Ven đường dẫn vào thôn Linh Chiểu, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), ruộng rau muống xanh mướt hai bên, nhưng hỏi ra chỉ khá giống rau cổ chứ đã bị lai tạp phần nào.
“Rau muống tiến vua đúng vụ vào tháng Ba. Khi đó, ngọn rau dài, trắng nõn nà chứ không ngắn thế này” - Một nông dân đang vặt rau muống ven ruộng, cho biết.
Đúng vụ, trời không còn sương muối, người ta để ngọn rau mọc dài chừng 30 - 40 cm mới ngắt. Khi đó, rau có màu trắng nõn, lá nhỏ, xanh. Lá và ngọn chỉ nhu nhú và cũng có màu trắng như phần ống rau. “Nhúng qua nước sôi là rau đủ chín, đưa vào miệng thấy giòn” - Ông Đỗ Đức Hải, Trưởng thôn Linh Chiểu, cho biết.
Hỏi chuyện rau muống tiến vua, các cụ già trong thôn đều tự hào kể về cách trồng cấy khắt khe thời xưa để có được loại đặc sản nay được xếp trong nhóm bốn sản vật của vùng đất Sơn Tây là gà Mía Đường Lâm, dơi Sài Sơn, cá chép Cấn Khánh và rau muống Linh Chiểu.
Cụ bà Hải - vợ ông Trưởng thôn kể, để trồng loại rau này đảm bảo chất lượng như rau muống tiến vua xa xưa phải vô cùng vất vả, kỳ công. Đất trồng rau phải là đất sạch, không tù đọng. Nếu trồng ở đáy ao phải đủ bùn nhưng mặt nước phía trên không được nổi váng.
Giống rau phải được chọn từ những cây giống to đều, mập mạp, không có mầm sâu bệnh, lá không quá to mướt hoặc quá nhỏ. Khi trồng tuyệt đối không được bón, tưới nước phân trực tiếp mà phải bằng phân đã phân hủy. Nguồn nước tưới phải là nước sạch từ sông Hồng.
Xa xưa, kỳ công hơn, người ta đưa những ngọn rau muống mới nhú vào trong vỏ ốc rỗng. Vỏ ốc (thường là ốc nhồi) to, chọn đều cỡ, rửa thật kỹ để không còn sót tí ruột ốc nào. Lúc thu hoạch rau, chỉ tách lấy phần ngọn rau nằm sâu trong vỏ ốc, phải rất nhẹ nhàng để không làm giập gãy ngọn rau.
Sản vật thu được là những ngọn rau trắng nõn nà, xoáy theo hình vỏ ốc rất đẹp mắt. Luộc, xào hay chẻ ghém đều giữ được vị thơm ngon, giòn tan.
Theo các cụ già thôn Linh Chiểu, rau muống tiến vua độc nhất vô nhị và có hương vị không lẫn vào đâu được do vùng đất trồng rau nằm sát sông, được hưởng mạch nước sủi trong vắt và phù sa sông Hồng bồi đắp.
Chưa biết tiến đi đâu
|
Rau muống tiến vua trắng nõn, mềm giòn, hương vị khác hẳn các loại rau muống thông thường |
“Thế hệ của tôi không còn được ăn rau muống tiến vua chính gốc mà có phần lai tạp hoặc giảm chất lượng do ô nhiễm môi trường. Vậy mà vị rau vẫn thơm ngon, khác hẳn rau muống thông thường. Luộc chấm tương ăn mãi không chán. Nếu được ăn rau muống cổ chính gốc, trồng và tưới đảm bảo tiêu chuẩn còn ngon hơn nhiều” - Anh Nguyễn Ngọc Bạn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sen Chiểu bộc bạch.
Là một trong những người tâm huyết với việc khôi phục và bảo tồn rau cổ, anh Bản ấp ủ một dự án liên kết: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư. Nhưng con đường từ ý tưởng đến khi rau muống tiến vua có thể xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình thật gian nan.
Năm 2003, có một dự án như vậy được hình thành, do Hội Làm vườn Việt Nam khởi xướng. Mục tiêu là tạo thương hiệu độc quyền cho rau muống tiến vua nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ba gia đình được chọn thí điểm thực hiện dự án. Vụ rau đầu tiên thu hoạch đảm bảo chất lượng. Ngọn rau trắng nõn, đều tăm tắp, giòn, ngọt, thơm và nhất là đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Vậy mà dự án đổ bể.
“Giá bán ra chẳng khác rau muống thường, trong khi lại phải đảm bảo các điều kiện khắt khe về gieo trồng, tưới bón nên không nhà nào muốn làm. Người ta bỏ, chuyển sang trồng rau tự do nhanh thu hoạch và đỡ chi phí hơn” – Anh Bạn cho biết.
Lo ngại loại rau muống đặc sản này sẽ mai một theo thời gian, anh Bạn cùng các nông dân tâm huyết ở Sen Chiểu đang dự định xây dựng đề án kiểm nghiệm rau an toàn, trong đó tập trung vào rau muống tiến vua.
Làm thế nào để kiểm soát được độ an toàn của rau Sen Chiểu, tiến tới biến vùng này thành vùng chuyên rau muống tiến vua?
Đi quanh thôn Linh Chiểu tìm ruộng rau muống tiến vua, một cụ già chỉ vào đám rau màu xanh đậm, nói, rau bây giờ bị lai rau muống hạt của Trung Quốc. Rau trồng cạnh nhà dân, cạnh khu chăn nuôi, cạnh các nhà máy, xí nghiệp nên không tránh khỏi nguồn nước ô nhiễm. Nếu để dài, ngọn rau sẽ nhỏ, mềm chứ không to, trắng và giòn. |