Theo ông Doanh cần phải cải cách hành chính, cải cách các thủ tục đầu tư. Hiện tại các Luật Đất đai, Luật Môi trường… không tương thích với nhau nên nhà đầu tư gặp khó, chẳng hạn khi xin được miếng đất thì lại “đụng” môi trường. Nhiều diễn giả cũng đồng tình với quan điểm kích cầu phải đi đôi với cải cách.
“Rất nên kích cầu đi đôi với cải cách hành chính”-TS.Phan Chánh Dưỡng nhấn mạnh. Ông lý giải, lý do sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu là vì chi phí phi kinh tế nằm ngoài giá thành sản phẩm của chúng ta quá lớn. Vì vậy, sản phẩm và dịch vụ rất khó cạnh tranh. Nguyên nhân sâu xa là cơ chế, bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay đang “có vấn đề”.
TS.Trần Đình Thiên- Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam so sánh việc nhiêu khê trong hành chính của ta hiện nay cũng giống như tình trạng kẹt xe trên đường. Vì vậy, theo ông, phải kích thích phát triển đồng thời tạo ra sự liên thông, thông suốt của toàn xã hội. Cũng chính vì vậy, theo các chuyên gia, khu vực công là nơi cần phải cải cách trước nhất và mạnh mẽ nhất.
Việc huy động nguồn vốn để kích cầu trong vòng 1-6 tỷ USD có thể là khả thi, nhưng mức thâm hụt ngân sách sẽ rất lớn (khoảng 8-12% GDP), gây mất cân đối nghiêm trọng cho nền kinh tế. …Việc sử dụng gói kích thích chỉ là một phần trong các công cụ chống suy thoái. Nếu quá chú trọng đến công cụ này, có thể làm lu mờ tầm quan trọng của các công cụ và lĩnh vực khác trong nền kinh tế đang rất cần có sự thay đổi và cải cách. TS. Nguyễn Đức Thành- GĐ CEPR |
Thậm chí, TS.Thiên cho rằng nhân dịp kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế này nên cấp tiền để giảm biên chế tại khu vực công, tại các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp nhà nước.
Và theo ông, đó là cách tốt để giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, doanh nghiệp.
Việc “rót” ngân sách vào đâu để mục đích kích cầu đem lại hiệu quả là điều đang được quan tâm. Theo TS. Nguyễn Đức Thành-GĐ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR- ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), Trưởng nhóm nghiên cứu về Chính sách kích cầu, việc kích cầu phải nhắm đến hiệu ứng lan tỏa của đồng vốn kích cầu.
Trước đây, đầu tư là đối tượng đem lại hiệu ứng lan tỏa lớn, nhưng những năm gần đây, tiêu dùng đã vươn lên trở thành thành phần có hiệu ứng lan tỏa lớn nhất; trong đó tiêu dùng nông thôn mạnh hơn so với thành thị.
Và đó là lý do ông cho rằng nên kích cầu vào các ngành sản xuất dịch vụ có chỉ số lan tỏa lớn, nhất là 3 ngành: chế biến lương thực thực phẩm; chế biến hàng hóa tiêu dùng và chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cũng theo TS.Thành, nên kích cầu vào các vùng kinh tế có chỉ số lan tỏa lớn, nhất là vùng Đông Nam Bộ và Đông Bắc Bộ.
TS.Lê Đăng Doanh cho rằng nên kích cầu vào khu vực lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp, lao động khu vực xuất khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ… TS.Vũ Thành Tự Anh-Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, có cùng quan điểm, ông cũng lưu ý nên kích cầu vào các ngành thâm dụng lao động chứ không nên kích cầu vào những ngành thâm dụng vốn.
Vì rằng, các ngành thâm dụng vốn là đầu tư mang tính dài hạn, trong khi kích cầu là biện pháp “cứu lửa” mang tính khẩn cấp, ngắn hạn nên chỉ có thể nhắm đến các khu vực thâm dụng lao động.
Dù kích cầu vào đâu, theo TS.Trần Đình Thiên, trước khi “chia tiền” kích cầu cần phải có quy tắc về việc chia nguồn kinh phí kích cầu nhằm mang lại hiệu quả, đồng thời chống thất thoát.