Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi Tiền Giang, cho biết nước mặn đã theo sông Tiền tràn về đến khu vực trung tâm thành phố Mỹ Tho, nồng độ muối đo được dao động từ 1 – 2g/lít nước, tuỳ theo từng khu vực, trong khi những năm trước, thời điểm độ mặn chỉ có 0,4g/lít. “Hiện nay, tất cả các cống ngăn mặn đều đóng kín, bởi với độ mặn này không thể lấy nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu.
Chúng tôi đã cảnh báo các chủ bè cá ở khu vực cù lao Tân Long (TP Mỹ Tho) và Thới Sơn (huyện Châu Thành) cảnh giác với nước mặn để tránh thiệt hại”, ông Pháp cho biết. Theo dự báo của chi cục Thuỷ lợi Tiền Giang, trong thời gian tới, nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền hơn 60km, đến khu vực giáp ranh giữa hai xã Bình Đức và Song Thuận của huyện Châu Thành, toàn bộ làng bè ở hai cù lao Tân Long, Thới Sơn đều bị ảnh hưởng.
Cù lao Tân Long (phường Tân Long, TP Mỹ Tho) đang có hơn 400 bè nuôi cá điêu hồng, cù lao Thới Sơn có gần 900 bè cá, nhưng các chủ bè chưa biết phải đối phó thế nào với nước mặn. Ông Nguyễn Thanh Yên, chủ sáu bè cá ở cù lao Tân Long, cho biết cá điêu hồng có thể chịu được độ mặn 2 – 3g/lít, nhưng với điều kiện nước bị mặn từ từ, còn tình trạng nước lớn, cá bị nhiễm mặn vài tiếng đồng hồ, nước ròng trở lại nước ngọt, kéo dài trong nhiều ngày, cá sẽ bị “sốc nước”, bỏ ăn.
Nếu độ mặn cao hơn 3g/lít, cá sẽ bị nổ mắt và chết. “Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến nước mặn. Nếu nước mặn kéo dài, cá gần đến lứa thu hoạch, thì mắc hay rẻ cũng phải bán chạy nước, cá còn nhỏ thì… ráng chịu, tới đâu hay tới đó”, ông Yên nói.
Ông Lê văn Nghiệp, chủ tịch UBND phường Tân Long, cho biết giải pháp di dời bè cá ra khỏi vùng nhiễm mặn rất khó thực hiện. “Di dời một bè cá từ nơi mặn đến nơi ngọt, neo đậu tốn không dưới mười triệu đồng, nhưng không phải dễ kiếm nơi neo đậu bè, bởi nếu nước mặn tràn lên đến Bình Đức, thì các chủ bè chỉ có nước… bó tay. Đó là chưa kể tình trạng khi di chuyển bè, cá rất dễ bị sốc nước và chết hàng loạt”, ông Nghiệp nói.
Ở khu vực cù lao Thới Sơn, hàng trăm chủ bè cá cũng chưa biết phải đối phó ra sao với nước mặn. Ông Nam, chủ ba bè cá, cho biết muốn bảo vệ đàn cá hữu hiệu chỉ có cách di dời bè đến vùng nước ngọt, nhưng hiện nay, không có chỗ để dời bè. “Mấy tháng gần đây, giá bán cá điêu hồng chỉ còn 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi một ký cá lên đến 24.000 đồng, các chủ bè đang thua lỗ nặng. Bây giờ đến hoạ nước mặn, nếu không có cách cứu bầy cá, thì các chủ bè chỉ còn nước… sạt nghiệp”, ông Nam than.