Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
05 | 08 | 2008
Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững được đề ra trong bối cảnh ngành còn đối mặt với bộn bề gian khó. Nhiều ý kiến cho rằng, quy mô nhỏ lẻ, bất cập trong khâu giống, phát triển đồng cỏ, vùng nguyên liệu cho chế biến thức ăn,... là “rào cản” khiến mục tiêu trên khó thành hiện thực.
Bài 1: Quy mô nhỏ, nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan

Sẽ thật khó để tìm được gam màu sáng trong “bức tranh” chăn nuôi ở Việt Nam. “Bóng đen” của dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng; hạn chế trong sản xuất, kinh doanh như chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, môi trường ô nhiễm... không chỉ khiến các cấp quản lý đau đầu mà người nuôi cũng lao đao.

Quy mô nhỏ, thiếu bền vững

Trong lần kiểm tra dịch heo (lợn) tai xanh tại Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã phải thốt lên: “Dịch bệnh lây lan nhanh khủng khiếp”. Không chỉ lây lan nhanh, mức độ thiệt hại mà dịch bệnh gây ra cho ngành chăn nuôi ngày càng lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Điển hình là Thanh Hóa, toàn tỉnh có 1, 3 triệu con lợn, hầu hết đều được nuôi ở quy mô hộ gia đình. Mà đã nuôi nhỏ lẻ theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, tận dụng thức ăn thừa thì tất nhiên chẳng hộ nào quan tâm tới công tác tiêm phòng hay phòng chống dịch bệnh theo quy trình của cơ quan thú y.

Những năm qua, ngành chăn nuôi luôn giữ mức tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2001-2006 tăng 8,5%/năm. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2006 tăng trưởng 7,3% so với năm 2005. Tuy nhiên, năm 2007 chỉ đạt 4,6%, tỷ trọng của ngành tăng 24,1% (giảm 1,4% so với năm 2006). Tổng đàn gia cầm tăng từ 216 triệu con năm 2001 lên 226 triệu con năm 2007, tổng đàn trâu là 2.996.415 con, đàn bò 6.724.703 con.

Không chỉ hộ chăn nuôi gặp khó mà cả những dự án được sự hỗ trợ khá hấp dẫn cũng thất bại. Đơn cử như Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa ở Lệ Xá (Tiên Lữ-Hưng Yên). Những hộ dân tham gia dự án được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/con bò giống; 3,5 triệu đồng/con bò giống ngoại thuần; cho vay không tính lãi 3 năm với mức 10 triệu đồng/con bò giống. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chi phí vận chuyển bò từ cơ sở cung cấp giống về tới hộ gia đình, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi... Tuy nhiên, hiệu quả mô hình mang lại rất thấp. Một số hộ có bò sinh sản, nhưng phần lớn là bê đực, không phát triển được, nhiều con chết ngay sau khi sinh. Số còn lại được xẻ thịt bán. Nguyên nhân của thực trạng này là do bò không được chăm sóc đúng cách nên gày yếu. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu của địa phương cũng không phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa tại đây.

Lý do thứ hai khiến chương trình thất bại là do kỹ thuật chăn nuôi chưa bảo đảm, nhất là vấn đề thức ăn cho bò. Nuôi bò sữa đòi hỏi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, tuy nhiên người dân vẫn quen chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chăn thả, tận dụng thức ăn, do đó thất bại là điều tất yếu.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương thừa nhận: “Ngành chăn nuôi cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng vẫn mang tính tự phát; quy mô kinh tế hộ nhiều hơn là kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, thói quen chăn nuôi truyền thống đã ăn sâu trong suy nghĩ của người dân. Việc cấp 4-5ha đất để xây dựng trang trại cũng gặp khá nhiều khó khăn vì quỹ đất hạn chế; ngoài ra còn khó khăn về giống, vốn đầu tư”.

Cần đầu tư Chăn nuôi tập trung

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng manh mún, trên cơ sở đó kiểm soát tốt dịch bệnh là phát triển vùng chăn nuôi tập trung. Xã Thạch Thán (Quốc Oai -Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) hiện là địa phương duy nhất trong cả nước thành công với mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Là xã thuần nông, không có nghề phụ nên chăn nuôi lợn trở thành hướng phát triển chính của người dân nơi đây. Trước khi chuyển các trại lợn ra xa khu dân cư, Thạch Thán phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng. Năm 2005, Đảng ủy, HĐND và HTX nông nghiệp Thạch Thán họp bàn với dân, lựa chọn khu đất rộng 35ha xa khu dân cư thực hiện phương án chuyển đổi. Sau 2 năm triển khai, Thạch Thán có hẳn khu chăn nuôi lợn tập trung “liên kết” nhiều trang trại, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 1,4-2 tỷ đồng, nuôi 1.000-2.000 đầu lợn/trang trại. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật chăn nuôi cho các chủ trang trại, chính quyền địa phương đầu tư làm đường giao thông, đường điện, hệ thống kênh mương ở khu vực trang trại chuyển đổi. Chủ tịch UBND xã Bùi Tả Ngạn cho biết, chủ trương của xã là tiếp tục đưa thêm các hộ dân có điều kiện ra chăn nuôi ở khu vực đã quy hoạch.

Để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tỉnh Hải Dương tập trung phát triển 3 loại vật nuôi có thế mạnh là lợn, bò và gia cầm; có chính sách quy hoạch đất đai, định hướng lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp; chú trọng chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung. Đổi mới chính sách cho vay tín dụng, bố trí sản xuất, chăn nuôi gắn với việc xử lý chất thải, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đưa ra các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, chọn giống tốt, thức ăn chăn nuôi công nghiệp đảm bảo; xây dựng chuồng trại, thiết bị tiên tiến phù hợp với từng vật nuôi và đặc điểm khí hậu của từng vùng.

Quy hoạch đất đai, vấn đề ưu tiên hàng đầu

Muốn ngành chăn nuôi phát triển ổn định, có chiều sâu, chúng ta cần rà soát và quy hoạch lại đất đai. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao nhận định, cần hình thành các khu chăn nuôi riêng biệt, mang tính công nghiệp, độc lập, cách xa dân cư. Tuy nhiên, nhiều địa phương lại quan niệm đơn giản, chăn nuôi tập trung là gom các hộ nuôi nhỏ lẻ vào một khu đồng bãi nào đó. Vì vậy, một số khu chăn nuôi tập trung đang biến thành gia trại hoặc khu “kinh tế mới”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám:
Đừng hiểu quy hoạch chăn nuôi như quy hoạch... khu công nghiệp
Hiện, nhiều địa phương đang hiểu quy hoạch chăn nuôi giống như quy hoạch khu công nghiệp! Đây là suy nghĩ sai lầm. Không nhất thiết phải đem gà, vịt, ngan ngỗng, lợn, bò nhốt vào một khu.

Cách làm tốt nhất là chúng ta phải chỉ ra vùng nào phù hợp với từng đối tượng vật nuôi để bố trí đất đai cho hợp lý.

Trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có quy hoạch cụ thể để phát triển chăn nuôi tập trung theo chu trình khép kín, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tuy nhiên, việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung còn nhiều khó khăn. Một số địa phương đã có chính sách dồn điền, đổi thửa để dành đất cho chăn nuôi tập trung, nhưng các hộ có đất lại không có khả năng tài chính, không có kinh nghiệm chăn nuôi. Ngược lại, các hộ có vốn lại không có đất. Hơn nữa, đất đã chuyển đổi vào khu chăn nuôi tập trung, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được thế chấp, vay vốn ngân hàng.

Song song với quy hoạch đất, cần quy hoạch lại các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; nhà máy chế biến, giết mổ gia súc và gia cầm tập trung, công nghiệp; xây dựng các kho, cảng, giúp cho việc vận chuyển, dự trữ nguyên liệu thức ăn và thức ăn chăn nuôi... sao cho phù hợp nhất.




Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:
http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2008/8/13044.html



Báo cáo phân tích thị trường