Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2 năm gia nhập WTO: ba điểm yếu, ba bài học
23 | 12 | 2008
Câu hỏi được gì và mất gì một lần nữa lại được đặt ra khi thời gian Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) đã bước sang năm thứ hai.

Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cái quan trọng hơn việc được – mất là chúng ta đã học được gì cũng như nhận ra được những điểm yếu của doanh nghiệp nội trong hai năm này.

Ba bài học lớn

Theo ông Thành, “hai năm qua chúng ta đã đi từ hứng khởi đến trầm lắng, từ vui đến buồn” với rất nhiều bài học mà bài học đầu tiên không phải là hội nhập mà là bài học cải cách. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có biết cải cách hay không?

Thực tế đã có những cải cách nhất định trong môi trường kinh doanh như đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và cấp giấy phép khắc dấu, đã có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp mới. Bên cạnh đó là việc giảm thuế và các nghĩa vụ nhập khẩu… Song cải cách vẫn là một trong những yếu tố bị “phàn nàn” tại các diễn đàn đối thoại giữa nhà đầu tư, nhà tài trợ và Chính phủ.

Bài học thứ hai theo ông Thành là chúng ta nhận rõ hơn mình là ai. “Cuộc chơi hiện nay đầy cám dỗ, đầy cơ hội và thách thức. Nhưng điều đáng buồn là chúng ta đã chuyển cơ hội thành thách thức nhiều hơn là thách thức thành cơ hội”- vị chuyên gia này chia sẻ. Sai lầm đã đến từ cấp hoạch định chính sách, từng người dân và từng doanh nghiệp.

Bài học thứ ba cho thấy, việc ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò rất quan trọng, đòi hỏi Chính phủ phải biết kết hợp các chính sách tiền tệ và tài khóa, kết hợp chính sách vĩ mô và vi mô trước nhiều luồng áp lực.

Ba điểm yếu

Nhận rõ mình là ai cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam nhận ra ba điểm yếu để tồn tại và trưởng thành trong giai đoạn khó khăn này.

Cụ thể, theo TS Võ Trí Thành là khả năng yếu trong việc chống đỡ các cú sốc mà nguyên nhân từ cả Nhà nước và doanh nghiệp. Để giảm thiểu được điểm yếu này theo ông Thành cần công cụ chống sốc, công cụ chống rủi ro, song những kiến thức này ở các doanh nghiệp trong nước lại rất hạn chế.

Điểm yếu thứ hai của doanh nghiệp là trò chơi chi phí. Nhiều doanh nghiệp đang được hưởng lợi chi phí từ sự bảo trợ của Nhà nước, đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhìn lại cái gì thắng do bảo trợ, cái gì thắng được do tự thân. Yêu cầu này càng khốc liệt hơn trong hoàn cảnh các chính sách bảo trợ, ưu đãi của Nhà nước sẽ bị thu hẹp nhanh chóng cùng việc thực thi các cam kết WTO.

Một điểm yếu khác của doanh nghiệp trong cuộc chơi là chọn “vị trí”. Theo TS Thành, trò chơi của hội nhập là vừa cạnh tranh, vừa liên kết nên muốn chơi tốt phải biết chúng ta đang ở vị trí nào.

Về điều này, theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, giữa doanh nghiệp nhỏ và lớn có một khoảng trống rất lớn, thiếu một tầng trung gian là các doanh nghiệp vừa. Điều này đã làm khó cho cả hai bên, khi doanh nghiệp lớn thiếu nhà phụ trợ trong khi doanh nghiệp nhỏ mất cơ hội tiếp cận thị trường, không có cơ hội lớn lên.

Cũng theo bà Chi Lan, doanh nghiệp nội yếu về quy mô khi doanh nghiệp nhỏ chiếm tuyệt đại đa số, ngay cả những doanh nghiệp được xem là lớn cũng chỉ bằng quy mô trung bình của các nước trong khu vực. Trong khi hội nhập kinh tế toàn cầu, tính quy mô đòi hỏi rất lớn thì doanh nghiệp nội sẽ càng trở nên yếu thế. Song cũng không thể cải thiện ngày một ngày hai quy mô doanh nghiệp, bởi “không thể có yếu tố Thánh Gióng trong phát triển doanh nghiệp”. Chưa kể, 6 tiêu chí của một doanh nghiệp mạnh là vốn, nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ, vật tư đầu vào, trình độ quản trị doanh nghiệp, maketing... thì doanh nghiệp Việt đa phần đều thiếu cả.

Hậu quả từ những yếu kém trên là năng suất lao động yếu, đầu tư tăng nhưng năng suất tổng hợp không tăng theo. Minh chứng là hai năm gần đây, chỉ số ICOR của Việt Nam tăng cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận lại thấp, thậm chí có doanh nghiệp còn âm tỷ suất lợi nhuận. Đương nhiên sẽ không có động lực nào để doanh nghiệp đủ vốn mở rộng tiếp kinh doanh.

Tại Hội thảo “Thị trường Việt Nam sau hai năm gia nhập WTO”, các chuyên gia cho rằng, sau những phấn khởi và kỳ vọng của năm đầu, nền kinh tế đang bắt đầu phải chịu những cú sốc khá nặng cùng với cuộc khủng hoảng chung của thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, việc nhanh chóng tự do hóa thị trường trong nước, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm và còn non trẻ, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài. Thậm chí, nhiều cơ hội lại biến thành thành thức, chẳng hạn như nguồn vốn khổng lồ cả FDI, FII có thể lại tiềm ẩn những rủi ro và làm trầm trọng thêm những yếu kém nội tại về cơ cấu và kinh tế vĩ mô.

Một khó khăn hiện hữu trước mắt là việc các doanh nghiệp nội trong ngành phân phối sắp phải bước vào "cuộc chiến sinh tử" sau mốc 1/1/2009.

Hy vọng rằng, cùng với việc chấm dứt ảo tưởng WTO sẽ “đổi màu” cho nền kinh tế, việc nhận thức được những điểm yếu và bài học mang lại sau hai năm gia nhập WTO đầy thách thức sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tự chọn lọc và trưởng thành.

 



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường