Đây là phát biểu khai mạc của ông Walter J. Armbruster trong hội thảo Triển vọng ngành lương thực thực phẩm Thái Bình Dương diễn ra ở Côn Minh trong 3 ngày 11 đến 14/5. Trong phần trình bày của mình chuyên gia Bill Coyle Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhận định quá trình toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế cùng với luồng vốn đầu tư nước ngoài và các tập đoàn chế biến và kinh doanh thực phẩm thâm nhập vào các thị trường đang tăng trưởng đã dẫn đến những thay đổi cơ bản các hoạt động kinh doanh truyền thống, tạo nên sự bùng nổ của ngành bản lẻ lương thực-thực phẩm hiện đại như siêu thị, mạng lưới cửa hàng thực phẩm. Trong khi đó, về phía cầu, tăng lên của thu nhập và quá trình đô thị hoá dẫn đến lối sống thay đổi, nhu cầu tiêu thụ trở nên đa dạng hoá càng làm cho quá trình này diễn ra nhanh mạnh. Xu thế này đang mở ra các triển vọng kinh doanh mới và cũng đặt ra những vấn đề về chính sách quan trọng.
Giáo sư Tom Reardon đại học Michigan cho rằng đối với vùng châu Á Thái Bình Dương, sự phát triển của mạng lưới bán lẻ hiện đại, đặc biệt là hệ thống siêu thị chia ra làm ba làn sóng lớn: Làn sóng thứ nhất, các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Chi Lê, Phillipin; Làn sóng thứ hai, Mêxicô, Thái Lan, Inđônêxia; Làn sóng thứ ba, Pêru, Trung Quốc, Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 30-40%/năm. Bà Farzana Moshin giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương của Euromonitor - tổ chức nghiên cứu thị trường nổi tiếng thế giới cho rằng ngành bán lẻ thực phẩm đóng gói của vùng châu Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng rất mạnh do thu nhập tăng mạnh, nhu cầu đa dạng hoá, và sự phát triển của loại hình bán lẻ hiện đại
Trình bày của đại biểu đến từ các nước cho thấy kinh doanh bán lẻ lương thực và thực phẩm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể phân chia làm hai xu hướng phát triển chính. Thứ nhất, Nhật Bản, tiếp theo Hàn Quốc, và Trung Quốc, với sự tồn tại song song của các siêu thị quy mô lớn và các chợ truyền thống mặc dù hệ thống siêu thị đang có sự tăng trưởng mạnh. Thứ hai, Philippin và một mức độ nào đó ở Thái Lan, Inđônêxia, Malaisia diễn ra chiều hướng phương Tây hoá rất mạnh và có phần lấn át, chi phối của các tập đoàn bán lẻ kinh doanh quy mô lớn, hiện đại thông qua các siêu thị và hệ thống bán hàng, mô hình truyền thống ngày càng suy yếu.
Về xu hướng phát triển của siêu thị đó là 3 xu thế cơ bản: (i) lan toả từ các thành phố lớn, trung tâm đến các đô thị nhỏ, thị trấn; (ii), Người tiêu thụ từ tầng lớp giàu có đến trung lưu, khá giả và bình thường; (iii), các sản phẩm bán trong siêu thị bắt đầu từ sản phẩm chế biến, đóng hộp mở rộng ra các sản phẩm tươi sống.
Việt Nam sẽ tiếp nối
Đối với Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu đầy đủ về chủ đề này, dẫn đến chưa có đánh giá chính xác về hiện trạng nhu cầu và tiềm năng phát triển của mạng lưới bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh của loại hình bán lẻ lương thực thực phẩm hiện đại.
Về phía cầu, những năm gần đây quá trình đô thị hoá, sự tăng lên của thu nhập, tầng lớp trung lưu nổi lên dẫn đến nhu cầu ngày càng đa dạng, tăng lên theo hướng đòi hỏi các sản phẩm tiêu chuẩn và an toàn. Năm 1998, 20% người giàu nhất có thu nhập trên 600 USD/năm còn hiện nay là 1200 USD/năm. Nếu tính cho thành phố Hồ Chí Minh, 20% người khá giả nhất có thu nhập 1400 USD/năm và tiêu dùng 800 USD/năm. Sự tăng trưởng mạnh của thu nhập và tiêu dùng cho thấy một thị trường tăng trưởng mạnh để giới kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Hơn nữa, xu hướng này có hàm ý quan trọng đối với định hướng phát triển. Trong thời gian qua dường như xu hướng chỉ chú trọng đến xuất khẩu đã bỏ quên tiềm năng của thị trường nội địa để cho nước ngoài khai thác.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy tiềm năng và vị trí quan trọng của việc khai thác thị trường nội địa có thể tránh được "cái bẫy" của xuất khẩu nông sản thô giá rẻ. Giáo sư Thomas Readon cho rằng kinh nghiệm của các nước Mỹ La Tinh cho thấy tiềm năng của ngành bán lẻ, lượng rau quả mà các siêu thị ở các nước này tiêu thụ gấp đôi kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy về phía chính sách vấn đề quan trọng đó là tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi đối với ngành kinh doanh đầy tiềm năng này. Kinh nghiệm các nước cho thấy sự quan trọng trong phát triển các hệ thống marketing, công tác phát triển đô thị và quy hoạch để phát triển mạng lưới tiêu thụ bán lẻ thực phẩm thúc đẩy tiêu thụ nông sản của khu vực nông thôn. Alan D. Steward giám đốc tập đoàn siêu thị Matahari[1] có trụ sở ở Hoa Kỳ hiện đang làm ăn rất phát đạt ở Inđônêxia cho rằng, ông đang xem xét khả năng mở rộng thị trường sang Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ giá thuê đất để kinh doanh siêu thị ở Trung Quốc và Việt Nam còn cao nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.