Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, “được mùa - mất giá” và “mất mùa - được giá” là hai hình ảnh trong bức tranh chung của nông sản VN. Để cải thiện tình trạng trên, chỉ có con đường duy nhất là phải xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Bắc Giang sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình xây dựng thương hiệu cho vải Lục Ngạn. Ảnh: H.LONG
“Bây giờ hoặc không bao giờ”
Thương hiệu không chỉ cần cho xuất khẩu mà cũng rất quan trọng với thị trường nội địa. Một ví dụ điển hình được ông Phạm Trọng Bảo Châu, Giám đốc thương mại Công ty CP Vinamit, đưa ra là thương hiệu rượu vang Beaujolais Nouveau của Pháp làm từ loại nho ngon nhất chỉ có mặt vào tháng 11 mỗi năm và kéo dài vài tháng. Vì vậy, đúng vào thời điểm đó, cả nước Pháp đều đổ xô đi uống rượu vang. Tại VN, chưa có thương hiệu nông sản nào tạo được cơn lốc đến mùa phải tìm mua loại này mà không phải loại khác. Vì vậy, cần trích từ nguồn lợi nhuận nông sản để thực hiện quảng cáo sản phẩm nông sản.
Về góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế cấp cao Phạm Chi Lan đánh giá: Nông nghiệp vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế nước ta. Trải qua giai đoạn khủng hoảng càng thấy rõ điều này và việc xây dựng thương hiệu cho nông sản rất cấp bách, bây giờ hoặc không bao giờ làm được. Mặt khác, cần thay đổi cách làm đơn giản tìm lợi nhuận chủ yếu từ nông sản thô sang tìm kiếm lợi nhuận từ giá trị gia tăng của nông sản. Chẳng hạn như với trái dưa hấu của Mexico xuất sang Mỹ thì giá trị của dưa hấu chỉ chiếm 0,95%, hơn 99% lợi nhuận mang lại là từ giá trị gia tăng thông qua việc xây dựng thương hiệu, chế biến...
Được biết, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện đề án làm thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn. Hiện tỉnh đã nhận được mô hình cải thiện sản xuất và tiêu thụ vải Lục Ngạn do Viện Nghiên cứu phát triển - IDS và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giúp sức, dự kiến áp dụng cho mùa vụ 2010.
Ổn định giá bằng kích cầu, dãn cung
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các DN cho rằng kích cầu và dãn cung là việc cần làm ngay để tạo giá ổn định cho nông sản VN. Ông Phạm Trọng Bảo Châu dẫn chứng: Gần đây, cà phê liên tục rớt giá do ảnh hưởng từ việc “bán tống bán tháo” của các DN thay vì kiểm soát sản lượng bán trong từng thời điểm (phần lớn nông sản VN hiện nay đều trong tình trạng tương tự). Nông sản là hàng hóa, nếu cùng lúc đưa hàng ra quá nhu cầu thị trường thì sẽ dẫn đến tình trạng mất giá. Thay vì bán ra nên lưu kho để tạo thế quân bình giữa cung – cầu, đồng thời điều chỉnh được giá bán. Ngược lại, khi sức mua giảm, phải có những biện pháp tiếp thị để kích cầu thị trường. Tại thị trường VN, nhiều loại trái cây thường bị dội chợ thê thảm khi trúng mùa. Mỗi vụ vải thiều kéo dài khoảng 8 tuần với sản lượng trung bình 200.000 tấn. Không thể đòi hỏi người tiêu dùng phải ăn quá nhiều vải tươi mà phải suy nghĩ đến các sản phẩm chế biến khác từ vải như vải khô, vải hộp, vải tươi cấp đông bán trái mùa, vải sấy dẻo, nước cô đặc vải làm nguyên liệu sản xuất, mứt vải, kem vải... Ông Nguyễn Duy Thuận, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN, cho rằng lập sàn giao dịch nông sản do địa phương hoặc hiệp hội quản lý cũng là giải pháp hay nhằm điều phối giá cả.
Rất nhiều DN trong lĩnh vực chế biến nông sản cũng than phiền về chất lượng đầu vào của nông sản trong nước nên phần lớn DN đều phải nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc và các quốc gia lận cận. Cách làm này gây bất ổn ngược lại cho nông dân nhưng để “tự cứu mình”, DN buộc phải làm như vậy. Vì vậy, nếu giải được bài toán chất lượng nông sản sẽ góp phần tăng giá trị cho nông sản.