Nguyên liệu không đủ đáp ứng XK
Đó là thực tế đối với không ít DN chuyên XK về hàng nông sản, đặc biệt là hoa quả hiện nay. Nếu như tiêu thụ trong nước cần nhiều về số lượng thì đối với XK, việc đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào là yếu tố hàng đầu, bởi có như vậy mới dễ dàng bảo quản và xuất đi đường dài. Tại miền Bắc, nhãn và vải là hai mặt hàng có lợi thế về XK, song cũng khiến nhiều DN đau đầu bởi đây là hoa quả "khó tính" nhất trong việc bảo quản.
Giữa tháng 6, một DN chuyên XK nông sản sạch tại Hà Nội đã xuất đi 80 tấn vải Thanh Hà (Hải Dương) sang Canada. Tuy nhiên, theo lời giám đốc của Cty thì để có được lượng vải này, họ phải chạy mướt mồ hôi mới huy động được từng ấy số lượng, dù sản lượng vải Thanh Hà đạt được là hàng chục ngàn tấn, và mặc dù nhu cầu XK của DN này còn cao hơn rất nhiều nếu đủ nguyên liệu...
Lý giải cho điều này, TS Hoàng Lệ Hằng - Phó Trưởng bộ môn bảo quản chế biến - Viện Nghiên cứu rau quả - cho biết: "Khâu bảo quản sau thu hoạch theo đúng quy trình tuỳ thuộc rất lớn vào nguyên liệu đầu vào. Nếu hoa quả không tươi ngay ở khâu thu hoạch thì dù công nghệ bảo quản có tốt đến đâu cũng khó mà thuyết phục được đối tác".
Để đáp ứng các nhà nhập khẩu khó tính, các DN đã phải tìm mọi cách có được nguyên liệu đạt chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất manh mún hiện nay, điều này khó lòng đảm bảo.
Kho lạnh ngoại quan - tương lai còn xa
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, tỉ lệ rau quả tổn thất sau thu hoạch năm ngoái là rất cao, với khoảng 25 - 28% tổng sản lượng thu hoạch. Nguy hại hơn, do quá trình bảo quản còn kém nên còn có sự sụt giảm đáng kể về chất lượng với tỉ lệ lên đến 20% so với giá trị sản phẩm.
Cơ quan này cho biết, hệ thống kho dự trữ, kho lạnh còn thiếu về số lượng, lạc hậu về công nghệ, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch chiếm tỉ lệ cao. Chưa kể đến việc lưu chuyển hoa quả trên thị trường nội địa cần khoảng thời gian bảo quản ngắn, thì việc XK sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ trở nên nan giải bởi chất lượng của hoa quả nguyên liệu không thể đảm bảo yêu cầu trong một chặng đường dài như vậy.
Chưa nói đâu xa, ngay thị trường Trung Quốc, hoa quả nước ta chỉ sau vài ngày ách tắc ở cửa khẩu đã lập tức bị thối, phải đổ đi. Kiểu kinh doanh manh mún, bảo quản không đúng quy trình ngay từ đầu nên việc hoa quả nhanh chóng hư tổn là điều khó tránh khỏi. Viện Nghiên cứu rau quả đã nhiều lần kiến nghị về việc xây dựng các kho bảo quản mát tại khu vực trung chuyển, các cửa khẩu nhằm bảo quản tạm thời hàng nông sản khi bị ách tắc. Song thực tế, các kho này vẫn chỉ đang xây dựng trên... giấy.
Theo TS Hoàng Lệ Hằng, xây kho bảo quản chỉ là liệu pháp tạm thời, về lâu dài, muốn hoa quả trong nước XK ổn định với quy mô lớn thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu phải được làm ngay, theo đó công tác bảo quản mới đạt đúng quy trình.
Tại miền Bắc, quy mô vùng nguyên liệu mới chỉ được thành hình: Vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) chỉ vỏn vẹn 2.500/18.500 hécta quy hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP, vựa nhãn lồng Hưng Yên cũng chỉ khiêm tốn với khoảng 10% diện tích đảm bảo theo tiêu chuẩn vùng nguyên liệu an toàn...
Xuất khẩu nông sản sụt giảm trong 6 tháng đầu năm
Theo Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu năm 2009, giá trị XK nông, lâm và thuỷ sản ước đạt 7,6 tỉ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,3 tỉ USD, giảm 0,39%, các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,2 tỉ USD, giảm hơn 18% và mặt hàng thuỷ sản đạt 1,7 tỉ USD, giảm 11%. |