Những quy định chung đối với việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt vào thị trường EU:
Nhập khẩu thịt tươi và các sản phẩm từ thịt vào Liên minh Châu Âu phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về thú y. Trước đó cơ quan có thẩm quyền này phải được Tổng vụ Y tế và Bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Châu Âu công nhận. Việc công nhận của cơ quan có thẩm quyền nói trên là điều kiện tiên quyết đối với một quốc gia được phép xuất khẩu các mặt hàng có liên quan vào thị trường Châu Âu. Cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất khẩu phải đảm bảo khả năng giám định và kiểm soát trong suốt quá trình sản xuất bao gồm vệ sinh, sức khoẻ động vật và y tế cộng đồng;
Tất cả các cuộc đàm phán song phương liên quan đến việc nhập khẩu thịt tươi và các sản phẩm từ thịt phải do cơ quan có thẩm quyền nói trên tiến hành. Tất cả các bên hữu quan đều phải thông qua cơ quan thẩm quyền đó khi liên hệ với EU.
Những yêu cầu cụ thể:
Các nước xuất khẩu phải chỉ định cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm trong cả quá trình sản xuất sản phẩm đó. Cơ quan đó phải có đầy đủ quyền lực, có cơ cấu và nguồn lực để thực thi việc giám định có hiệu quả, và đảm bảo cấp chứng chỉ có uy tín về thú y và các điều kiện vệ sinh khác ;
Nước hoặc vùng xuất xứ sản phẩm đó phải duy trì tiêu chuẩn y tế có liên quan. Nói một cách khác, quốc gia đó phải là thành viên của Tổ chức Quốc tế về sức khoẻ động vật (OIE) và phải thoả mãn các tiêu chuẩn cũng như nghĩa vụ báo cáo đối với tổ chức đó. Phải đảm bảo có các dịch vụ thú y thích hợp, đủ mạnh để kiểm soát y tế cần thiết;
Chính quyền trung ương các nước xuất khẩu cũng phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh và y tế cộng đồng. Luật vệ sinh thực phẩm phải bao gồm các yêu cầu cụ thể về việc thiết lập, thiết bị và thực tế vận hành các lò mổ, kho chứa hoặc dây chuyền xử lý thịt. Những quy định cụ thể này nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất và nhằm ngăn chặn việc lây nhiễm bệnh trong quá trình chế biến;
Phải thiết lập được hệ thống quản lý theo dõi phù hợp với các yêu cầu của EU về dư lượng thuốc thú y, thuốc trừ sâu và các chất gây lây nhiễm;
Cơ quan thẩm quyền quốc gia cũng phải thiết lập chương trình quản lý phù hợp trình lên Uỷ ban Châu Âu phê duyệt bước đầu và trên cơ sở hàng năm;
Chỉ những thành phẩm từ các cơ sở (ví dụ như các lò mổ, các kho lạnh, nhà máy chế biến thịt v..v) đã được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra và được kết luận đáp ứng các yêu cầu của EU mới được phép xuất khẩu vào EU;
Việc thẩm tra của cơ quan thú y và thực phẩm của Uỷ ban Châu Âu tiến hành là cần thiết để khẳng định nước xuất khẩu thoả mãn các yêu cầu nói trên. Kết quả của những phái đoàn kiểm tra làm cơ sở tạo dựng lòng tin giữa Uỷ ban Châu Âu và cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Các bước đi cụ thể để được phép xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt vào thị trường các nước EU
Để có thể đưa tên nước mình vào danh sách các nước được phép xuất khẩu thịt tươi vào thị trường các nước EU, phải tuần tự qua các bước sau:
Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu gửi Tổng vụ Y tế và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Uỷ ban Châu Âu đề nghị chính thức được xuất khẩu thịt tươi và các sản phẩm từ thịt vào thị trường EU. Trong yêu cầu chính thức đó phải bao hàm xác nhận rằng nước xuất khẩu đó có đủ khả năng thoả mãn mọi điều kiện pháp lý có liên quan nhằm thoả mãn các yêu cầu của EU;
Tổng vụ Y tế và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Uỷ ban Châu Âu sẽ gửi cho nước đó các câu hỏi và họ trả lời và gửi lại cho EC;
Nước xuất khẩu phải trình lên EC Chương trình kiểm soát dư lượng để ECphê duyệt;
Nếu việc đánh giá chương trình kiểm soát dư lượng là tốt và phần hỏi đáp được xem là tích cực, Cơ quan Quản lý Thú y và Thực phẩm của EC sẽ tiến hành giám sát tại chỗ(tại nước xuất khẩu);
Trên cơ sở việc thanh tra và các đảm bảo của nước xuất khẩu, Tổng vụ Y tế và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ đề xuất đưa tên nước đó vào danh sách, đưa ra những điều kiện cụ thể đối với việc xuất khẩu của nước đó vào EU được tiến hành và danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào EU của nước đó. Những điều nêu trong điểm 4.5 này sẽ được đem ra thảo luận rộng rãi với đại diện các nước thành viên EU;
Nếu các nước thành viên tìm được tiếng nói đồng thuận với đề xuất ở điểm 4.5, Uỷ ban Châu Âu sẽ thông qua các điều kiện nhập khẩu cụ thể. Danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu có thể sẽ được sửa đổi theo yêu cầu của nước xuất khẩu và được đăng tin trên Internet cho mọi người biết.