Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam hấp dẫn như thế nào?
06 | 06 | 2007
20.368 là số nhà đầu tư đông kỷ lục tham gia một buổi đấu giá tại Việt Nam tính đến phiên đấu giá cổ phần Bảo Việt diễn ra vào sáng 31/5/2007. Có công ty chứng khoán còn ước tính rằng, với tốc độ kiểm phiếu tối đa của TTGD khoảng 3.000 lệnh mỗi ngày thì quá trình kiểm phiếu của Bảo Việt sẽ mất 7… ngày làm việc. Giữa năm, giai đoạn thăng trầm nhất trong năm theo kinh nghiệm của giới đầu tư, lại xảy ra chuyện nhà đầu tư đổ xô đi mua cổ phiếu với số lượng đông đảo chưa từng có.
Hình thành làn sóng vốn đầu tư thứ ba
Với lượng người tham gia đấu giá Bảo Việt đông đảo như thế, người ta nghĩ ngay đến giả thiết rằng, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang lao theo các cuộc đấu giá để rồi đẩy giá lên cao ngất, sau đó phải bỏ cọc chạy lấy người như đã từng xảy ra với Thủy điện Thác Mơ, Cadivi… Tuy nhiên, xét kỹ thành phần nhà đầu tư lần này sẽ thấy một con số thống kê có ý nghĩa: 19,5% tổ chức tham gia đấu giá là nhà đầu tư nước ngoài (45/277); 60% khối lượng đăng ký là của tổ chức; lượng đặt mua gấp 6,55 lần lượng chào bán; riêng lượng đăng ký mua của tổ chức cũng gấp 3,87 lần lượng chào bán.
Hai tuần qua, nhiều tờ báo lên tiếng rằng, những thông tin về Bảo Việt chưa thật rõ ràng mà thị trường còn hào hứng thế. Cùng thời điểm này năm ngoái, TTCK còn khá nguội, nhưng hiện nay, giới chuyên môn bắt đầu dự đoán về sự xuất hiện của làn sóng vốn đầu tư gián tiếp thứ ba. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam khi hành lang pháp lý về quản lý vốn nước ngoài chính thức được ban hành. Cảm hứng tạo nên làn sóng này là việc hình ảnh Việt Nam ngày càng hấp dẫn với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, Bảo Việt, MobiFone, Vinaphone…
Làn sóng đầu tiên được ghi nhận vào đầu những năm 1990, bao gồm 7 quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với số vốn huy động khoảng 700 triệu USD. Làn sóng thứ hai được khởi động lại từ năm 2002 với sự xuất hiện của Mekong Enterprise Fund có số vốn 18,5 triệu USD, sau đó là VinaCapital… Từ đó đến giữa năm 2006, Việt Nam đã tiếp nhận thêm hơn 10 quỹ khác với tổng số vốn đầu tư vượt qua con số 1 tỷ USD. Cuối năm 2006, con số này được ghi nhận khoảng 2,2 tỷ USD.
Theo giới chuyên môn, làn sóng đầu tiên là những quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro khi khung pháp lý chưa hoàn thiện và hầu hết đều thất bại. Làn sóng thứ hai là những nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội kiếm lợi nhuận lớn tại Việt Nam khi quá trình cổ phần hóa DNNN đi vào chiều sâu và hầu hết đều thành công.
Thị trường không biết đợi
TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn non trẻ với nhiều cơ hội lớn trong 5 –10 năm tới, nên mặc dù nhiều khi giá cổ phiếu quá nóng, nhưng những nhà đầu tư đến trước luôn có lợi thế lớn hơn. Chính vì các tổ chức đầu tư hiểu rõ điều này, họ không đủ kiên nhẫn không mua với “giá nóng” vì càng mua sau thì giá càng cao hơn, cơ hội càng ít đi.
Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng cộng có 45 quỹ đầu tư trong và ngoài nước có hoạt động đầu tư liên quan đến TTCK Việt Nam với tổng vốn lên đến hơn 6,2 tỷ USD, trong đó, 26 quỹ đầu tư thành lập tại nước ngoài với tổng vốn lên đến 5,12 tỷ USD. Nghĩa là từ cuối năm 2006 đến nay, tổng vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK đã tăng hơn 100%.
Việc cần làm đối với một quỹ đầu tư và những ngày đầu họ tham gia thị trường là gì? Theo giới chuyên môn thì cho dù được xem là đầu tư chuẩn mực, các quỹ đầu tư cũng thường đổ tiền ra mua ồ ạt cho đến khi 30 – 50% lượng tiền cần giải ngân được chuyển thành chứng khoán, sau đó là giai đoạn tập trung nghiên cứu chuyên sâu – xây dựng các chuẩn mực đầu tư và rồi cuối cùng là bắt đầu “dọn rác”.
Tại sao họ phải làm như vậy? Một nhà phân tích giải thích: công ty quản lý quỹ không thể giải thích với các nhà đầu tư giao tiền cho quỹ rằng, thị trường bất lợi hơn những viễn cảnh tươi đẹp mà họ đã nói khi yêu cầu rót vốn, cho nên quỹ cứ giữ tiền mặt cho an toàn. Do đó, việc đầu tiên của các quỹ khi gia nhập thị trường hoặc một quỹ mới tăng vốn, là đổ tiền ra mua cổ phiếu niêm yết, vì chọn lựa này có vẻ an toàn và đủ thông tin hơn cổ phiếu OTC. Mua công ty lớn an toàn hơn công ty nhỏ. Thị trường không cho phép họ dừng lại vì sẽ mất cơ hội, hỏi làm sao họ có thể quá cân nhắc rằng giá cổ phiếu đã đắt?
Tại Việt Nam hấp dẫn hơn ta tưởng
Phân tích như trên không có nghĩa là các quỹ đầu tư buộc phải mua cổ phiếu bằng mọi giá chỉ vì lỡ huy động vốn quá nhiều. Mặc dù lượng hàng hóa niêm yết thực sự không cho phép lựa chọn nhiều nhưng việc các quỹ đầu tư cứ tiếp tục tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng vốn huy động lại xác nhận một thực tế: cơ hội tại Việt Nam rất hấp dẫn, còn hấp dẫn hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng vào thời điểm hiện nay.
Để phần nào nhìn nhận về cơ hội mà thị trường Việt Nam đang mở ra cho các tổ chức quốc tế, xin xâu chuỗi lại một bối cảnh thị trường đã được mô tả trong suốt hai năm qua: Việt Nam là một nền kinh tế đang mở cửa và hội nhập về mọi mặt. Sự mở cửa và hội nhập này được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế tài chính không biên giới mà người ta hình dung là một thế giới phẳng. Ở Việt Nam, một đất nước mà quá trình làm phẳng đang bắt đầu diễn ra, cơ hội lớn nhất là chiếm được các vị trí trong top 5 hoặc top 10 doanh nghiệp đầu một ngành hoặc ít nhất là một phân khúc trong ngành. Vì lẽ đó, những tổ chức kinh tế nhạy bén đến trước sẽ quyết liệt đặt “gạch” giữ chỗ tốt nhất ở những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế. Kết quả còn ở tương lai, nhưng nếu chỉ tính đến phần bán lại viên gạch xí chỗ cho những người đến sau thì khoản lời cũng không thể đong đếm được.


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường