Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh Hoá: Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng
09 | 09 | 2008
Chăn nuôi được xem là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá cả thị trường có nhiều biến động kéo theo thị trường thức ăn chăn nuôi liên tục tăng làm cho người chăn nuôi cũng đang ít dần.
Có thể nói chưa bao giờ người chăn nuôi lại gặp nhiều khó khăn như lúc này, vừa trải qua trận dịch lợn tai xanh, các bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm... người chăn nuôi lại “lao đao” vì cơn “bão giá” thức ăn gia súc. Theo tính toán của một số hộ chăn nuôi và chủ một số đại lý thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh cho biết: Chỉ trong vòng 2 tháng (cuối tháng 6, đến đầu tháng 8), giá các loại thức ăn của các hãng: Lái Thiêu, Đại Hiệp, Con Cò, Phú Gia... liên tục tăng, trung bình 1 bao thức ăn loại 25 kg tăng từ 20 đến 25 ngàn đồng, có loại tăng 35.000 đồng. Để nuôi lợn thịt tăng được 1 kg thì người chăn nuôi phải tiêu tốn 32.000 đồng mua cám, chưa tính thức ăn phụ, trong khi giá thịt lợn hơi trên thị trường chỉ có 28.500 đồng/kg. Với mức giá thức ăn hiện nay thì trung bình 1 tạ lợn hơi, người chăn nuôi chịu lỗ từ 100.000 đến 150.000 đồng.
Đối với chăn nuôi gia cầm, trung bình một con vịt đẻ trứng 1 ngày ăn hết 1,8 lạng cám (khoảng 2.000 đồng), giá trứng thị trường chỉ 1.300 đồng/quả... người chăn nuôi lỗ vốn. Tình hình giá cả leo thang đã buộc các hộ chăn nuôi gia trại phải tính toán “bớt” khẩu phần ăn của đàn gia súc, gia cầm bằng cách trộn thêm thức ăn phụ: rau, chuối, thức ăn thừa của nhà hàng, bã rượu, bia... để giảm chi phí đầu vào. Có hộ còn phải bán “non” đàn lợn vì không kham nổi tiền thức ăn. Nhìn chung, các hộ chăn nuôi đều có tâm trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không dễ không muốn nuôi thì bỏ mà nuôi thì khó khăn...
Một lý do muôn thuở mà các nhà sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi đưa ra là do giá nguyên liệu nhập khẩu, cước vận chuyển tăng cao. Lượng gia súc, gia cầm bán ra thị trường ồ ạt khiến cho cán cân giữa “cung và cầu” mất thăng bằng... Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp Phú Gia (thuộc Công ty cổ phần Nông sản Thanh Hóa) được biết, từ đầu năm đến nay, giá thu mua nguyên liệu hàng nông sản nội địa như: ngô, sắn, cám xoa, bột vỏ sò... đều tăng khoảng 50%, cước vận chuyển tăng 30%. Một số nguyên liệu phải nhập khẩu qua ủy thác như: khô dầu đậu tương tăng từ 6.000 đồng đến 11.000 đồng/kg trong hai tháng (tháng 6 và 8); dầu, mỡ cá làm béo thức ăn tăng khoảng 5 ngàn đồng/kg... Bình quân, chi phí đầu vào sản xuất của nhà máy tăng 37%, nhưng đầu ra sản phẩm chỉ tăng 35%... Theo bảng giá thức ăn chăn nuôi của nhà máy, thì cuối tháng 6 là thời điểm giá thức ăn cao nhất từ đầu năm đến nay, thức ăn đậm đặc cho lợn có giá từ 66.000 đến 68.000 đồng/bao 5 kg (tùy theo độ đạm); thức ăn hỗn hợp cho lợn có giá bán từ 289.000 đến 299.000 đồng/bao 40 kg; thức ăn hỗn hợp cho vịt 298.000 đồng/bao 40 kg; thức ăn hỗn hợp cho trâu bò 228.000 đồng/bao 40 kg... Đến cuối tháng 8, nhà máy đã điều chỉnh lại giá bán, bình quân giảm 150 đồng/kg so với giá bán cuối tháng 6... Do tăng giá nên lượng hàng sản xuất và tiêu thụ của nhà máy khoảng hai tháng nay cũng cầm chừng, trước đây nhà máy tiêu thụ được 80 tấn/ngày, nay chỉ tiêu thụ được 50 tấn/ngày... Mặc dù nhà máy đã nhiều lần điều chỉnh mức giá bán ra thị trường, nhưng vẫn phải chia sẻ cùng người chăn nuôi...
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cầm chừng đã gây ảnh hưởng chung đến nhịp độ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đã đến lúc tỉnh cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi về vốn đầu tư, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành để khống chế được dịch bệnh; các nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cần tăng cường hơn nữa việc sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, hạn chế nguyên liệu nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi; đồng thời tạo điều kiện về vốn để các đơn vị sản xuất, chế biến thức ăn duy trì hoạt động. Đi đôi với những việc cần làm nêu trên, một đòi hỏi yêu cầu đơn vị sản xuất thực hiện là công khai niêm yết giá và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm để giữ chữ “tín” đối với người mua thức ăn chăn nuôi trên thương trường hiện nay.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường