Duyên phận
Đến thăm cơ sở sản xuất cá cảnh của gia đình anh Huy, chúng tôi thấy anh đang bì bõm dưới ao để “bắt mạch”, khám bệnh cho đàn cá vàng. Sau đó, được anh dẫn đi thăm cơ ngơi, ngắm nhìn những chú cá đủ sắc màu tung tăng bơi lượn, và nghe anh kể về duyên phận với cá cảnh.
Cách đây gần 20 năm, gia đình anh đã làm nghề ương cá giống, nuôi cá thương phẩm. Cá cảnh đến với anh khá tình cờ. Trong một lần đến Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Huy thấy những bể cá cảnh được trưng bày ở đó rất bắt mắt, có khá nhiều người hỏi mua nên Huy nảy ý định nhập giống về nuôi thử. Nghĩ là làm, năm 1999, anh mạnh dạn nuôi 700 con cá chép vàng. Đây là giống cá có nhiều ưu điểm như hình dáng đẹp, da màu vàng tươi, giá bán cao, được thị trường ưa chuộng. Kết quả, sau hơn một năm thử nghiệm, gia đình anh thu lãi hơn 6 triệu đồng. Hướng đi đã mở, từ đó, anh tập trung vào mô hình nuôi cá cảnh quy mô lớn.
Năm 2000, anh bàn với vợ nhận thầu diện tích ao, hồ của thôn và dồn đổi toàn bộ diện tích cấy lúa của gia đình về một khu rộng 1ha để mở rộng quy mô nuôi cá cảnh. Ngoài số tiền tích luỹ được, Huy vay thêm anh em, bạn bè đầu tư máy móc, thuê nhân công đào ao, đắp bờ bao và xây thành 10 ô riêng biệt để nuôi nhiều loại cá cảnh khác nhau. Ban đầu, do chưa chủ động được con giống, anh phải vào TP. Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc mua cá về nuôi. Do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc không khoa học nên đàn cá mắc bệnh, chết hàng loạt. Không nản trước khó khăn, anh lại lặn lội đến các trang trại nuôi cá cảnh lớn Hải Phòng, Hải Dương để học hỏi. Cứ nghe ở đâu tổ chức hội thảo về nuôi trồng thuỷ sản là anh tìm đến dự. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh tự mày mò bắt bệnh và tìm ra nguyên nhân cá chết, chủ yếu là do con giống xây xước trong quá trình vận chuyển nên bị nhiễm trùng. Ngoài ra, do mật độ nuôi quá dày, cho ăn chưa hợp lý, nhiệt độ môi trường nước thấp khiến cá chậm lớn hoặc chết. Khắc phục tình trạng này, anh đã tắm thuốc cho cá trước khi đưa vào nuôi; dùng máy sưởi và khoan giếng để thường xuyên bơm nước vào ao nhằm tăng nhiệt độ môi trường nước và ôxy cho cá hô hấp.
Nhờ đó, cá không bị nhiễm trùng da, ít bị chết hơn so với trước đây. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, anh liên hệ với các cơ sở sản xuất cám công nghiệp, hộ nuôi giun chỉ lớn ở Hà Tây, Hải Phòng ký hợp đồng cung cấp thức ăn hàng tuần. Anh Huy cho biết: “Để nuôi cá cảnh thành công, cần cho ăn lượng thức ăn vừa phải, bảo đảm đủ ôxy và nhiệt độ môi trường nước từ 25 độ C trở lên. Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh ao nuôi và phòng chống dịch bệnh. Mùa nuôi cá thích hợp nhất là từ tháng 3 đến tháng 10. Cá cảnh phải bảo đảm đuôi dài, vảy đều, đẹp thì mới đáp ứng thị hiếu khách hàng. Vì vậy, khi cá còn nhỏ cần phân loại nhiều lần, kịp thời loại bỏ những con xấu”. Không chỉ nuôi cá cảnh, hiện gia đình anh còn tự sản xuất được một số giống cá cảnh mới.
Mở rộng thị trường
Chuyện về “vua cá cảnh” được nhiều người biết đến kể từ năm 2007 khi anh Huy mở rộng quy mô sản xuất với diện tích 1ha ở thôn Đồng Quan, cạnh Quốc lộ 1A mới. Anh đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng gồm nhiều ao nhỏ để nuôi cá cảnh và ương cá giống. Hiện, mỗi vụ gia đình anh nuôi hàng vạn con cá cảnh với khoảng 40 loại khác nhau, trong đó có nhiều loại quý hiếm như: Rồng vàng, mắt ngọc, tam dương, La hán, kiếm, chép đỏ Nhật, tai tượng...
Không chỉ giỏi nuôi cá cảnh, anh Huy còn năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Khách hàng ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội... thường xuyên có đơn đặt hàng với số lượng lớn. Từ nuôi cá cảnh, năm 2007, gia đình anh có thu nhập 500 triệu đồng, trừ chi phí, lãi gần 250 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng. Với kết quả đó, năm vừa qua, anh được tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc. Dự kiến, năm 2008, khi hệ thống hạ tầng khu nuôi cá cảnh hoàn thiện, doanh thu của gia đình anh sẽ đạt 1 tỷ đồng. Anh tiết lộ, tới đây sẽ mở siêu thị cá cảnh và làm dịch vụ câu cá giải trí, thu hút khách du lịch.