yêu cầu của EU.

• Tình hình và chính sách một số ngành, mặt hàng chủ yếu :

*Cao su:

Với diện tích đất trồng khoảng 3,5 triệu ha trên toàn quốc, các đồn điền cao su cung cấp 85% nguyên liệu thô cho ngành cao su. Nhu cầu cao su nguyên liệu của Indonesia khoảng 3,4 triệu tấn/năm. Năng suất của các công ty cao su trong nước đạt khoảng 1 triệu tấn/năm trong khi nguyên liệu thô sẵn có khoảng 2,4 triệu tấn.

Hiệp hội các Công ty cao su Indonesia (GAPKINDO) đang đề nghị Chính phủ cấm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến cao su nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến cao su trong nước phát triển.

*Dầu cọ (CPO):

Năm 2008 Indonesia dự kiến tăng 9,6% sản lượng CPO, đạt mức 18 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 13,95 triệu tấn. Indonesia và Malaysia sản xuất 85% lượng dầu cọ thô trên thế giới. Hai nước này đang thu được nhiều lợi nhuận do lượng cầu CPO trên thế giới tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế. Năm 2007, Indonesia đã vượt qua Malaysia để trở thành nước đứng đầu về sản xuất dầu cọ do có số lượng cây trồng tăng đột biến. Có nhiều khả năng Indonesia sẽ trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất dầu cọ năm 2008.

Malaysia và Indonesia sẽ hợp tác với nhau để định mức giá xuất khẩu thích hợp nhằm đối phó với tình hình giá cả CPO không ổn định trong thời gian qua trên thị trường thế giới. Hai bên đã thống nhất nếu giá CPO giảm thì sẽ tăng mức tiêu thụ CPO thông qua việc sản xuất dầu diesel sinh học.Việc chuyển đổi 6 triệu tấn CPO sang dầu diesel sẽ được cân nhắc để không ảnh hướng đến nguồn cung cấp dầu ăn của Indonesia và Malaysia trên thị trường thế giới.

*Cà phê:

Indonesia trồng cà phê Robusta trên diện tích đất là 1,3 triệu ha và trồng cà phê Arabica trên 177.100 ha. Năm 2007, sản lượng cà phê cả nước đạt 686.763 tấn. Mặc dù là quốc gia có diện tích trồng cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, Indonesia chỉ xếp thứ 4 sau Việt Nam, Colombia và Brazin về xuất khẩu mặt hàng này với sản lượng 792 kg cà phê/ha/năm.

Trong chiến lược dài hạn từ nay đến năm 2025, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng sản lượng cà phê lên 865.000 tấn với 1,23 triệu hecta đất trồng cà phê và tăng sản lượng thu hoạch cà phê lên 1.000kg/ha/năm. Chính phủ cũng quyết định tăng lượng xuất khẩu cà phê lên 505.000 tấn với hy vọng sẽ trở thành nước xếp thứ nhì về xuất khẩu mặt hàng này trên thị trường thế giới. Phấn đấu giảm dần và tiến đến không xuất khẩu cà phê thô.

Để thực hiện được mục tiêu này Indonesia phải tăng thêm 236 nghìn hecta diện tích trồng cà phê Arabica, tăng sản lượng cà phê Arabica từ 81.000 tấn/năm lên 193.000 tấn/năm với năng suất thu hoạch là 1.200 kg/ha/năm.

*Gạo

Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (BULOG) cho biết, năm ngoái Indonesia đã phải nhập khẩu khoảng 7,3 triệu tấn gạo. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê quốc gia (BPS), sản lượng thóc khô năm nay sẽ đạt 59,88 triệu tấn tăng 4,76% ( tương đương 2,72 triệu tấn ) nhờ tăng diện tích đất trồng lúa lên 237.610 hecta và tăng năng suất lúa lên 130 kg/ha. Chính phủ Indonesia hy vọng trong năm nay sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đạt thặng dư khoảng 2 triệu tấn gạo. Do đó Indonesia không phải nhập khẩu số lượng lớn gạo để dự trữ cho an ninh lương thực như các năm trước.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết mục tiêu nêu trên khó có thể thực hiện được mà chỉ có thể tăng dưới 2%. Thực tế tình hình lũ lụt trong 9 tháng đầu năm nay đã ảnh hưởng đến 187.056 hecta đất trồng lúa, trong đó 66.609 hecta lúa không thể thu hoạch được. Các khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm Tỉnh Trung Sulawesi (5.705 hecta), Nam Sulawesi (4.585 hecta), Đông Kalimantan (3.393 hecta), Tây Sumatra (2.573 hecta) và Bắc Sumatra (3.223 hecta).

Triển khai chương trình quốc gia về tự túc lương thực, Bộ Nông nghiệp đang đề nghị cơ quan quản lý đất đai cho phép nông dân được sử dụng các khu đất đang bỏ không để trồng lúa, ước tính hiện nay Indonesia có hàng triệu hecta đất hoang. Chính phủ Indonesia dành 326.600 tỷ Rp từ ngân sách năm 2008 để tạo mới 43.136 hecta đất trồng lúa và dành 8.700 tỷ Rp để trợ cấp về phân bón cho nông dân. Tuy nhiên chương trình này đang gặp khó khăn do diện tích đất canh tác đang có xu hướng ngày càng giảm cùng với tiến trình đô thị hóa.

Hiện nay BULOG đang triển khai kế hoạch thu mua khoảng 3 triệu tấn gạo của nông dân. Theo chỉ thị số 13/2007 của Tổng thống, giá thu mua là 2.000 Rp/kg lúa và 4000 Rp/kg gạo. Giá gạo trên thị trường nội địa dao động ở mức 4.800 – 7.000 Rp/kg.

*Đỗ tương:

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Indonesia thì nhu cầu đỗ tương của thị trường này khoảng 1,7 triệu tấn/năm trong khi sản lượng trong nước chỉ đạt 600 – 700 nghìn tấn/năm. Do đó hàng năm Indonesia phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn đỗ tương, 90% trong số đó được nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ. Trước tình hình giá lương thực tăng vọt, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này từ 10% xuống 5-0% và kêu gọi các nhà nhập khẩu mở kho dự trữ đẩy mạnh bán ra để bình ổn giá. Bộ nông nghiệp đã có kế hoạch nâng sản lượng đỗ tương năm nay lên 900.000 Tấn để giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.

*Lúa mỳ:

Nhu cầu của Indonesia khoảng 7 triệu tấn lúa mỳ/năm. Tuy nhiên sản xuất trong nước hiện nay chỉ đạt khoảng 3,3 triệu tấn/năm. Các nhà sản xuất bột mỳ vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào lúa mỳ nhập khẩu. Indonesia phải nhập khẩu khoảng 4,4 triệu Tấn lúa mỳ/năm, chiếm 90% lượng nguyên liệu thô cho sản xuất bột mỳ trong nước.

Hiệp hội các nhà sản xuất bột mỳ Indonesia (APTINDO) kiến nghị Chính phủ áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia.

* Đường:

Tổng lượng đường Indonesia cần khoảng 4,6 triệu tấn/năm. Trong đó, ước tính ngành công nghiệp nước giải khát cần 1,8 - 1,9 triệu tấn, tổng lượng tiêu thụ đường của các hộ gia đình là 2,67 triệu tấn, tại các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn 482.000 Tấn. Các ngành công nghiệp khác cần khoảng 1,2 triệu Tấn. Sản lượng đường từ cây mía trong nước là 2,4 triệu tấn/năm và từ các nhà máy tinh chế là 1,4 triệu tấn. Do đó, lượng đường cần nhập khẩu khoảng 800.000 Tấn/năm.

Tại hội thảo ngày 11-12/8/08. Hiệp hội mía đường (AGI) tổng hợp số liệu của 58 nhà máy đường, tính đến 31/7 đạt 1,23 triệu tấn. AGI dự kiến sản lượng đường năm nay khoảng 2,7 triệu tấn, vừa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bộ Thương mại Indonesia cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu đường do dự trữ đường hiện nay đã lên đến 1,4 triệu tấn. Với mức tiêu thụ trung bình khoảng 250 nghìn tấn/ tháng, số lượng đường dự trữ đủ phục vụ cho tiêu dùng trong nước và tiếp đó là vụ thu hoạch mía đường từ tháng 1 – 4/2009.

*Sản phẩm sữa:

Bộ Trưởng Bộ Y tế Indonesia Siti Fadilah Supari cho biết, tạm thời Indonesia cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại sữa này sẽ không được lưu hành trên thị trường Indonesia cho đến khi các cơ quan hữu quan của Indonesia tiến hành xong công tác kiểm tra và có kết luận cuối cùng.

Trước mắt, chỉ có một loại sữa của Trung quốc có tên là "Guozhen" được phép lưu hành trên thị trường Indonesia do có giấy phép của Cơ quan Vệ sinh an tòan thực phẩm và dược phẩm của Indonesia (BPOM) cấp. BPOM đang kêu gọi mọi người dân tăng cường hợp tác với chính quyền bằng cách thông báo ngay cho các cơ quan chức năng các loại sữa nhập khẩu từ Trung quốc không có số đăng ký của BPOM.

*Hàng dệt may :

Công nghiệp dệt may hiện nay vẫn là ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế Indonesia. Dự kiến xuất khẩu dệt may năm 2009 sẽ đạt 11,8 tỷ USD so với khoảng 11 tỷ USD trong năm nay. Vừa qua, Bộ Thương mại ban hành nghị định 15/M-DAG/PER/5/2008, theo đó số lượng mặt hàng hạn chế nhập khẩu giảm từ 84 xuống còn 74 mặt hàng.

Hiệp hội dệt may( API) cho biết, trong năm nay có ít nhất là 7 mặt hàng trong biểu thuế hài hòa Hải quan được thực hiện hai bước đầu tiên về tự do hóa nhập khẩu. Tuy nhiên API vẫn kiến nghị Chính phủ thực hiện việc kiểm tra để ngăn chặn hàng dệt may nhập lậu. API cũng đề nghị Chính phủ tăng thuế từ 10% lên 20%, và từ 15% lên 25% nhằm giúp cho hàng nội địa cạnh tranh với hàng dệt may nhập khẩu.

* Giày dép:

Indonesia xếp thứ tư về sản xuất giày sau Trung quốc, Ấn độ và Việt Nam. Ngành công nghiệp sản xuất giày mũ da của Indonesia đang gặp nhiều khó khăn do phải nhập khẩu trên 60% nguyên liệu để sản xuất. Trong thời gian đến indonesia sẽ tăng cường nhập khẩu nguyên liệu da từ Malaysia, Myanma, các nước Trung đông và Châu Phi.

Chủ tịch Hiệp hội giày Indonesia (APRISINDO) ông Eddie Widjanarko cho rằng thời điểm hiện nay là cơ hội để ngành công nghiệp sản xuất giày của Indonesia phát triển do EU áp dụng thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Trung quốc và Việt Nam.

Kế hoạch chuyển 22 xưởng sản xuất giày ở Trung quốc của các nhà đầu tư Đài loan, Hồng Kông sang Indonesia trong năm nay, trị giá 700 triệu USD, đã bị hoãn lại do tình trạng cung cấp điện không ổn định, ít nhất cũng phải đến năm 2009. Tuy nhiên APRISINDO cho biết khả năng đến cuối năm nay, sẽ có 5 công ty của Đài loan đầu tư khoảng 120 triệu USD, thu hút khoảng 10.000 lao động Indonesia vào sản xuất giày da.

Một lý do khác khiến các nhà đầu tư còn ngần ngại là việc nhập khẩu nguyên liệu vào Indonesia gặp nhiều khó khăn. Các nhà nhập khẩu nguyên liệu da phàn nàn việc kiểm tra thông quan hàng tại cảng trở nên khó khăn, chậm chạp từ khi Uỷ ban chống tham nhũng (KPK) kiểm tra đột xuất dịch vụ Hải quan ở Cảng Tanjung Priok- Jakarta. Các nhân viên Hải quan có thể từ chối thông quan khi gặp bất cứ sai sót nhỏ nào về thủ tục hàng nhập khẩu. Khoảng 70% nguyên liệu da nhập khẩu vào Indonesia có xuất xứ từ Trung quốc, trong đó sai sót thường xảy ra là do đánh máy giấy tờ bằng tiếng Anh không chính xác.

*Gỗ và đồ nội thất:

Ngày 6/8/08, EU đã chính thức xóa bỏ thuế nhập khẩu gỗ tấm từ Indonesia, trước đây thuế đánh vào mặt hàng này là từ 3 – 6%. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu phụ trách Indonesia và Brunei cũng cho biết EU sẽ giảm thuế đối với mặt hàng gỗ dán từ 7 – 10% xuống còn 3,5%. Việc giảm thuế này nằm trong tiến trình thực hiện ưu đãi GSP của EU cho 176 nước đang phát triển áp dụng từ 1/1/2008 đến năm 2011.

Bộ Thương mại Indonesia cho biết, xuất khẩu đồ gỗ gia dụng của Indonesia trong thời gian đến sẽ hướng vào thị trường Nga nhằm hạn chế bớt rủi ro do tập trung vào thị trường Mỹ. Thị trường Nga được xem là thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng sau Ấn độ và Trung quốc. Với vị trí gần kề các nước khác của châu Âu, hiện nay phần lớn đồ gỗ và mây tre tại thị trường này được nhập từ Tây Âu, nếu đồ gỗ Indonesia có thể thâm nhập thị trường Nga thì cũng sẽ dễ dàng thâm nhập các thị trường thuộc Liên xô và Đông Âu cũ. Tuy nhiên, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu các mặt hàng của Indonesia vào thị trường Nga, đó là : Vận tải đường biển khá xa, phương thức thanh toán còn hạn chế, thực hiện mua bán qua trung gian của nước thứ ba, ngoài ra Nga còn sử dụng các rào cản phi thuế quan.

*Máy móc:

Năm 2007, tổng trị giá nhập khẩu máy móc là 8,1 tỷ USD, 20% trong số đó là máy móc đã qua sử dụng được nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Úc, Malaysia, Mỹ, Nhật và Hàn quốc.Trong khi đó tổng trị giá xuất khẩu máy móc của Indonesia chỉ đạt 3,5 tỷ USD.

Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, Chính phủ quyết định sẽ áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vào năm 2009 nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước phát triển. Hiện nay Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại Indonesia đang thảo luận về thời gian cho phép tiếp tục nhập máy móc cũ là bao lâu. Quan điểm của 2 Bộ là cấm nhập máy móc đã qua sử dụng bằng cách đưa ra một danh sách các loại máy móc được phép nhập khẩu vào Indonesia.

*Thép:

Nhu cầu thép năm nay là 12 triệu tấn trong khi năng lực sản xuất trong nước hiện nay chỉ đạt 5,7 triệu tấn /năm. Kim ngạch nhập khẩu thép 7 tháng đầu năm lên đến 7 tỷ USD, tương đương 7,5 triệu Tấn, tăng 127% do nhu cầu từ các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ và các nhu cầu từ các ngành ô tô, đóng tàu, điện tử đều tăng. Giá thép trong quý III tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 9, giá thép cuộn cán nóng (HRC) lên đến 13.460 Rp/kg, thép cán nguội (CRC) 14.076Rp/kg, thép xây dựng 12.609 Rp/kg. Tháng 9 năm nay là tháng chay Ramadan và tháng 10 là tháng Tết của người Hồi giáo Indonesia, nhu cầu thép giảm trong khi giá thép thế giới tăng. Do đó, các công ty thép Indonesia tăng cường xuất khẩu. Điển hình như PT. Krakatau, công ty thép nhà nước hàng đầu với năng lực sản xuất HRC 2,5 triệu Tấn/năm và CRC 850.000 Tấn/năm đã tăng xuất khẩu từ 10% lên 20%; PT. Essar Indonesia tăng xuất khẩu từ 20% lên 40%. PT.Gunung Garuda tăng xuất khẩu 10%.

Đối với ba nhóm hàng gồm ống thép, đinh và dây thép, nhu cầu khoảng 120.000 Tấn/năm, trong khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 50% và không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay Có đến 10 Xí nghiệp sản xuất tại Jakarta đã phải giảm 40% sản lượng và 03 Xí nghiệp phải đóng cửa. Ngược lại, có đến 30 Xí nghiệp thép của Trung Quốc tái đầu tư tại Sidoarjo, Mojokerto và Tangerang với tổng vốn trên 50 triệu USD đế sản xuất kinh doanh ba nhóm hàng này.

*Than, khoáng sản:

Than Indonesia được xuất khẩu chủ yếu sang Hàn quốc, Philipine, Nhật Bản, Trung quốc, Malaysia, Ấn độ, Pakistan, Thái lan và Italia.

Ngày 05/5/2008, Bộ Thương mại Indonesia ban hành quy định về phân loại và xác minh tất cả các sản phẩm khai khoáng để xuất khẩu, ngoại trừ dầu thô và khí gas. Quy định này được đưa ra nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng xuất khẩu trái phép khoáng sản và giảm các tác động xấu tới môi trường, quy định có hiệu lực từ ngày 05/7/2008.

Trung quốc nhập khẩu phần lớn các sản phẩm khoáng sản của Indonesia như quặng sắt, quặng chì, quặng kẽm và quặng crôm. Trong tháng 7/2008, Indonesia xuất khẩu 413.657,08 tấn quặng nikel trị giá 14,5 triệu USD sang Nhật Bản và 1059 triệu tấn quặng nhôm trị giá 17,4 triệu USD sang Singapore. Indonesia cũng xuất khẩu 239,8 triệu tấn quặng mangan trị giá 1,7 triệu USD sang Trung quốc và Ấn độ và 118.060,16 triệu tấn quặng chì trị giá 285,5 triệu USD sang Trung quốc, Nhật Bản và Hàn quốc.

*Xi măng:

Sản lượng xi măng của Indonesia hiện nay khoảng 47 triệu tấn/năm.

Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, Chính phủ khuyến khích các công ty xi măng quốc doanh tăng sản lượng để đáp ứng được nhu cầu trong nước đang có xu hướng tăng 7%, khoảng 39 triệu tấn/năm. Ước tính Indonesia sẽ cần khoảng 60 triệu tấn xi măng vào năm 2013.

*Dầu khí:

Sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Indonesia ông Purnomo Yusgiantoro, Tổng giám đốc của Công ty dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina ông Ari Soemarno và Tổng giám đốc Petro Vietnam ông Trần Ngọc Cảnh, ông Soemarno cho biết Công ty dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina đang nghiên cứu khả năng hợp tác với PetroVietnam quản lý và khai thác một số lô dầu khí tại Iraq. Hiện nay, cả Pertamina và PetroVietnam đều có lô dầu khí tại Iraq.

Theo ông Soemarno, Pertamina cũng đang thăm dò khả năng hợp tác với Petro Vietnam về quản lý và khai thác các giếng dầu khí tại Châu Mỹ la tinh, Nam phí và Ecuador. Tính đến nay 2 công ty cũng đã hợp tác với Petronas khai thác các lô dầu khí tại Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Kardaya Warnika, trợ lý thông tin và truyền thông của Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Indonesia cho biết hiện nay Petro Vietnam cũng đang quan tâm đến một số lô dầu khí tại Indonesia, một trong số đó là tại Đông Kalimantan.

*Về tình hình giá nhiên liệu trong nước:

Từ 15/5/2008, Chính phủ quyết định cắt giảm trợ cấp, tăng giá nhiên liệu đợt 1 lên 28,7% khi giá dầu thế giới đang ở mức 110-120 US, do gánh nặng trợ cấp đã vượt quá mức chịu đựng của ngân sách. Công ty dầu khí quốc gia Pertamina tuyên bố giá khí gas hóa lỏng LPG dùng cho sinh hoạt gia đình bắt đầu từ tháng 9/08 tăng 23%, từ 4250 Rp/kg tăng lên 5250 Rp/kg.

Chính phủ dành 14.100 tỷ Rupiah ( 1,55 tỷ USD ) hổ trợ trực tiếp cho 19,1 triệu hộ nghèo trên cả nước, gồm khoảng 76,4 triệu nhân khẩu. Mỗi hộ nghèo sẽ được nhận 100.000 Rp/ tháng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại đối với Chính phủ Indonesia là sẽ phải tăng giá nhiên liệu thêm một lần nữa trước thời gian bầu cử tháng 4/2009. Việc tăng giá nhiên liệu đã gây ra sự phản ứng dữ dội từ dân chúng, đặc biệt là tại Jakarta. kết quả thăm dò dư luận cho thấy việc tăng giá dầu đã ảnh hưởng lớn đến cuộc chạy đua bầu cử của Tổng thống Yudhoyono vào năm tới.

Hiện nay, trước tình hình giá nhiên liệu có chiều hướng giảm, chính phủ quyết định từ đầu năm 2009 sẽ cắt giảm 20% kinh phí trợ cấp nhiên liệu (tương đương 100,6 triệu Rp ). Nhu cầu nhiên liệu năm 2009 là 36,9 triệu Kilo lít, tăng 3% so với con số từ ngân sách quốc hội năm 2008. Nhiên liệu được trợ giá gồm: 19,4 triệu Kilo lít xăng, 9,8 triệu Kilo lít dầu lửa, 11,6 triệu Kilo lít dầu Diezen. Sản lượng dầu thô dự kiến 960.000 thùng/ngày.

TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU CỦA INDONESIA

*XUẤT KHẨU

Xuất khẩu trong tháng 8/2008 của Indonesia giảm 0,43% so với tháng 7/2008, từ 12.553 triệu USD xuống 12.499 triệu USD. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2007 thì lại tăng 30,26%. Xuất khẩu trong tháng 8/2008 giảm do các mặt hàng phi dầu khí giảm 1,20% , từ 9.679 triệu USD xuống 9.562 triệu USD. Trong khi đó xuất khẩu dầu và khí gas chỉ tăng 2,19% từ 2.874 triệu USD lên 2.937 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 105,95 tỷ USD, tăng 28,40% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu phi dầu khí ước đạt 82,30 tỷ USD, tăng 28,59% so cùng kỳ năm 2007. Trong đó, xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN 18,05 tỷ USD; sang EU 11,01 tỷ USD; sang Trung quốc 6,02 tỷ USD; Nhật 10,10 tỷ USD; Mỹ 9,21 tỷ USD; Úc 1,52 tỷ USD Hàn Quốc 3,3 tỷ USD; Đài Loan 2,05 tỷ USD.

*NHẬP KHẨU

Nhập khẩu tháng 8 giảm 7,42% so với tháng 7/08, đạt 11.864 triệu USD nhờ giảm nhập khẩu dầu và khí 19,06% và giảm nhập khẩu các mặt hàng phi dầu khí 2,92%.

Tổng trị giá nhập khẩu 9 tháng năm nay ước 95,46 tỷ USD, tăng 76,61% so cùng kỳ năm 2007. Trong đó, hàng nhập khẩu được bảo thuế là 18,225 tỷ USD chiếm 19,1%. Nhập khẩu 10 mặt hàng chính chiếm tỷ trọng 80,38%, gồm: Hàng điện tử chiếm 29,52%, thiết bị cơ khí chiếm 18,44%; ô tô, xe máy và phụ tùng chiếm 08,35%; nhựa và sản phẩm nhựa chiếm 05,06%, thép các loại chiếm 8,62%; bông chiếm 03,45%; đồng đỏ chiếm 2,84%; hàng dệt may chiếm 02,63%;dụng cụ, thiết bị quang học chiếm 02,00%. Nhập khẩu từ các nước ASEAN chiếm 37,85% ( riêng nhập khẩu từ Singapore chiếm 27,98% ), từ EU chiếm 05,53%, từ Nhật Bản chiếm 20,95%, từ Hàn Quốc 8,99%; từ Trung quốc 8,29%. !!

TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM-INDONESIA

*Xuất khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay giảm 43,30 % so với 9 tháng đầu năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do sự giảm sút đáng kể của hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là dầu thô và gạo, hai nhóm hàng này các năm qua chiếm tỷ trọng trên 70 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Indonesia.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng gồm: Rau quả các loại đạt 11,71 triệu USD,tăng gấp 6 lần về trị giá.Than đá 12,267 triệu USD, tăng gấp 3,15 lần về trị giá. Giầy dép các loại 4,41 triệu USD, tăng gấp 4,6 lần về trị giá. Hàng hải sản 3,28 triệu USD, tăng 98,7% về trị giá. Hạt tiêu 1,07 triệu USD, tăng 93,81% về trị giá. Sản phẩm nhựa 10 24 triệu USD, tăng 93,15% về trị giá. Gỗ và sản phẩm gỗ 1,39 triệu USD, tăng 77,70 % về trị giá. Hàng dệt may 25,72 triệu USD, tăng 71,47 % về trị giá. Xe đạp và phụ tùng 0,75 triệu USD, tăng 65,78 % về trị giá. Máy vi tính, SP điện tử và linh kiện 3,7 triệu USD, tăng 57,44 % về trị giá. Cao su 6,77 triệu USD, tăng 41% về trị giá.

Các sản phẩm hàng hóa khác tăng gấp 1,63 lần về trị giá.

Các mặt hàng xuất khẩu giảm gồm:

- Gạo giảm 90,75 % về trị giá.
- Dầu thô giảm 82,76 % về trị giá.
- Cà phê giảm 94,93 % về trị giá.
- Đường ăn giảm 54,30 % về trị giá.
- Chè giảm 29,22 % về trị giá.

Các sản phẩm công nghiệp như hàng dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa, cao su, máy vi tính và linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ, xe đạp, phụ tùng xe đạp và các mặt hàng nông nghiệp khác như rau quả, hạt tiêu, hải sản, đều tăng mạnh về trị giá. Tuy nhiên, do các mặt hàng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu nên không thể bù đắp nổi sự giảm sút của hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực nêu trên.

2- Nhập khẩu:

Bảng tóm tắt tình hình nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Indonesia 9 tháng đầu năm 2008
ĐVT : 1.000 USD

TT
Tên hàng
T/h 8 tháng 2008
T/h tháng 9/2008
T/h 9 tháng đầu năm 2008
Tăng, giảm% so cùng kỳ 2007
1
Sữa và sản phẩm sữa
957
0
957
181,47
2
Lúa mỳ
5.125
0
5.125
241,67
3
Dầu mỡ động thực vật
187.265
9.000
196.265
103,90
4
Thức ăn gia súc và nguyên liệu
29.009
3.191
32.220
19,33
5
Nguyên phụ liệu thuốc lá
11.223
1.059
12.282
-15,30
6
Clinker
1.558
0
1.558
-25,80
7
Xăng dầu các loại
39.097
0
39.097
401,24
8
Hóa chất
51.401
7.676
58.717
46,80
9
Các sản phẩm hóa chất
27.391
3.427
30.818
54,10
10
Bột ngọt
308
0
308
-26,67
11
Nguyên phụ liệu dược phẩm
284
92
376
12
Tân dược
5.025
853
5.878
27,78
13
Phân bón các loại
902
252
1.154
14
Thuốc trừ sâu và nguyên liệu
8.015
951
8.966
28,10
15
Chất dẻo nguyên liệu
26.976
3.263
30.239
-44,00
16
Cao su
12.583
2.158
14.741
17,92
17
Gỗ và nguyên phụ liệu gỗ
12.591
2.508
15.099
31,30
18
Bột giấy
5.446
3.879
9.325
15,12
19
Giấy các loại
88.064
8.046
96.110
10,47
20
Bông các loại
4.456
116
4.572
74,11
21
Sợi các loại
36.925
4.694
41.619
30,06
22
Vải các loại
23.203
3.714
26.917
12,15
23
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày
16.772
1.679
18.451
11,82
24
Kính xây dựng
2.686
776
3.462
116,37
25
Sắt thép các loại
78.532
21.756
100.288
89,22
26
Kim loại thường khác
43.749
5.578
49.327
17,44
27
Máy vi tính, SP điện tử và linh kiện
46.361
4.396
50.757
-38,10
28
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng
83.522
20.656
104.178
149,22
29
Ô tô nguyên chiếc các loại
969
0
969
30
Linh kiện ô tô
98.899
11.076
109.975
83,30
31
Linh kiện và phụ tùng xe máy
21.246
2.886
24.132
29,05
32
Hàng hóa khác
221.874
50.833
272.707
94,80
Cộng:
1.192.414
173.993
1.366.407
52,23

Các mặt hàng nhập khẩu tăng gồm:

Về giá trị hàng nhập khẩu, xăng dầu các loại tăng gấp 4 lần, lúa mỳ tăng gấp 2,41 lần , Sữa và sản phẩm sữa tăng gấp 1,81 lần. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng gấp 1,49 lần, kình xây dựng tăng gấp 1,16 lần.

Sắt thép các loại và kim loại thường khác tăng 106,66 %, dầu mỡ động thực vật tăng 103,90 %, hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 100,10 %, linh kiện ô tô tăng 83,30 %, Bông các loại tăng 74,11 %, Gỗ và nguyên phụ liệu gỗ tăng 31,30%, sợi các loại tăng 30,06 %, linh kiện và phụ tùng xe máy tăng 29,05%. tân dược tăng 27,78 %. thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 19,33 %. cao su tổng hợp tăng 17,92 %, bột giấy tăng 15,12 %, vải các loại tăng 12,15 %. Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 11,82 %, giấy các loại tăng 10,47 %.

Các hàng hóa khác tăng 94,8 %.

Các mặt hàng nhập khẩu giảm gồm:

Chất dẻo nguyên liệu giảm 44%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 38,10 %, mỳ chính giảm 26,67%, clinker giảm 25,8 %, nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 15,30 %.

Tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia 9 tháng đầu năm nay lên đến 1.366.407.000,00 USD, tăng 52,23 % so với 9 tháng đầu năm 2007. Giá trị kim ngạch nhập khẩu tăng do hầu hết các mặt hàng nhập khẩu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước đều có xu hướng tăng cả về lượng và giá trị. Nhất là xăng dầu nhập khẩu tăng gấp 4 lần về trị giá.

IV / HOẠT ĐỘNG CỦA THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI INDONESIA TRONG 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2008 :

1- Những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2008:

Indonesia và Việt Nam là hai thị trường tương đồng. Hầu hết các mặt hàng Ta có thế mạnh xuất khẩu thì Bạn cũng có ưu thế xuất khẩu vào thị trường thế giới, trừ hai mặt hàng gạo và lạc nhân. Trong khi đó, có khá nhiều mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu để phục vụ sản xuất trong nước, trước mắt và trong tương lai gần, Việt Nam vẫn phải nhập từ thị trường này.

Trong điều kiện các nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ sự suy thoái của thị trường Hoa Kỳ, Indonesia chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước khu vực đông bắc Á và ASEAN, hạn chế nhập khẩu, việc cải thiện cán cân thương mại đối với thị trường này càng khó khăn hơn trước.

Đặc biệt, hai mặt hàng chủ lực là gạo và dầu thô Ta xuất khẩu vào Indonesia giảm trên 80% , trong khi hai mặt hàng này chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Indonesia.

Đối với mặt hàng gạo, trong khi giá lương thực tăng cao, kim ngạch xuất khẩu gạo của Ta vào các thị trường khác tăng đáng kể, thì việc triển khai các hợp đồng đã ký từ năm trước giữa Doanh nghiệp Việt Nam với BULOG gặp vướng mắc.

Riêng mặt hàng dầu thô, xuất khẩu của Ta vào Indonesia 9 tháng đầu năm nay giảm 82,76 %, trong khi nhập khẩu xăng dầu lại tăng gấp 4 lần.

Mặt khác, trong điều kiện tỷ giá không có lợi cho xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tập trung vào nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu vào thị trường này.

2. Hoạt động của Thương vụ 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2008:

Thương vụ đã tích cực tìm hiểu, sớm thông báo lịch tổ chức các hội thảo, diễn đàn kinh tế, Hội chợ triển lãm quốc tế năm 2008 tại Indonesia để doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tham gia. Thương vụ thu xếp và hỗ trợ tối đa nhằm giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả cao trong việc quảng bá sản phẩm, tìm đối tác ký kết hợp đồng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên thị trường sở tại.

Trong điều kiện tình hình 9 tháng đầu năm nay có nhiều khó khăn, Thương vụ đã và đang tích cực tìm hiểu những thay đổi trong cơ chế chính sách của Bạn và thông tin kịp thời để Nhà nghiên cứu, chỉ đạo. Đồng thời , làm việc với các Hiệp Hội ngành hàng và KADIN để nắm nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp tại thị trường này, tích cực làm cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng còn lại.

Bên cạnh việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn, Thương vụ phối hợp với các bộ phận trong Cơ quan Đại diện tăng cường các hoạt động ngoại giao kinh tế. Tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin , tập trung chuẩn bị các báo cáo phục vụ kịp thời các yêu cầu khẩn, đột xuất của Nhà. Phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các Đoàn Việt Nam sang công tác.

3 tháng còn lại của năm 2008, Thương vụ tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn. Trên cơ sở tiếp thu chỉ đạo của Bộ từ kết quả Hội nghị giao ban Khu vực, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tận dụng mọi cơ hội để giúp Doanh nghiệp Việt Nam chào hàng, quảng bá sản phẩm, tìm đối tác nhập khẩu của Indonesia. Tiếp tục triển khai công tác khai thác thông tin thị trường, nghiên cứu cơ chế chính sách của sở tại. Tích cực tìm hiểu và sớm thông báo lịch tổ chức các hội thảo, diễn đàn kinh tế, Hội chợ triển lãm quốc tế năm 2009 tại Indonesia để doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tham gia.

Thương vụ trân trọng cám ơn sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của các Cục , Vụ , Ngành liên quan và của Lãnh đạo Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Indonesia đã giúp Thương vụ hoàn thành nhiệm vụ .



Nguồn: tinthuongmai.vn
Báo cáo phân tích thị trường