Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao quan hệ kinh tế Việt Nam - Italia còn khiêm tốn?
10 | 10 | 2007
Theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, thương mại hai chiều Việt Nam - Italia 2007 quy ra USD sẽ đạt ít nhất 1,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Italia lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Italia nhận định rằng mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Italia từ năm 2005 (đạt 757,82 triệu USD) trở lại đây tăng nhanh, đã có những mặt hàng đạt tới mức tăng trưởng 3 con số như giày dép, thuỷ sản..., nhưng nhìn chung, trị giá tuyệt đối vẫn còn thấp so với nhiều thị trường khác.

Thời gian qua, các mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Italia bao gồm máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải, da nguyên liệu, thiết bị điện, phân bón, nguyên liệu nhựa, thiết bị cơ khí chính xác, giấy. Tốc độ nhập khẩu tuy tăng cao, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Italia với tỷ lệ tương quan xuất/nhập là 65/35.

Trong những năm gần đây, chính sách mở cửa của Việt Nam và đặc biệt là sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách thương mại và giới doanh nghiệp Italia. Tại Italia, Việt Nam đang được nhắc đến như một thị trường mới nổi và một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Thế nhưng đầu tư của Italia cũng như đa số các nước EU khác vào Việt Nam còn thấp so với khả năng của nền kinh tế Italia.

Hiện nay, Italia đứng thứ 37 trong 79 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 8/2007, Italia có 22 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là 48.270.238 USD, trong đó vốn điều lệ là 22.532.076 USD và vốn đã thực hiện là 28.439.591 USD.

Các dự án của Italia tập trung vào ngành công nghệ chế tạo, công nghiệp nhẹ. Sắp tới đây, một dự án đầu tư lớn của Italia là hãng Piaggio dự kiến xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất xe máy ở gần Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italia, đã dẫn ra 3 nguyên nhân chính khiến cho đầu tư của Italia vào Việt Nam còn thấp.

Thứ nhất là do các doanh nghiệp của Italia phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, truyền thống đầu tư ra nước ngoài chưa mạnh mẽ như các nước công nghiệp phát triển khác.

Thứ hai, doanh nghiệp Italia còn chưa có hiểu biết nhiều về khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng nên chưa dám đầu tư mạnh mẽ vào khu vực này. Các khu vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Italia từ trước đến nay là bán đảo Balkan, Brazil và Mỹ Latinh, Trung Quốc, Ấn Độ.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp của Italia vẫn cho rằng môi trường pháp lý của Việt Nam chưa mở. Theo họ, Việt Nam dù đã là thành viên WTO, nhưng còn chưa đáp ứng các tiêu chí của nền kinh tế thị trường nên tạo ra lo ngại cho nhà đầu tư về sự phân biệt đối xử.

Xét về một số quan hệ kinh tế khác như du lịch thì hiện nay du khách Italia chưa có nhu cầu cao về du lịch đến Việt Nam. Nguyên nhân chính là do họ chưa có nhiều thông tin về những địa điểm hấp dẫn của Việt Nam. Vì thế các đoàn du lịch mới chỉ được tổ chức ở quy mô nhỏ lẻ, một số đi theo hình thức tự túc.

Bên cạnh đó, với số lượng di tích và truyền thống lịch sử, Italia cũng là đất nước thu hút khách du lịch và cũng là một địa chỉ hấp dẫn với nhiều du khách Việt Nam. Nhưng vì chưa am hiểu nên số lượng khách Việt Nam đi du lịch Italia cũng chưa nhiều.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, còn có một tiềm năng mà Việt Nam chưa tiếp cận với thị trường Italia, đó là xuất khẩu lao động. Hiện nay, Việt Nam chưa xuất khẩu lao động sang Italia, còn số lao động sang theo con đường tự phát cũng rất ít. Trong khi đó, thị trường lao động Italia tương đối dễ tính, không đòi hỏi kỷ luật cao như nhiều nước Bắc Âu và Trung Âu.

Một lĩnh vực khác nữa là hợp tác trong dịch vụ giao thông giữa Việt Nam và Italia cũng chưa thiết lập. Hiện hai nước chưa có đường bay thẳng đến các thành phố của nhau.

Đặc biệt, Italia là một nước có nhiều cảng, trong đó lớn nhất là Genova. Đây có thể là một đầu mối đưa hàng vào châu Âu nói chung và Nam Âu nói riêng, nhưng hiện nay tàu biển của Việt Nam chưa đến các cảng này. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đều phải trung chuyển qua các cảng thứ ba như Rotterdam, Singapore, Hồng Kông.

Ngoài ra, Italia còn là một quốc gia nổi tiếng về các lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế thời trang, nhưng hiện nay số sinh viên Việt Nam sang du học tại Italia còn ít và mới chủ yếu đi theo con đường tự túc.

Hi vọng, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước hiện nay và uy tín đang lên của Việt Nam sẽ là điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ kinh tế phát triển xứng với tiềm năng của hai nước.



Nguồn: vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường