Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Được và Rớt - Tại sao năm nào cũng vậy?
13 | 07 | 2009
Đây vẫn là câu trả lời mà chính bản thân người nông dân, người sản xuất chăn nuôi đang phải tự tìm hướng đi cho mình. Tình trạng tự phát theo kiểu thấy nuôi cá, giá lên thì đổ xô đi đào ao thả cá. Trồng mía, bán cho nhà máy đường có lãi lớn thì bạt vườn trồng ào ào bất kể năng suất tiêu thụ và sản lượng mía đường chỉ có hạn. Câu chuyện được mùa, rớt giá không còn là câu chuyện riêng của bất cứ một ngành hàng nông sản nào của Việt Nam. Và cứ mỗi khi mùa vụ đến, nghịch lý được mùa- rớt giá lại làm nhức lòng dư luận với câu hỏi tại sao năm nào cũng vậy?

1 người thì sống....
Đồng bằng sông Cửu Long nơi được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu gạo, 60 %kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản và lượng trái cây chiếm khoảng 70% của cả nước. Một vài năm trở lại đây kinh tế khu vực này đã có nhiều nét khởi sắc với những mô hình sản xuất tiên tiến, phát triển. Tuy nhiên ngay trong chính khu vực kính tế vùng miền trù phú này, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn đang loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều hộ nuôi cá tra đang trông chờ giá lên
Có một thời, con cá tra như được coi như cá vàng khi đầu tư vào đây được coi là “một vốn bốn lời”, thu nhập từ việc nuôi con cá tra đã khiến nhiều hộ dân đổi đời, xây nhà, sắm sửa vật dụng gia đình và trở thành mô hình mới trong việc sản xuất chăn nuôi. Người đi sau học người đi trước, vay vốn ngân hàng đào ao thả cá, xuống giống ồ ạt. Nhưng nước lên mà thuyền không lên, giá thức ăn mỗi ngày một tăng cao, lãi suất ngân hàng cùng với hàng chục hàng trăm khoản chi phí đè nặng lên vai người nuôi cá. Như một nghịch lý, chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá thành của sản phẩm lại chững lại thậm chí đi xuống do nguồn cung quá dồi dào. Giá cá tra, cá basa nguyên liệu hồi đầu năm 2009 lên đến 16.000 đồng - 17.000 đồng/kg, nay giảm còn 14.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ hơn 1.000 đồng/kg. Và trước áp lực của thị trường, nhiều hộ nuôi nháo nháo đẩy hàng đi để cắt lỗ dù đã nhận được những lời khuyến cáo không nên bán tại thời điểm này. Những làng cá ở An Giang, Đồng Tháp xưa kia đông vui là thế, xôn xao là thế mỗi giờ cho cá ăn vậy mà bây giờ nhiều nơi bỏ trống trong tiếng thở dại não nuột của người nuôi cá.

Đống người thì chết

Không riêng gì chuyện con cá bơi dưới nước của người dân đồng bằng sông Cửu Long, hàng nghìn hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cũng đang phải đối diện với một khoản nợ lớn khi hàng nghìn con gà đến kỳ bán ra thị trường nhưng không bán được. Nguy cơ vỡ nợ, phá sản lại một lần nữa đe doạ các chủ trang trại và người chăn nuôi ở đây mà chung quy cũng vẫn chỉ là nuôi gà theo phong trào. Theo thông tin từ Trung tâm thông tin nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, giá gà đã giảm gần 60 % từ đầu năm đến nay. Hiện giá thành nuôi gà tam hoàng khoảng 26.000đ/kg trong khi giá bán ra thị trường chỉ còn một nửa, khoảng 20.000đ/kg, nên mỗi kilogam gà lỗ khoảng 6000 đồng. Trong khi giá thịt gà nhập khẩu tính cả thuế, cước vận chuyển về đến Việt Nam chỉ có giá từ 25-28.000 đ/kg. Trung bình mỗi trại gà ở đây có khoảng vài nghìn còn, thì số lỗ cũng lên đến vài chục triệu. Nhưng điều thực sự khó khăn vẫn còn đang chờ người chăn nuôi ở phía trước đó là nhu cầu về thị trường gà hiện gần như đóng băng. Gà không bán được nhưng vẫn phải cho ăn mỗi ngày, nhiều chủ trang trại thực sự không biết đối diện với thực tế ra sao khi mỗi ngày phải tốn từ 2-3 triệu đồng để mua thức ăn duy trì cho đàn gà. Và cũng giống như người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, tiền mua giống, mua thức ăn nuôi gà cũng từ việc thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng mà ra hoặc đi huy động bà con họ hàng để có vốn chăn nuôi. Tất cả cũng bắt nguồn từ những phong trào chăn nuôi tự phát.

Vậy người nông dân phải làm gì ?
Theo sở thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL, do hầu hết các địa phương đều mở rộng diện tích nuôi nên sản lượng cá tra năm nay tăng. Không chỉ có các tỉnh có nguồn nước thuận lợi như An Giang, Đồng Tháp mà ngay cả vùng nước "mặn - ngọt giao duyên" như Bến Tre, Tiền Giang cũng tăng tốc với loài cá da trơn này...

Một trong những nguyên nhân làm giá cá tra rớt giá là do các doanh nghiệp ngừng thu mua hoặc thu mua với khối lượng ít do các đơn hàng xuất khẩu chậm do các rào cản thương mại. Theo những thông tin mới nhất từ Uỷ ban Xuất khẩu cá đi Nga thì tới đây tình hình xuất khẩu của thị trường thuỷ sản Việt Nam sẽ có những dấu hiệu ấm trở lại bởi sức mua tăng gấp 2-3 lần so với năm 2008. Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, đã xuất khẩu được trên 10.000 tấn cá tra, cá ba sa, riêng tháng 7 là 15.000 tấn với thị trường gần như độc quyền cho các doanh nghiệp trong nước vì Nga sẽ ngưng nhập nguồn cá từ Chi Lê, Canada, Trung Quốc. Ước tính, từ nay đến hết năm 2009, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Nga trên 70.000 tấn cá tra, cá ba sa với giá khoảng 3,1USD/kg. Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP), nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản trên thế giới đang tăng mạnh khối lượng mua như thị trường Đông Âu, sức mua tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Chile, Peru cũng đang thu mua mạnh, Mexico tăng sản lượng mua vào gấp đôi. Một số nước châu Phi tăng đem về nguồn kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3tỷ USD.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia phân tích của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, thì thị trường thịt và thực phẩm trong nước sẽ có dấu hiệu tăng trở lại khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu và nguồn cung thị trường đã ổn định hơn.

Con cá tra vẫn là con cá "vàng", việc chăn nuôi gà cũng như tiếp tục tăng sản lượng các loại cây trồng cho ăn quả như vải thiều, thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vì không phải quốc gia nào cũng có những lợi thế xuất khẩu như Việt Nam. Rõ ràng, vấn đề cốt lõi mà người nông dân, người chăn nuôi đang cần ở đây là một chiến lược lâu dài phát triển bền vững với sự liên kết chặt chẽ mô hình giữa bốn nhà là nhà nông- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp- nhà nước.

Vậy người nông dân cần phải làm gì khi tham gia vào mô hình 4 nhà và khi mối liên kết này vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Đó chính là sự cân nhắc khi chọn lựa mô hình kinh tế, sự bình tĩnh với những biến động bất thường của thị trường và không ngừng tiếp thu học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Chính những người sản xuất, chăn nuôi cũng phải tự xây dựng cho mình cách làm việc chuyên nghiệp, năng suất, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước những cam kết lâu dài trong việc ký kết cùng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Mối liên kết này đôi khi vẫn bị những toan tính đời thường vì lợi nhuận trước mắt của chính các doanh nghiệp và người dân nên. Chừng nào vẫn còn cảnh "ăn xổi ở thì, thừa nước đục thả câu" thì vẫn còn cảnh được mùa rớt giá mà vẫn hỏi tại sao.



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường