Sự có mặt của đại diện VP Chính phủ, các Bộ: TN-MT, KH-ĐT, KH-CN, GT-VT; nhiều tổ chức như: FAO, ADB, UNDP, WB, JICA; các tỉnh trồng lúa lớn ở phía Bắc: Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương…cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Hầu hết ý kiến đều đòi hỏi phải có ngay một Nghị định (NĐ) về quản lý đất trồng lúa nước, nếu không sẽ quá muộn.
Ngay từ tiêu đề dự thảo NĐ đã được tranh cãi nảy lửa. Ông Nguyễn Đình Xứng- GĐ Sở NN- PTNT Thanh Hoá kiến nghị sửa lại là “Cơ chế chính sách phát triển lúa gạo đảm bảo ANLTQG”. Ông Xứng nói: “Vì có như vậy, hệ thống thuỷ lợi nội đồng, giao thông thuỷ lợi, cơ giới hoá, KHKT, điều kiện thâm canh mới được đầu tư phát triển mạnh, đồng bộ”. Theo ông Từ Kim- Sở NN- PTNT Nghệ An chỉ trong vòng 8 năm qua, tỉnh Nghệ An đã mất 1.400ha đất lúa. Nếu theo quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2020, Nghệ An sẽ mất 24.000ha đất “bờ xôi ruộng mật”. “Về chính sách hỗ trợ dân khai hoang và chuyển đất nương rẫy sang làm lúa tôi thấy mức hỗ trợ 10 triệu đồng là qúa thấp. Không nên lấy một mức cứng để áp dụng cho tất cả các vùng”- ông Kim kiến nghị.
Đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng: “Các tỉnh đều có chiến lược đến năm 2020- 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, như vậy sẽ không còn có tỉnh nông nghiệp nữa. Vậy để giữ được đất lúa thì ngay từ bây giờ trong NĐ phải nói lên được một chính sách đầu tư đặc biệt cho các tỉnh trọng điểm trồng lúa nước để họ có điều kiện phát triển. Bởi trong thực tế nếu chỉ đánh giá tổng thu ngân sách thì tỉnh nào là công nghiệp vẫn là tốp dẫn đầu, trong khi đó có những tỉnh trọng điểm lúa thu ngân sách chưa bằng một DN ở Hà Nội”.
Để nâng cao tính răn đe, có đại biểu cho rằng NĐ vẫn còn nặng tính hành chính mà đúng ra phải là những vấn đề kinh tế vĩ mô. Có những đoạn viết giống như nghị quyết mà đúng ra phải thể hiện được tính pháp quy, bám sát vào các quy định của luật. Ông Vũ Ngọc Kích- chuyên viên VP quản lý đất đai thuộc Bộ TN- MT cho rằng nhiều điều và một số chương trong dự thảo còn trái với Luật Đất đai. Về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa nước, theo ông Kích nếu ghi như dự thảo NĐ sẽ tạo điều kiện cho các địa phương lách luật mà không làm phiền đến Chính phủ. Nếu không ràng buộc chặt chẽ thì nông dân sẽ mất hết đất làm lúa bởi những dự án dưới 5ha.
Cùng chung quan điểm với ông Kích, ông Nguyễn Văn Nên- PGĐ Sở NN- PTNT Ninh Bình bày tỏ lo ngại khi dự thảo NĐ “trao quyền mới” cho UBND xã khi quy định “UBND xã được ra quyết định tạm thu hồi, tạm giao diện tích đất hoang cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đúng mục đích”. Về vấn đề này, ông Nên cho rằng: “Cấp nào ra quyết định cấp đất thì cấp đó mới có quyền thu hồi đất. Lâu nay ở ta việc cấp đất, giao đất đều do thẩm quyền của UBND huyện trở lên vậy tại sao giờ lại trao cái quyền to đùng ấy cho UBND xã”.
Một điểm mới được dự thảo NĐ đưa ra là: “Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự”. Cụ thể, các cá nhân, tổ chức khi sử dụng đất hoặc mua bán, chuyển nhượng, sử dụng không đúng mục đích hay việc chính quyền cố tình né tránh lách luật để quy hoạch, giao đất, chuyển nhượng không đúng thẩm quyền, triển khai thực hiện không đúng các quyết định về quy hoạch, kế hoạch ảnh hưởng đến kết quả sản xuất trên đất trồng lúa nước đều bị xem xét, xử lý nghiêm minh. Nhìn chung các đại biểu đều mong NĐ này sớm hoàn chỉnh và được ban hành nhằm tạo ra được bước đột phá mới đối với các địa phương trọng điểm lúa nước và người nông dân để thúc đẩy phát triển trồng lúa.
Ông Bùi Bá Bổng- Thứ trưởng Bộ NN- PTNT ghi nhận và sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo: “Cùng với Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương và người dân quyết tâm duy trì phát triển ổn định diện tích trồng lúa nước, đảm bảo hài hoà từ hai phía là vừa phát triển đất nước, vừa đảm bảo ANLTQG. Từ nay đến năm 2020, chấp nhận mất 300 ngàn ha đất trồng lúa nước cho việc phát triển công nghiệp và đô thị hoá. Chúng ta sẽ chốt lại ở 3,6 triệu ha đất dành cho trồng lúa nước, đảm bảo ANLT bền vững cho 116 triệu dân, trong đó có 3,2 triệu ha đất hai lúa”.
Năm 2020 không còn gạo XK? Trả lời câu hỏi của NNVN về việc trước thông tin đến năm 2020 VN sẽ không còn gạo XK nếu đất lúa cứ bị "làm thịt" với tốc độ như hiện nay, ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Cùng với tốc độ phát triển đô thị hoá, công nghiệp hoá và gia tăng dân số, nếu chúng ta không quản lý được việc sử dụng đất lúa hiệu quả thì khả năng đến năm 2020 VN khó lòng mà cân đối được gạo để XK”. Chính vì vậy theo ông Ngọc việc ban hành NĐ này là rất cấp bách. |