Việc kiểm tra này được thực hiện theo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản và đã bắt đầu được thực hiện kể từ ngày 28/2. Như vậy, các mặt hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đang cùng lúc bị kiểm tra cả 2 chất chloramphenicol và AOZ.
Do đó, Bộ Thương mại đề nghị Bộ Thuỷ sản và các Sở Thuỷ sản, Sở thương mại, Thương mại và Du lịch địa phương thông báo cho các cơ sở nuôi, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu thuỷ sản biết, nghiêm túc thực hiện.
Trước những yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thủy sản ngày càng khắt khe từ các thị trường, Cục Quản lý chất lượng An toàn vệ sinh và Thú y Thủy sản (Nafiqaved) cho biết bắt đầu từ năm nay, việc quản lý an toàn vệ sinh mặt hàng thuỷ sản sẽ được thực hiện triệt để ngay từ khâu sản xuất nguyên liệu, thay vì chỉ chú trọng kiểm tra ở khâu thành phẩm như trước đây.
Bên cạnh đó, cùng với việc phân cấp quản lý mạnh mẽ cho các địa phương trong kiểm soát vệ sinh thực phẩm mặt hàng này, việc truy xuất nguồn gốc các lô hàng thuỷ sản cũng sẽ được thực hiện triệt để, nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.