Lạm phát 2008: bức tranh nhiều màu sắc
Năm 2008 ghi nhận sự biến động phức tạp của chỉ số tăng giá tiêu dung CPI, trong khi các tháng đầu năm chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của chỉ số CPI thì đến cuối năm chỉ số này lại đang có xu hướng giảm. Theo tổng cục thống kê cụ thể chỉ số CPI tháng 10 giảm -0,19%; tháng 11 giảm -0,76%; tháng 12 giảm -0,68%. Tuy nhiên chỉ số CPI cả năm vẫn tăng 22,4% ở mức độ rất cao nhưng cũng phải công nhận cố gắng rất lớn và kịp thời của chính phủ trong việc kìm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng. Có được kết quả trên là nhờ các chính sách điều tiết kinh tế đúng đắn và kịp thời của chính phủ như thắt chặt tiền tệ trong các tháng đầu năm, giảm chi tiêu thường xuyên, rà soát và kìm chế tốc độ đầu tư các dự án công.
Tuy nhiên cái giá phải trả chính là sự tăng trưởng chậm lại của toàn bộ nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đã đi từ thái cực lạm phát phi mã sang trạng thái giảm phát mà biểu thị rõ ràng nhất là chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm trong các tháng cuối năm trái ngược hoàn toàn so với các năm trước. Điều này chứng tỏ tổng mức cầu nội địa đã suy giảm đáng kể. Điều này gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế đối với Việt Nam trong năm 2009. Chính vì lẽ đó, áp lực nới lỏng tiền tệ, kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đang đè nặng lên chính phủ và đây sẽ là một bài toán khó đòi hỏi chính phủ phải điều hành chính sách hết sức khéo léo nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản. Duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao năm 2009 (6.5% theo nghị quyết của quốc hội) và kìm chế không cho cơn bão lạm phát bùng nổ trở lại.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân đang rất kì vọng vào gói giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng của chính phủ trị giá 1 tỷ USD sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, kích thích đầu tư và tiêu dùng, tạo thêm công ăn việc làm giúp tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên để gói giải pháp này phát huy tối đa hiệu quả cần một chính sách điều tiết sáng suốt.
Lạm phát có xu hướng giảm nhưng nền kinh tế Việt Nam chưa thể an tâm hoàn toàn với nguy cơ này bởi nhiều lý do. Thứ nhất lạm phát vẫn đang hiện hữu và ở mức cao( chỉ số CPI tăng 22,4% trong năm 2008) đòi hỏi các bước đi thận trọng của chính phủ. Nếu lạm phát không giảm tiếp tục trong thời gian tới nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Tiền đồng mất giá sẽ khiến suy giảm tiêu dùng, thoái vốn đầu tư nước ngoài và qua đó giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn sẽ trở nên cực kì mạo hiểm khi cả phía sản xuất và tiêu dùng đều mất lòng tin vào tiền VND như một phương tiện dự trữ giá trị. Nếu chính phủ nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ đồng thời ưu đãi tín dụng cho các dự án và doanh nghiệp yếu kém thì hiệu quả của gói kích cầu kích thích kinh tế sẽ là rất ít nhưng lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng. Tình trạng này đòi hỏi chính phủ phải tiếp tục cải cách và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhà nước cũng như kiểm soát tốt hơn các dự án công.
Bên cạnh đó nguy cơ kinh tế suy thoái dẫn đến giảm phát cũng đã bắt đầu khi dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tăng rất ít trong ba tháng cuối năm trong khi ngân hàng nhà nước đã bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn không phải vì lãi xuất cao( lãi xuất đã liên tục giảm trong 3 tháng cuối năm, lãi xuất cơ bản 12/2008 chỉ còn 8,5%) mà vì triển vọng môi trường kinh doanh năm 2009 là không khả quan. Trong khi đó áp lực tạo ra 1,7 triệu việc làm mới trong năm 2009 đang đè nặng lên khối doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương khá nặng bởi biến động kinh tế năm 2008. Có thể khẳng định một chính sách tiền tệ nới lỏng là không đủ để đảm bảo khôi phục và tạo đà tăng trưởng vững chắc cho kinh tế Việt Nam.
Trong khó khăn còn đó những cơ hội
Trước khó khăn thách thức to lớn năm 2009, Việt Nam vẫn có thể tìm ra những cơ hội biến nguy cơ thành tiềm năng và cơ hội tăng trưởng. Trước hết tình trạng khó khăn và nan giải của bài toán kích thích tăng trưởng đi kèm với kìm chế lạm phát sẽ khiến chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách cơ cấu nền kinh tế vốn được cho là hoạt động kém hiệu quả trong những năm qua. Chính phủ sẽ phải tiếp tục cải cách và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhà nước cũng như kiểm soát tốt hơn các dự án công. Việc cơ cấu lại khối doanh nghiệp nhà nước đang được kì vọng sẽ nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp này và chính phủ cũng tỏ rõ quyết tâm khi tiếp tục thúc đẩy chương trình cổ phần hóa và thoái vốn tại một số doanh nghiệp nhà nước. Nếu như các chính sách tiền tệ và tài khóa của chính phủ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn thì việc cải tổ cơ cấu của nền kinh tế là một chiến lược đúng đắn sẽ đem lại cho Việt Nam một sức bật mới trong dài hạn.Tình trạng khó khăn sẽ buộc các doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh nhằm tồn tại và phát triển, điều này sẽ gây hiệu quả tốt cho nền kinh tế về lâu dài.
Tin tưởng vào tương lai
Nền kinh tế Việt Nam đã tỏ rõ khả năng thích nghi và chống trả ngoan cường cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó chính phủ đã đưa ra các chính sách kịp thời và hợp lý và tỏ ra hiệu quả. Tăng trưởng năm 2008 ở mức khá tốt 6,23%, lạm phát đã từng bước được kìm chế và đẩy lùi, tỷ giá hối đoái giữa VND và USD đã ổn định trở lại và không còn sự chênh lệch lớn giữa thị trường tự do và thị trường chính thức. Tuy nhiên sẽ là quá lạc quan khi đã vội ăn mừng chiến thắng.