Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại đang nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Bảnh (ảnh), Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Mua thêm gạo là đã kê đúng “thuốc”
. Theo ông, quyết định thu mua 500 ngàn tấn gạo trong đợt hai của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) liệu có giúp giá lúa gạo trong nước tăng lên?
+ Khi giá thị trường càng ngày càng giảm do không có đầu ra thì việc Bộ NN&PTNT và Vietfood quyết định mua 900 ngàn tấn gạo trong hai đợt với giá sàn 3.800 đồng/kg là đúng “thuốc” rồi.
Tuy nhiên, như Vietfood thông báo, doanh nghiệp (DN) chỉ mua gạo chứ không mua lúa cũng là một cái khó cho nông dân. Ngoài ra cần phải làm rõ giá 3.800 đồng/kg ở đây là giá DN mua tại hộ sản xuất hay là nông dân phải thông qua hệ thống thương lái trung gian.
Một điều nữa là tôi được biết rất ít DN có được hệ thống kho bãi đàng hoàng. Vậy sau khi mua 500 ngàn tấn gạo, DN sẽ cất vào đâu cũng là điều đáng bàn.
. Theo Vietfood, một trong những nguyên nhân khiến giá lúa gạo thấp là DN chưa xây dựng được hệ thống thu mua trực tiếp với nông dân. Lý giải đó có hợp lý và liệu DN có xây dựng được hệ thống này?
+ DN không làm nổi vì hiện tại hệ thống thương lái đã làm rất tốt rồi. Họ có thể len lỏi đến vùng sâu, vùng xa để thu mua, thậm chí biết được nhu cầu, sản lượng của người này, người kia nhiều hay ít để có kế hoạch thu mua hợp lý. Điều này thì chắc chắn DN gạo không thể làm được nên trong vòng năm năm nữa chưa thể loại bỏ được hệ thống thương lái.
Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa DN và các thương lái. DN nên tập hợp các thương lái thành một hệ thống chặt chẽ rồi phân chia lợi nhuận hợp lý để từ đó thu mua với giá làm sao đảm bảo 30% lợi nhuận cho nông dân.
Một điều nữa khiến DN không thể mua trực tiếp vì họ không có hệ thống kho bãi đảm bảo. Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo rất tốt nhưng nhiều DN, thậm chí cả các cơ quan quản lý ở trên còn chần chừ vì lo vấn đề dự trữ, an ninh lương thực nếu vụ sau mất mùa. Nếu không nhanh chóng chấn chỉnh vấn đề kho bãi dự trữ thì thiệt hại cứ kéo dài.
“Chúng ta bán gạo như hàng chợ”
. Gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn 100 USD/tấn so với Thái Lan, trước đây chỉ thấp hơn 20-40 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của ta còn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Đâu là nguyên nhân của tình trạng đáng buồn này?
+ Về giống và chất lượng lúa thì ta không thua kém Thái Lan. Tuy nhiên, Thái Lan luôn có thị trường xuất khẩu ổn định trong khi Việt Nam luôn bán gạo giống như hàng chợ, thị trường lại không ổn định. Gạo Thái Lan luôn có thương hiệu riêng, nổi tiếng trong khi gạo Việt Nam không có thương hiệu. Gạo Việt Nam có chất lượng kém do không được phơi sấy, bảo quản tốt. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp là do DN tranh giành lẫn nhau, bán đổ bán tháo để có được hợp đồng.
. Như ông nói thì một nguyên nhân khiến giá gạo thấp là do cơ chế điều hành xuất khẩu gạo chưa phù hợp?
+ Điều này đúng. Muốn làm ăn bài bản thì DN phải có sự liên kết, hợp tác với vùng chuyên canh lớn. Muốn giá lúa gạo ổn định thì DN phải đảm bảo bao tiêu. DN nên chủ động hơn nữa việc mua gạo tại ruộng để giảm gánh nặng cho người sản xuất. Cơ quan chức năng, DN cần phải tạo thương hiệu cho gạo Việt Nam để thế giới biết đến và nhanh chóng xây dựng kho bãi dự trữ.
Vừa rồi tôi có hỏi DN Thái Lan về chuyện này, họ bảo: “Việc xuất khẩu gạo của DN Việt Nam không ảnh hưởng tới việc xuất khẩu gạo của Thái Lan. Khi tình hình xuất khẩu không thuận lợi, chúng tôi lại cất gạo vào kho chờ giá tăng lên”.
Về khoản chủ động này thì DN Việt Nam chưa làm được vì thiếu kho bãi dự trữ.
. Giá gạo xuất khẩu từ đây đến cuối năm liệu có tăng như dự kiến của Vietfood không, thưa ông?
+ Thông thường vào tháng 11, 12, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng. Nhưng cũng có thông tin vào dịp này, các nước Thái Lan, Ấn Độ cũng sẽ xuất kho. Nếu điều này xảy ra thì giá gạo thấp cứ kéo dài mãi. Cho nên vấn đề kho bãi dự trữ là vấn đề sống còn phải làm ngay để không ảnh hưởng tới giá gạo xuất khẩu và cuộc sống của hàng triệu người trồng lúa.
. Xin cảm ơn ông.