Thời tiết trở lạnh và mang theo những cơn mưa dài không dứt đến TP Hà Tĩnh từ mấy hôm nay. Bầu trời xám xịt đầy mây khiến cái lạnh như thấm sâu hơn. Mặc cho mưa, rét, trang trại chăn nuôi của công ty CP Thương mại Tổng hợp Lý Thanh Sắc (công ty Lý Thanh Sắc) vẫn rộn rã huyên náo bởi đám lợn rừng mới đẻ lên tới cả trăm con tranh nhau vú mẹ. Một dãy nhà lá quây kín 4 bề là nơi trú đông của đám ếch và các bể nuôi ba ba trải dài suốt khu trại.
Mang tiếng là công ty Thương mại Tổng hợp nhưng từ gần chục năm nay công ty Lý Thanh Sắc và Doanh nhân Đặng Ngọc Lý lại lấy nghề nông làm trọng và được khắp trong Nam ngoài Bắc biết tiếng. Từ trạng trại chỉ có 5 hécta và gần 100 lao động này, mỗi năm hàng triệu ếch giống và nửa triệu ba ba giống đã được xuất bán cho các cơ sở nuôi trồng và nông dân trong cả nước. Sau khi thành công với ba ba và ếch, mấy năm gần đây, ông Lý mở rộng nghiên cứu và lại tiếp tục thành công trong việc nhân giống và nuôi lợn rừng. Từ 2 con lợn rừng ban đầu, tới nay hàng trăm lợn rừng con đã ra đời, ông Lý lại trở thành người khai mở phong trào nuôi lợn rừng ở rất nhiều tỉnh, thành phố, khắp từ Hoà Bình, Nam Định... Lợn rừng do Doanh nhân Đặng Ngọc Lý nghiên cứu nhân giống đã được chăn nuôi ngay trong các trang trại tại Hà Nội.
Ba ba và bóng đá
Ba ba và bóng đá vốn không có điểm liên quan song Doanh nhân Đặng Ngọc Lý lại đến với ba ba từ chuyến xuất ngoại xem bóng đá. Năm 2000, ông Lý cũng với 2 người bạn xuất ngoại qua Thái Lan xem Tiger Cup. Khách từ khắp thế giới qua Thái Lan bởi Thái Lan nổi tiếng về du lịch, về biển và những cô gái tài nghệ bốc lửa có xuất xứ là đàn ông còn ông Lý lại phát hiện ở quốc gia này họ nuôi ba ba còn hơn Việt Nam chăn gà công nghiệp. Tuy nhiên để lọt vào các trang trại chăn nuôi kín cổng cao tường và được bảo vệ rất bí mật thì không hề đơn giản. Suốt một thời gian dài hàng năm trời sau đó, khi thì trong vai khách du lịch, khi thì vai đi làm thương mại rồi trực tiếp làm cả công nhân, ông Lý đã nghiên cứu và tìm ra nhiều bí quyết không thể mua được bằng tiền.
Năm 2001, ông Lý bắt đầu xây dựng trang trại nhân giống và nuôi ba ba gai tại Hà Tĩnh. Các chuyên gia Thái Lan được ông mời sang làm việc và hưởng lương tới 10% doanh thu (100 triệu đồng/tháng cho 1 chuyên gia). Có lẽ ông Lý cũng là một trong số ít doanh nhân giám trả lương chuyên gia táo bạo như vậy. Tuy nhiên bài toán đòn bẩy kinh tế đối với chuyên gia nói trên đã giúp ông nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống cần thiết về kỹ thuật mà 1 năm trời trên đất Thái ông chưa thể tìm hiểu hết.
Nếu trước đây trứng ba ba chỉ nở được 70% thì với kỹ thuật và công nghệ mới, trứng ba ba gai tại trang trại của công ty Lý Thanh Sắc có thể nở tới 90% và ba ba giống dễ nuôi, khoẻ, lớn nhanh. Hiện nay mỗi năm trang trại này có thể sản xuất hàng triệu ba ba giống và khoảng 10 triệu ếch giống. Ếch trong thiên nhiên chỉ có thể đẻ khi trời mưa nhưng tại trang trại của công ty Lý Thanh Sắc ếch có thể đẻ bất kể trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh. Thành công trên của ông Lý vượt khỏi sự tưởng tượng của các nhà khoa học và sinh học Việt Nam. Không ít người không tin điều kỳ diệu trên đã phải tìm đến tận nơi để diện kiến. Tuy nhiên điều đáng nói là những bí quyết đó, ông Lý không giữ cho riêng mình, ông đã hướng dẫn cho rất nhiều đoàn chuyên gia kỹ thuật của không dưới 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và hàng nghìn nông dân tới học hỏi. Sau khi lên VTV 2 phổ biến toàn bộ bí quyết và kỹ thuật nuôi, nhân giống ba ba, ông Lý đã được không ít người trìu mến gọi là "vua ba ba", "vua ếch" của Việt Nam. Tuy nhiên có lẽ không lâu nữa người ta sẽ lại phong ông là "vua lợn rừng" bởi lẽ đàn lợn rừng được sinh ra trong trang trại của công ty Lý Thanh Sắc từ 2 con lợn ban đầu khi ông bắt đầu nuôi năm 2003 giờ đã lên tới trên 300 con. Những con lợn rừng mới chào đời lông sọc như quả dưa hấu ủn ỉn giữa đám lợn nái lông dựng ngược và những con lợn đực nanh dài dũng mãnh đang hứa hẹn một hướng đi mới khả quan cho một ngành chăn nuôi vô cùng đặc biệt và hiệu quả.
"Ấp" trứng ba ba và ấp ủ trồng rừng
Hà Tĩnh vốn là tỉnh có diện tích rộng và còn không ít đất trống nên Doanh nhân Đặng Ngọc Lý từ nhiều năm qua, cùng với việc "ấp" trứng ba ba, trứng ếch đã ấp ủ việc trồng rừng. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của công ty Lý Thanh Sắc đang được triển khai giai đoạn xây móng và sẽ đi vào sản xuất trong một tương lai gần. Ông Lý cũng vừa xuất ngoại tới Campuchia để khảo sát và tìm thêm đất cho dự án trồng rừng của mình. Giống như việc tìm mọi cách để phổ biến kỹ thuật nuôi ba ba cho nông dân cả nước, ông Lý cũng không ngần ngại khi tiết lộ cho chúng tôi biết, ông mới gặp được "vua mít" của Việt Nam là vị doanh nhân, ông chủ Vina Mít và đang lên kế hoạch để phát triển ở Hà Tĩnh khoảng 10.000 hécta cây mít. Việc xây dựng một nhà máy chế biến mít xuất khẩu cũng đang nằm trên bàn dự liệu của 2 ông và sẽ sớm được thực thi. Cây mít có thể cho quả với thời gian thu hoạch kéo dài tới 6 tháng mỗi năm sẽ đem lại việc làm và thu nhập cho hàng vạn nông dân.
Người đi trước
Sinh năm 1957, tốt nghiệp Đại học Tài chính Hà Nội, trước khi Nghệ Tĩnh tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh, ông Lý làm việc tại công ty xuất nhập khẩu Nghệ Tĩnh. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trước khi bắt tay vào làm nông nghiệp là nuôi ba ba và nuôi ếch, ít người biết ông Lý cũng là người đi trước và góp phần giúp nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm được nhiều ngoại tệ. Vào khoảng những năm 1990, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu xe máy từ Thái Lan về Việt Nam đều phải mua qua công ty New Chifsing đóng tại Lào. Với việc mua qua New Chifsing, mỗi xe bị đội giá thêm 100 USD. Ông Lý là người đã phát hiện và khai thông con đường quá cảnh từ Thái Lan qua Lào để đưa xe máy về Việt Nam tiết kiệm được cho Việt Nam mỗi xe gần 100 USD.
Công ty Lý Thanh Sắc mang tên ông Lý và 2 người bạn là Thanh và Sắc, 3 người bạn cùng đến Thái Lan để xem trận tranh giải Tiger Cup năm 2000. Trận bóng khởi đầu cho chuyến đi lịch sử và sự ra đời của công ty Lý Thanh Sắc. Những quyết định, khám phá và nghiên cứu sau đó của ông Lý đã mang về cho Việt Nam nhiều thành tựu mới trong ngành tạo giống và nuôi ba ba, ếch, lợn rừng... Những thành tựu đó cũng góp phần tạo ra việc làm và thu nhập cho rất nhiều nông dân. |