Tại TPHCM, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện lạp xưởng sử dụng hóa chất trôi nổi; nguyên liệu sản xuất mứt đầy mốc, dòi... Tại Hà Nội, ghi nhận của PV Lao Động tại một số cơ sở sản xuất ở làng nghề bánh, mứt, kẹo truyền thống Xuân Đỉnh (Từ Liêm), chuyện “khuất mắt trông coi” vẫn khá hiện hữu.
TPHCM: Thực phẩm bẩn tràn lan… nhưng không ai chịu trách nhiệm
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn 24 quận, huyện của TP hiện có khoảng 46.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang hoạt động. Điều đáng nói, cứ vào dịp tết, TT Sở Y tế mỗi lần kiểm tra lại phát hiện vi phạm.
Điển hình nhất là vụ việc kiểm tra cơ sở mứt tết Như Ý tại quận Bình Tân vào trưa 28.12.2009 cho thấy, gần 300 thùng nguyên liệu chế biến mứt nổi đầy dòi, ấu trùng đang được ngâm để chế biến mứt thành phẩm và đưa ra tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn TP. Điều ngạc nhiên là cơ sở này là một “vựa” mứt hoạt động có thâm niên tên tuổi trên địa bàn TP, đã được ngành y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP(!?).
Báo động nhất vẫn là hiểm họa ngộ độc từ rau, củ quả, thủy - hải sản nhập về các chợ đầu mối tại TPHCM, nhất là vào thời điểm cuối năm. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, lượng rau, củ quả được trồng trên địa bàn TP chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Gần 80% lượng rau, củ quả còn lại được cung cấp từ các tỉnh, thành lân cận và từ Trung Quốc.
|
Hành phi đang được chế biến với dầu bẩn. |
Mỗi ngày, lượng rau, củ quả từ các tỉnh, thành tập trung tại ba chợ đầu mối để phân phối từ 1,5-2 triệu tấn. Đó là chưa kể vào thời điểm cuối năm, sản lượng có thể tăng gấp đôi. Trong số đó, chỉ có khoảng 20-30% rau, củ quả xác định được nguồn gốc. Số còn lại đành thả nổi...
Qua công tác giám sát dư lượng thuốc trừ sâu bằng cách test nhanh trong 4.500-5.000 mẫu rau, củ quả cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu vẫn còn 3,9%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM - thì, đây cũng chỉ là con số trên lý thuyết, còn thực tế là cao hơn nhiều. Xâu chuỗi hàng loạt vi phạm ATVSTP được phát hiện trên địa bàn TPHCM vào những ngày cuối năm 2009 đã cho thấy, hàng rào quản lý chất lượng thực phẩm hiện đang... có vấn đề.
Theo Chủ nhiệm Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN tại phía nam Nguyễn Nam Vinh thì, việc quản lý nhà nước về ATTP lâu nay được phân cho ba bộ là: Y tế, Công Thương và NNPTNT. Điều này đã dẫn đến hệ quả là quản lý chồng chéo và rất dễ đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Chẳng hạn như sữa, đồ uống, sản phẩm chế biến từ đậu nành là những thực phẩm nguy cơ cao theo điều 14, Nghị định 163 sẽ do Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở, nhưng Bộ Công Thương lại quản lý quá trình sản xuất của cơ sở nên khi cấp giấy cũng khó khăn.
Trong khi thịt và sản phẩm thịt có nguy cơ cao do Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở thì Bộ NNPTNT quản lý quá trình sản xuất và quản lý thú y. Hiện nay, vẫn chưa có bộ nào quản lý cụ thể đối với cơ sở liên doanh, 100% vốn nước ngoài, tư nhân sản xuất chế biến rượu, bia...
|
Mứt bẩn được phát hiện tại cơ sở Như Ý, TPHCM. |
Đơn cử tại TPHCM, việc quản lý thực phẩm vẫn trong tình trạng cắt khúc, chồng chéo. Chẳng hạn: Rau, củ quả kinh doanh ở các chợ đầu mối thì do ngành y tế thẩm định và cấp giấy chứng nhận VSATTP, còn mặt hàng thuỷ sản lại do ngành nông nghiệp thẩm định và cấp giấy phép. Trong khi đó, chưa biết ngành nào quản lý chất lượng thuỷ sản!
Bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, tại cuộc họp với Sở Y tế về vấn đề ATVSTP, đã đưa ra câu hỏi: “Nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra hơn ba tháng, nhưng vẫn không thấy ngành y tế đưa ra kết luận. Vậy, thời gian công bố nguyên nhân các vụ ngộ độc để cảnh báo cho người dân cần xác định trong bao lâu, quy trình công bố như thế nào? Nếu vụ việc không được công bố thì làm sao cảnh báo cho người tiêu dùng và đưa ra biện pháp răn đe đối với các hộ kinh doanh chế biến thực phẩm”.
Luật sư Võ Vương Quân - Đoàn luật sư TPHCM - cho rằng, kêu gọi ý thức tự giác của nhà sản xuất để có sản phẩm sạch thì rất khó khả thi. Họ đã cố tình làm vì lợi nhuận thì chỉ có chế tài mạnh mới răn đe được. Nếu không có biện pháp mạnh và kiên quyết xử lý thì các cơ sở sản xuất bẩn vẫn ung dung có đất sống, chỉ có người dân lãnh đủ...
Hà Nội: Mứt tết Xuân Đỉnh vẫn “khuất mắt trông coi”
Sáng 6.1, đoàn kiểm tra VSATTP liên ngành TP.Hà Nội đã kiểm tra thực phẩm tại chợ, trường học và làng nghề sản xuất mứt tết truyền thống xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Trong số 39 cơ sở đăng ký sản xuất bánh, mứt, kẹo tết, đã có 27 cơ sở bắt đầu vào guồng, 12 hộ còn lại cũng đang chuẩn bị. Theo UBND xã Xuân Đỉnh: Sản lượng của 39 cơ sở khoảng gần 700 tấn mứt thành phẩm.
Bà Trần Thu Thanh - người dân khu Đông - cho hay: “So với trước đây, việc sản xuất mứt bí ở Xuân Đỉnh đã sạch hơn rất nhiều. Tuy nhiên, một số hộ trong vụ sản xuất năm nay vẫn phơi bí tràn đầy vỉa hè”. Theo bà Thanh, có thể hôm nay đoàn kiểm tra đến nên họ đã dọn cho... sạch, không phơi bí vỉa hè đường.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, khoảng 10 ngày nay, dọc con đường nối hai xã Xuân La và Xuân Đỉnh, bán thành phẩm mứt bí vẫn phơi tràn vỉa hè. Thậm chí, sân bóng của UBND xã cũng thành một sân phơi.
|
Làm mứt thủ công và thiếu vệ sinh ở Xuân Đỉnh (Hà Nội). |
Ông Nguyễn Hữu Khiêm – Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh - cũng thừa nhận, nhiều hộ sản xuất mứt thiếu sân phơi, phải phơi ra hè đường. Cơ sở Sinh Hùng, khu Đông - một trong những cơ sở được đánh giá là sạch sẽ, khang trang nhất làng nghề - không phát hiện vi phạm VSATTP nào. Tuy nhiên, khu vực ngâm bí vào nước vôi của cơ sở này trông vẫn không thoáng đãng.
Chiều 6.1, PV Báo Lao Động đã trở lại làng nghề, sau khi đoàn kiểm tra đã rút đi. Tại cơ sở của bà Ng ở ngõ Hoà Bình, bí xanh chưa gọt vỏ để tràn trên mặt đất, lẫn bí đã gọt vỏ và rác. Khu vực nấu và chuội (ngào đường) nhớp nháp. Các bể vôi để ngâm cho trắng bí thì như một kho chứa đồ thừa nhiều hơn là một nơi ngâm bí. Tương tự, khu vực chế biến mứt của hộ gia đình ở số 7 ngõ Hoà Bình nằm ngay ở nhà vệ sinh, các rổ đựng miếng bí xắt nhỏ nằm la liệt trên vỏ bí đã để lưu cữu vài ngày. Đi qua khu vực sản xuất, mùi bí ủng xộc ngay vào mũi.
Theo ông Lê Anh Tuấn - GĐ Sở Y tế Hà Nội: Ngoài làng bánh, mứt, kẹo Xuân Đỉnh, tại huyện Từ Liêm còn có 3 làng nghề khác sản xuất ở quy mô lớn: Làng bún Mễ Trì với 40 tấn/ngày, đậu phụ Liên Mạc với 7 tấn/ngày và giò chả Thượng Cát với 1,5 tấn/ngày. Đây đều là những mặt hàng sẽ được tiêu thụ mạnh trong dịp tết nên công tác kiểm tra ATVSTP sẽ được chú trọng.
Theo kế hoạch kiểm tra của đoàn liên ngành VSATTP TP.Hà Nội, sẽ có 2 đoàn của TP và nhiều đoàn ở cấp quận/huyện, phường/xã liên tục giám sát các cơ sở sản xuất từ nay tới Tết Nguyên đán.