Một năm qua, tuy chưa có trường hợp tử vong nào do ngộ độc rau, nhưng những chất độc tồn đọng trong rau tích tụ lâu ngày trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nan y.Từ đầu năm đến nay, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc chất trên hàng nghìn mẫu nông sản ở các chợ đầu mối, siêu thị và các doanh nghiệp chế biến rau, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Tỷ lệ này cao gấp nhiều lần so thời điểm năm 2006. Ðặc biệt khi khảo sát ở siêu thị và doanh nghiệp chế biến kinh doanh rau quả, số mẫu vượt lên đến con số 7,8%, các bếp ăn tập thể cũng có một tỷ lệ đáng ngại 6,57%.
Theo các cán bộ ngành Bảo vệ thực vật, rau quả có nhiều tồn dư chất bảo vệ thực vật quá mức cho phép xuất hiện khắp mọi nơi, từ các vùng trồng rau của thành phố, ngoại tỉnh đưa vào, một số từ Trung Quốc. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tập trung trong các loại rau củ quả như: tỏi, củ hành, khoai tây, cà rốt, dưa leo, su hào, đậu đũa...; trái cây có: cam, quýt, cóc, tắc, chanh... nhất là rau xanh ăn lá như: cải bẹ xanh, rau dền, tần ô, hành lá, rau quế, cải thìa, cải ngồng, rau muống, rau cần, rau nhút...
Xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn là một điểm đen mà Chi cục Bảo vệ thực vật đã công bố phát hiện mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao vượt mức quy định. Toàn xã Ðông Thạnh hiện có hơn 30 ha trồng rau ăn lá. Canh tác những loại rau này đa phần là dân ngụ cư, thuê đất của dân địa phương.
Ông Trịnh Văn Hay, Hội Nông dân xã Ðông Thạnh cho biết, mấy năm trước đây khi chưa được tiếp cận với kỹ thuật trồng rau an toàn, dân canh tác rau muống thường bơm nước vào ruộng rồi xịt nhớt xuống để diệt rầy, ngoài ra mỗi dịp Tết về quê, họ mua những loại thuốc không rõ nhãn hiệu của Trung Quốc để sử dụng dần. Có đợt, cơ quan chức năng tịch thu được cả bao tải thuốc dạng này. Sau những lần dư luận lên tiếng về tình trạng ngộ độc do rau muống, Hội Nông dân xã cùng Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra chặt nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi tạm lắng xuống. Nhưng khi chúng tôi hỏi, liệu những biện pháp trên có đủ sức chế tài những người trồng rau không thì ông Hay lắc đầu.
Với 8.000 m2 ruộng thuê, anh Nguyễn Ngọc Tưởng canh tác rau muống nước từ nhiều năm nay. Lúc chúng tôi đến đã có một ô được cắt hết từ đêm qua, nước đã được tháo cạn. Những ô rau còn lại nước xâm xấp, nổi rõ những váng dầu. Anh Tưởng giải thích "những váng dầu này rớt từ động cơ bơm nước của anh". Nhưng thật khó tin, bởi váng dầu loang nổi trên một diện tích khá rộng, nước trong ruộng rau có mầu đen kịt giống như người ta đã pha dầu nhớt vào nước trồng rau muống mà bất chấp độc hại cho người tiêu dùng.
Anh Tưởng nói: "Hai năm qua, tôi không còn dùng nhớt diệt rầy nữa mà dùng thuốc diệt rầy sinh học. Ở vùng này chỉ ít người dùng thuốc sâu thôi mà nhiều người bị ảnh hưởng". Vừa dứt câu, nét mặt anh Tưởng trở nên cau có.
Phường Thới An và Thạnh Xuân, quận 12 cũng là hai địa chỉ đen về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao trong những loại rau trồng dưới nước như rau muống, rau nhút. Ngoài ra, có dư luận về rau bị nhiễm chì. Phường Thới An có diện tích trồng rau nhút khá lớn. Buổi trưa, nhưng ở vùng trồng rau nhút tại khu phố 2 vẫn tấp nập người cắt rau. Con rạch Ðá Hàn đen kịt bởi nước thải của nhiều nhà máy, hiện vẫn là nguồn cung cấp nước chính để tưới rau, rửa rau ở đây. Lúc chúng tôi đến, dưới bến rạch, những bó rau to đang được vận chuyển đến các chợ và sẽ được tỏa đi nhiều nơi, len lỏi vào từng bữa cơm của người dân với đầy những chất độc hại ngấm trong đó.
Mới đây, người dân thành phố còn có thêm thông tin về một "công nghệ" canh tác rau siêu tốc do nông dân sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lúng túng như "gà mắc tóc" chưa biết xử lý thế nào đối với những "công nghệ" sản xuất rau kể trên. Trong khi chờ quyết định xử lý, những loại rau nhiễm độc này vẫn tung tăng ra chợ và theo các bà nội trợ vào bếp, rồi lên bàn ăn "đầu độc" dân các gia đình.
Chị Ngô Hiệp, nhà ở quận Bình Tân bày tỏ với chúng tôi rằng, chị có nghe nói về việc rau muống bị nhiễm chì nhưng cũng không biết thực hư thế nào. Trong khi đó, nhiều loại rau đưa về từ các tỉnh luôn được người bán khẳng định "tươi ngon", song không ai biết rõ xuất xứ, quy trình sản xuất và độ an toàn của chúng, chỉ biết mỗi sáng đều có người giao tận nơi. Tâm lý chung của người nội trợ là thích mua những loại rau trông tươi non, sạch sẽ, ngon mắt. Và dù có biết rau bị nhiễm độc, có dư lượng thuốc trừ sâu cao chăng nữa, họ cũng đành chịu không biết kêu ai. Ăn vẫn phải ăn thì mua vẫn phải mua bởi đã lọt ra thị trường, không ai xác định rõ rau như thế nào thì bị cấm tiêu thụ và nhất là không phải ai cũng có điều kiện mua rau an toàn trong một số siêu thị.
Hiện nay, vùng rau bị ô nhiễm ở TP Hồ Chí Minh khoảng 115 ha. Trong đó có nhiều vùng đã bị cấm canh tác, nhưng vì lợi nhuận và việc chuyển đổi cây trồng ở những vùng này diễn ra chậm nên người dân vẫn trồng rau. Công tác ATVSTP đã phân rõ trách nhiệm của ngành nông nghiệp về quá trình sản xuất nông sản nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã thiếu trách nhiệm đối với sức khỏe nhân dân, buông lỏng quản lý, không xử lý triệt để đối với những vùng trồng rau "bẩn". Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh chỉ áp dụng biện pháp hành chính là lập biên bản, yêu cầu đến Ủy ban nhân dân phường học tập một ngày rồi cho về. Các cơ quan chức năng còn "đổ thừa" do thiếu chứng cứ trong việc xử phạt. Chứng cứ ở đây là biên bản xét nghiệm với kết quả rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hoặc nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
Thiết nghĩ, nếu thật sự có trách nhiệm với sức khỏe nhân dân, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, dù có khó khăn vẫn tìm được chứng cứ và biện pháp để xử lý những vùng trồng rau "bẩn", ngăn chặn được những "công nghệ" canh tác rau không an toàn.