Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VN kỳ vọng làn sóng đầu tư từ Ý
12 | 11 | 2008
Ông Vattani cho rằng kinh tế Ý và Việt Nam phát triển nhờ vào sự đóng góp của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, và những doanh nghiệp này đang là lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế của 2 quốc gia. Đoàn DN đến từ Ý gồm hơn 160 thành viên đã rời Việt Nam ngày 8-11 và các quan chức cao cấp của quốc gia này kỳ vọng sẽ có một làn sóng đầu tư từ Ý vào Việt Nam.
Trong ngày khai mạc diễn đàn giữa doanh nghiệp Ý và Việt Nam tại TPHCM hôm 7-11, Chủ tịch Viện Ngoại thương nước này, ông Umberto Vattani khẳng định lại ý của Bộ trưởng Phát triển kinh tế Claudio Scajola rằng Ý xem Việt Nam là một đối tác trọng tâm trong chương trình phát triển quan hệ đầu tư và thương mại trong các năm 2009 và 2010.

Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Ý tại Việt Nam

Ông Vattani cho rằng kinh tế Ý và Việt Nam phát triển nhờ vào sự đóng góp của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, và những doanh nghiệp này đang là lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế của 2 quốc gia. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong đoàn doanh nghiệp Ý đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư lần nay.

Với số lượng hơn 160, đây là doàn doanh nghiệp lớn nhất của Ý đến Việt Nam từ trước đến nay, nhưng ông Vattani cũng cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu cho việc tăng cường và đầu tư thương mại với Việt Nam.

Ông Marco Saladini, Ủy viên thương mại Ý tại Việt Nam, cho biết vốn đầu tư của "đất nước hình chiếc ủng" tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, với 28 dự án và vốn đăng ký 114 triệu đô la Mỹ.

Ý hiện đứng thứ 9 trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đầu tư vào Việt Nam; nhiều doanh nghiệp lớn của Ý đã có mặt ở Việt Nam như nhà sản xuất bánh kẹo Perfetti - chủ các nhãn hàng Mentos, Piaggio - nhà sản xuất xe vespa nổi tiếng, và Merloni - nhà sản xuất bình nước nóng Ariston.

Trong khi đó, giao thương giữa Việt Nam và Ý mới chỉ tăng từ 320 triệu đô la Mỹ năm 1996 lên 1,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2007. Theo Tổng cục thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2008 thương mại hai chiều đạt 984 triệu đô la Mỹ. Trong 7 tháng đầu năm 2008, nhập khẩu từ Ý tăng 27,8% và xuất khẩu tăng 22,3%, đều thấp hơn so với cả năm 2007.

Việt Nam hiện xuất khẩu sang Ý các mặt hàng như giày dép, rau quả, hàng dệt may, đồ trang trí nội thất, cà phê và hải sản. Việt Nam nhập nhập máy móc, da, thiết bị y tế, hóa chất, đồ gia dụng, thiết bị xây dựng và phương tiện giao thông vận tải từ Ý.

Triển vọng cho hợp tác mới

Ông Saladini hy vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ý và Việt Nam sẽ tăng mạnh sau chuyến khảo sát kéo dài 4 ngày của các doanh nghiệp Ý tại thị trường Việt Nam, bắt đầu từ ngày 4-11.

Ông Vattani phân tích thêm, trong đoàn doanh nghiệp còn có sự tham gia của 11 ngân hàng và họ sẵn sàng cung cấp vốn cho các doanh nghiệp Ý làm ăn với đối tác Việt Nam.

Trong số các ngân hàng trên, Intesa Sanpaulo vừa mở văn phòng đại diện tại tầng 11 của tòa nhà Gemadept tại quận 1, TPHCM. Nhân chuyến khảo sát thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Ý, tập đoàn này đã ký thỏa thuận cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vay vốn 100 triệu đô la Mỹ với thời hạn 3 năm.

Intesa Sanpaulo là tập đoàn tài chính lớn thứ hai ở Ý, sau UniCredit, và hiện có mặt trong top 10 ngân hàng lớn nhất châu Âu.

Theo ông Saladini, Ý cũng thành lập phòng thương mại đầu tiên tại Việt Nam để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Ý làm ăn tại Việt Nam, xúc tiến quan hệ hợp tác giữa họ và các đối tác Việt Nam cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Ý.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Ý và Việt Nam ở Hà Nội ngày 5-11, đã có 2 bản ghi nhớ được ký giữa Viện Ngoại thương Ý và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) về xúc tiến đầu tư, và giữa nhóm các nhà đầu tư của Ý (SIMEST) và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà Nước (SCIC).

Ông Vattani cho biết, đại diện các doanh nghiệp Ý đã có hơn 700 cuộc gặp với các đối tác Việt Nam tại Hà Nội, và 1.100 cuộc gặp để bàn về hợp tác tại TPHCM. Rút kinh nghiệm từ các cuộc khảo sát thị trường tại 25 quốc gia và lãnh thổ, ông nói rằng khoảng 2-3 trong mỗi 10 cuộc gặp mang lại ký kết hợp tác.

Thống kê về chuyến đi này, ông Vattani cho biết có đến 90% các doanh nghiệp Ý trong đoàn cho biết họ hài lòng với các cuộc gặp với đối tác Việt Nam, và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam là rất khả quan.

Sau chuyến khảo sát, ông Saladini cũng nói rằng các doanh nghiệp hai nước đang xem xét nhiều kế hoạch hợp tác và đầu tư. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để các kế hoạch này trở thành hiện thực.

“Lúc đầu chúng tôi chỉ hy vọng về cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước nhưng bây giờ chúng tôi tin rằng nhiều thỏa thuận thương mại sẽ trở thành hiện thực… Tôi tin rằng sẽ có một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam," ông Saladini nói.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường